TPHCM: Hơn 53% học sinh tham gia chương trình sữa học đường

(Dân trí) - Từ ngày mai 1/11/2019, TPHCM sẽ chính thức triển khai chương trình sữa học đường đến với hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối 1 trên địa bàn 10 quận, huyện của thành phố. Tỷ lệ tham gia là trên 53%.

Chiều tối ngày 31/10, TPHCM họp báo công bố triển khai chương trình Sữa học đường trên địa bàn TPHCM với chủ đề "Chung tay vì một Việt Nam vươn cao". 

Cụ thể, từ ngày 1/11/2019, hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện gồm quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh sẽ được uống sữa học đường. Với lượng sử dụng ngày 1 lần/hộp 180ml với 5 lần/tuần. 

TPHCM: Hơn 53% học sinh tham gia chương trình sữa học đường - 1

Buổi họp báo về triển khai chương trình Sữa học đường tại TPHCM từ ngày 1/11/2019.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trước khi thực hiện, Sở GD-ĐT đã lấy ý kiến của phụ huynh tại 10 quận huyện. Việc tham gia chương trình là không bắt buộc, mà trên tinh thần tự nguyện. 

Bà Thu cũng thông tin, trên hộp sữa trong chương trình phải in là chương trình sữa học đường để kiểm soát. Ngoài ra, giá sữa phải công khai để phụ huynh nắm được được tỷ lệ mình đóng góp. 

Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TPHCM được tiến hành theo hình thức xã hội hóa. Trong đó nhà nước hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ 20%, phụ huynh chỉ phải đóng 50% chi phí. Riêng đối với các em có điều kiện khó khăn, sẽ được uống sữa hoàn toàn miễn phí. 

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM, thuộc Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ lựa chọn nhà cung cấp sữa có năng lực, có chất lượng sữa phù hợp với tiêu chuẩn của Đề án theo quy định của pháp luật về đấu thầu đảm bảo khách quan minh bạch, và chất lượng. Đơn vị được lựa chọn triển khai là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). 

Theo đề án Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 của UBND TPHCM, kinh phí trong giai đoạn này là 1.134 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 348 tỷ đồng, cha mẹ học sinh trên 547 tỷ và doanh nghiệp cung cấp sữa trên 239 tỷ.

Chương trình này cũng đang được triển khai tại 17 tỉnh, thành như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nam, Ninh Thuận… 

Ngoài sự đồng thuận, cũng có nhiều ý kiến trái chiều đối với chương trình Sữa học đường.

 Hoài Nam