Trần tình của giáo viên đánh học sinh tím mặt vì viết chậm

(Dân trí) - "Do quá nóng tính nên tôi không kiềm chế được bản thân mình. Vì một phút nông nổi ấy mà giờ tôi quá hối hận" - cô giáo đánh học sinh tím mặt ở Trường tiểu học xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai) giãi bày trong Chương trình "Chuyển động 24h".

"Tôi quá hối hận"

"Do quá nóng tính nên tôi không kiềm chế được bản thân. Vì một phút nông nổi ấy mà giờ tôi quá hối hận". Cô giáo Trần Thị Thu Trà - người đánh em Phàn Chung Thủy (học sinh lớp 1, Trường tiểu học xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) đã chia sẻ trong chương trình Chuyển động 24h.

Theo công an huyện Bát Xát, sau khi em Thủy xuất viện sẽ cho giám định thương tích. Sau đó, tùy vào mức độ tổn thương tích để xem xét có khởi tố vụ việc này hay không. Hiện em Thủy vẫn đau đầu và khóc khi được hỏi chuyện.

Cô giáo Thu Trà khóc vì hối hận (ảnh: Cắt từ clip VTV)
Cô giáo Thu Trà khóc vì hối hận (ảnh: Cắt từ clip VTV)

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Ngô Quốc Cường, Chánh Văn phòng UBND huyện Bát Xát cho biết, liên quan đến việc cô giáo Trần Thị Thu Trà đánh học sinh Phàn Chung Thủy thâm tím mặt, vào chiều 30/3, huyện Bát Xát đã thành lập Hội đồng kỉ luật của huyện.

Dự kiến ngày 5/4 tới, Hội đồng kỷ luật huyện Bát Xát sẽ họp kỷ luật với cô giáo Trần Thị Thu Trà và có quyết định chính thức về việc xử lý giáo viên này.

Tuy nhiên, theo ông Cường, căn cứ vào Nghị định 27/2012 NĐ-CP về việc xử lý kỉ luật với viên chức, có 3 mức xử lý: Khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Trong trường hợp của cô Trà, dự kiến có thể rơi vào hai mức: Cảnh cáo hoặc buộc thôi việc.

Đánh thế thì hãi quá

Không riêng gì độc giả mà hình ảnh cháu bé bị giáo viên đánh thâm tím mặt vì viết chính tả chậm ở Lào Cai đã khiến nhiều giáo viên bức xúc và lên án. Cô Nguyễn Hà, một giáo viên dạy Ngữ Văn cấp 2 tại Thanh Hóa cho biết, làm nhà giáo, đồng ý nhiều khi đi dạy cũng bị học sinh làm cho ức chế. Tuy nhiên, cùng lắm giáo viên gõ nhẹ vào lòng bàn tay hoặc học sinh lớn hơn thì véo tai cái rồi thôi. Còn đánh đến thế này thì kinh hãi quá.

“Nếu sự thật bé bị đánh đến thế này, đúng là không chấp nhận được. Quả thật khi đi dạy, chúng tôi cũng có lúc bị học sinh làm cho ức chế nhưng cùng lắm cũng gõ cho cái thước kẻ vào lòng bàn tay nhè nhẹ thôi. Học sinh lớn hơn chút thì véo tai là cùng nhưng đánh đến thế này thì hãi quá”, cô Hà cho biết.

Cô giáo Trà và em Phàn Chung Thủy (Ảnh: Cắt từ clip VTV)
Cô giáo Trà và em Phàn Chung Thủy (Ảnh: Cắt từ clip VTV)

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho biết, là người trong nghề nhưng nhìn hình ảnh trên bà rất sốc và xót xa. “Tôi đọc thấy báo viết, do bôi mật gấu nên có tác dụng phụ dẫn đến thâm tím chứ không phải cô đánh đến mức độ đó. Nhưng nếu sự thật cô giáo đánh học sinh ra nông nỗi thế, theo tôi có thể tâm lý của cô giáo có vấn đề”, bà Kim Thanh nhận xét.

