TPHCM: Đề xuất chi hơn 250 tỷ đồng/năm giữ chân giáo viên mầm non

(Dân trí) - Trước tình trạng thiếu giáo viên ở bậc mon cũng như “vấn nạn” giáo viên ở bậc học này bỏ việc, UBND TPHCM vừa đề xuất những giải pháp nhằm giữa chân giáo viên mầm non. Trong đó, có giải pháp cần hơn 250 tỷ đồng để giữ chân cô giáo mầm non.

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố đề xuất chính sách thu hút và giữ chân giáo viên mầm non.

Số giáo viên mầm non ở TPHCM nghỉ việc trong 3 năm gần đây
Số giáo viên mầm non ở TPHCM nghỉ việc trong 3 năm gần đây

Theo lãnh đạo TPHCM, hiện giáo viên mầm non chịu rất nhiều áp lực trong công việc như thời gian làm việc quá dài, cường độ công việc cao; điều kiện làm việc chưa đảm bảo tinh thần thoải mái cho người thầy (như áp lực sĩ số, yêu cầu của phụ huynh, xã hội ngày càng cao, áp lực từ dư luận truyền thông...); đãi ngộ chưa xứng đáng...

Tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc, bỏ việc cũng làm cho lực lượng này luôn thiếu hụt và không ổn định. Năm học 2015-2016, TPHCM có 1.115 giáo viên mầm non về hưu, chuyển việc, nghỉ việc và bỏ việc. Nguồn tuyển lại thiếu khi sinh viên theo học ngành sư phạm mầm non bỏ học trong quá trình đào tạo rất nhiều.

TPHCM đề xuất cần hơn 250 tỷ đồng/năm để giữ chân giáo viên mầm non
TPHCM đề xuất cần hơn 250 tỷ đồng/năm để giữ chân giáo viên mầm non

Từ khó khăn thực tế này, UBND TPHCM đề xuất kinh phí dự kiến để giữ chân giáo viên mầm non với số tiền là hơn 251 tỷ đồng/năm.

Cụ thể các khoản như sau: Bổ sung giáo viên theo dạng khoán, trong điều kiện không thể tăng biên chế giáo viên mầm non để đủ theo qui định, đề xuất cho phép thực hiện hợp đồng giáo viên bổ sung theo dạng khoán, ngân sách thành phố cấp để đảm bảo đủ số giáo viên theo quy định. Hợp đồng khoán theo mức lương tối thiểu vùng 3.750.000đ, kinh phí dự kiến hơn 32 tỷ đồng.

Về bổ sung nhân viên nuôi dưỡng, hợp đồng khoán để bổ sung thêm nhân viên hỗ trợ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh cho trẻ. Hợp đồng khoán theo mức lương 2.000.000đ/tháng. Kinh phí hợp đồng : 50% xã hội hóa –50% ngân sách hỗ trợ kinh phí. Hiện nay tòan thành phố có 4.775 nhóm, lớp; đang có 394 nhân viên nuôi dưỡng thuộc biên chế trường do đó còn thiếu 4.381 người.

Kinh phí ngân sách 50% (4.381*1.000.000= 4.381.000.000đ*9 tháng) ; dự kiến 39 tỷ 429 triệu đồng.

Về điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho GVMN: Hỗ trợ thêm cho GVMN số tiền tương đương 160 giờ/năm (theo tính toán như trên thì số giờ làm việc thêm của GVMN khoảng 720 giờ/năm, hiện nay giáo viên chỉ được lãnh phụ trội thêm giờ không quá 200 giờ /năm).

Kinh phí (hệ số lương 2,34*1,35*1.210.000đ)/(8giờ x5 ngày/tuầnx4 tuần)*150% x160giờ /9 tháng = (637.065đ x 9.816 GV = 6.253.430.040đ *9), dự kiến kinh phí hơn 56 tỷ đồng.

Hỗ trợ để khuyến khích GVMN có trình độ chuyên môn đến công tác tại các cơ sở GDMN : Thạc sĩ : 1.500.000đ/người/tháng ; Đại học : 1.100.000đ/người/tháng; Cao đẳng : 550.000đ/người/tháng. Dự kiến kinh phí hơn 89 tỷ đồng.

Nâng mức hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên theo Nghị quyết 01 của TPHCM lên 10% bằng với cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi theo Nghị quyết 01 (tổng mức hỗ trợ 35% theo quy định trung ương và 35% thành phố hỗ trợ thêm). Kinh phí dự kiến hơn 33 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đề xuất các giải pháp đi kèm như cho phép thực hiện thí điểm tự chủ tòan phần tại một số đơn vị có điều kiện (đơn vị tự quyết định mức học phí, tự quyết định số lượng giáo viên và mức lương của giáo viên), kinh phí lẽ ra cấp cho đơn vị này sẽ điều tiết sang đơn vị ở vùng ven, vùng khó khăn hay ngoại thành để hỗ trợ phát triển đơn vị; có cơ chế tuyển dụng GVMN không gắn với yêu cầu hộ khẩu thành phố.

Hoài Nam