TPHCM: Đề Văn lớp 10 hỏi về ước mơ và tình yêu thương

(Dân trí) - “Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ” và “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương” xuất hiện trong đề Văn lớp 10 ở TPHCM.

Học sinh ở TPHCM vừa kết thúc môn thi đầu tiên trong kỳ tuyển sinh lớp 10. Không như dự đoán của nhiều học sinh rằng các vấn đề thời sự sẽ xuất hiện trong đề thi, đề Văn sáng nay đề cập đến nội dung hoài bão sống và giá trị sống là tình yêu thương.

Sau buổi thi, thí sinh bàn luận về đề văn lớp 10 sáng nay (ảnh: Hoài Nam)
Sau buổi thi, thí sinh bàn luận về đề văn lớp 10 sáng nay (ảnh: Hoài Nam)

Trong câu 1, sử dụng đoạn văn trích từ tác phẩm "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" của tác giả Phạm Lữ Ân để kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản của học sinh. Đồng thời, có thêm câu hỏi mở “Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ?” dành cho học sinh.

Phần nghị luận xã hội hết sức ngắn gọn với câu: “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?”. Từ đó đề yêu cầu học sinh viết bài văn ngắn khoảng 1 trang giấy trả lời cho câu trên.

Và phần nghị luận văn học yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về nhân vật thanh niên xung phong qua đoạn trích của tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa".


Tranh luận về cách làm bài thi (ảnh Lê Phương)

Tranh luận về cách làm bài thi (ảnh Lê Phương)

Nhiều học sinh đánh giá đề thi dài nên ghi nhận ở các hội đồng thi, các em đều phải tận dụng hết thời gian 120 để xử lý đề. Rất ít thí sinh kết thúc bài làm sớm. Ở phần nghị luận văn học về tình yêu thương, một số học sinh ở hội đồng thi Trường THCS Hà Huy Tập, Bình Thạnh cho hay nội dung đề cập khá lạ nên các em gặp khó khăn trong việc lập luận nội dung ngược. Đặc biệt đề nêu ra nội dung về giá trị sống chứ không phải là vấn đề hay hiện tượng xã hội thời sự như các em dự đoán.

Niềm vui của thí sinh sau khi thi môn đầu tiên (ảnh Lê Phương)
Niềm vui của thí sinh sau khi thi môn đầu tiên (ảnh Lê Phương)

Em Lim Như Ý, học sinh Trường THCS Trương Công Định cho hay, em làm hết bài nhưng phần nghị luận đặt ra vấn đề “Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?” rất lạ, các em không gặp dạng nội dung này trong quá trình ôn tập. Em nói về tình yêu thương trong gia đình để trình bày quan điểm của mình về nội dung trên. Ý cho biết, em tự chấm mình được khoảng 6 - 7 điểm.

Tương tự, Trần Thị Bích Ngọc, lớp 9/4 Trường THCS Đức Trí (Q.1) thi tại hội đồng thi THCS Minh Đức chia sẻ cảm thấy thích thú với câu 2 nghị luận xã hội nói về tình yêu thương dù không trúng lắm với dự kiến ôn tập trước đó. “Không phải những gì lời nói ngọt ngào nhất mới làm nên yêu thương, chẳng hạn có lúc cha mẹ và thầy cô cũng trách mắng đó thôi nhưng đó là vì muốn cho chúng em tốt hơn trong cuộc sống”. Đánh giá chung, Bích Ngọc cho rằng đề văn với 3 câu có phần "dễ thở" hơn năm ngoái.

Một số học sinh khác cũng bày tỏ, các em được ôn luyện khá kỹ phần nghị luận về các vấn đề thời sự, xã hội, các hiện tượng trong đời sống. Nên khi đề Văn đề cập đến tình yêu thương đòi hỏi học sinh vừa có kiến thức văn học vừa lập luận đa chiều về tình cảm con người nên các em không dễ dàng trình bày được hết quan điểm của mình.

Hoài Nam - Lê Phương