Cô Ngọc Thắng, một người hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục, đã từng gần gũi với nhiều giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thì cho rằng, đương nhiên mình không bênh giáo viên kia. Đánh trò là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hãy giúp cô ấy nhận ra điều nên làm.

Cô Thắng chia sẻ: “Tôi đã từng tiếp xúc nhiều với giáo viên vùng cao. Giáo viên ở điểm trường lẻ rất vất vả và cực khổ. Nhiều cô có trình độ rất thấp, thậm chí hết THCS, đào tạo thêm vài năm rồi đi dạy nên suy nghĩ còn hạn chế”.

Không thể dùng vũ lực để học sinh tiến bộ

Chia sẻ về việc một học sinh viết chính tả chậm nhưng bị giáo viên đánh, cô Kim Thanh cho biết, ở Pháp có một số học sinh học hết tiểu học nhưng vẫn không viết được chính tả. Các học sinh này vẫn được lên lớp bởi họ chấp nhận có một tỉ lệ học sinh như thế chứ hoàn toàn không dùng áp lực với trẻ vì đó là điều tệ hại nhất.

“Có thể trẻ con viết chậm viết sai, có thể trẻ ăn ít ở trường nhưng ở nước ngoài, chúng không bị áp lực tâm lý. Trong giáo dục phải chấp nhận một tỉ lệ trẻ khó nuôi khó học. Đứa trẻ có thể năm nay viết chậm nhưng sang năm sẽ khá hơn nhưng nó không bị bạo hành, lớn lên không có vết thương tâm lý. Trong giáo dục, không nên vì muốn học sinh tiến bộ thì dùng vũ lực”.

Em Thủy vẫn đau đầu và khóc khi được hỏi chuyện (Ảnh: Cắt từ clip của VTV)
Em Thủy vẫn đau đầu và khóc khi được hỏi chuyện (Ảnh: Cắt từ clip của VTV)

Trao đổi với chúng tôi trước đó về tình trạng giáo viên bạo lực học sinh, Ths Lê Minh Công (Phó trưởng Khoa Tâm lý học - ĐHKHXH&NV TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay giáo viên được giáo dục nhiều về kĩ năng sư phạm hoặc về chuyên môn nhưng giá trị đạo đức nghề nghiệp không được nói nhiều. Hay nói cách khác, giá trị đạo đức của người giáo viên hiện nay không được tôn vinh nhiều như trước đây.

Bên cạnh đó, giáo viên chỉ dạy bài vở là chủ yếu, không được đào tạo và huấn luyện về các kĩ năng xã hội nhiều nên không có phương án, kĩ năng ứng phó với tình huống khủng hoảng của học sinh khi xảy ra.

Một điều quan trọng theo Ths Công, một khi bố mẹ hoặc giáo viên đã phải sử dụng vũ lực, nghĩa là đã bất lực với đứa trẻ đó. Vì sao họ bất lực? Đấy là khi người đó không có phương pháp, không giáo dục được lòng nhân ái cho học trò.

Về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, những vụ bạo lực học đường được phát hiện rất nhiều trong thời gian vừa qua, một phần có thể do bức xúc tâm lý bên trong của mỗi giáo viên.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do hai điều: Thứ nhất, giáo viên không có kĩ năng để ứng xử với những tình huống sư phạm. Năng lực thiếu, chưa được đào tạo đến nơi đến chốn. Thứ hai, về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên chưa được rèn đến nơi đến chốn.

“Theo tôi được biết, ở nước ngoài, có 3 ngành nghề được rèn giũa rất kĩ: Ngành Y, Sư phạm và ngành Luật. Cả 3 ngành này, ở nước ngoài được đào tạo đạo đức nghề nghiệp rất ghê gớm. Nhưng chúng ta thường bị coi thường ở khâu này”, ông Lâm nói.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)