TPHCM: Có thể thay bài kiểm tra 15 - 45 phút bằng nhiều cách đánh giá

(Dân trí) - Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường đa dạng hoá hình thức các bài kiểm tra. Giáo viên có thể sử dụng nhiều hình thức đánh giá khác nhau thay cho các bài kiểm tra hiện hành.

Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra hướng dẫn thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá năm học 2019 - 2020. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường đổi mới mạnh mẽ kiểm tra đánh giá trong nhà trường.

Nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

TPHCM: Có thể thay bài kiểm tra 15 - 45 phút bằng nhiều cách đánh giá - 1

Học sinh TPHCM có thể làm bài "kiểm tra" với nhiều hình thức thay cho bài kiểm tra 15 - 45 phút như thông thường (ảnh minh họa)

Việc đa dạng hóa hình thức các bài kiểm tra, có thể thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. 

Sở nhấn mạnh, giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (bài kiểm tra 15 hoặc 45 phút).

Đối với các bài kiểm tra định kỳ trên 45 phút (1 tiết), nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên cần  4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học; xây dựng nội dung đề kiểm tra bao quát, thực tiễn tiếp cận đánh giá năng lực học sinh; tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Kết hợp một cách hợp lí giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Về kế hoạch chương trình, Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, thời gian học chính khoá của học sinh khối 12 được dùng để thực hiện và hoàn tất chương trình lớp 12.  

Hoài Nam