Bạn đọc viết:

Tôi vẫn để con vui chơi khi sắp thi học kỳ

(Dân trí) - Chưa bao giờ tôi đặt mục tiêu cho con trước mỗi kì thi học kì theo cái cách mà nhiều cha mẹ kỳ vọng, ao ước: con thi phải toàn điểm 10. Tôi biết rõ, con mình không phải thông minh nổi trội, cũng chưa chăm chỉ cần mẫn, con chỉ hiểu bài và còn khá ham chơi...

Con tôi học lớp 4, năm học được nhiều phụ huynh đánh giá là “khó nhằn” vì kiến thức rất nhiều, nặng nhất là môn Toán, Tiếng Việt. Tôi đi họp phụ huynh cho con, cô giáo chủ nhiệm cũng thông báo cụ thể về việc học hành của các con, cô mong gia đình phối hợp nhịp nhàng cùng giáo viên để các con học tốt nhất. Cô giáo nói rõ về lượng kiến thức trong năm học mà các con phải học, cô khẳng định là lớp 4 chính là lớp học khó nhất bậc tiểu học, lớp 5 nội dung học đa phần là mở rộng nâng cao một chút từ kiến thức lớp 4. Tôi cũng đi tìm hiểu từ một số anh chị hàng xóm có con lớn hơn thì mọi người cũng thừa nhận rằng lớp 4 học vất vả, chỉ cần bố mẹ lơ là, con bị hổng kiến thức và chả mấy lại học dốt, chán học.

Trải qua thi kì 1, con trai chỉ được 2 điểm 10 còn lại là điểm 9, điểm 8. Hôm ấy họp về, tôi tặng ngay cho con vài cuốn truyện tranh vì không nghĩ con lại giỏi thế, cứ nghĩ con thi cử be bét lắm. Tôi động viên con chăm chỉ học, trình bày bài vở cẩn thận là có thể đạt điểm cao hơn trong thi kì 2. Con hỏi mẹ có buồn không khi con không đạt danh hiệu "Xuất sắc" thì tôi chỉ cười và bảo con rằng cả lớp chỉ có khoảng 10 bạn đạt thành tích cao, điểm thi toàn 9, 10, con đạt điểm như thế là mẹ vui lắm rồi.

Tôi nói thế để con không suy nghĩ chứ thực lòng tôi cũng muốn con mình học giỏi để hi vọng và tự hào, giống như rất nhiều phụ huynh khác. Nhưng tôi hiểu rõ năng lực của con trai, con đạt điểm thi như vậy là con đã cố gắng hết sức rồi, mình khen ngợi con cũng là cách để con tiến bộ, con không mặc cảm tự ti. Tôi luôn động viên con rằng, chỉ cần con thích môn học nào đó, con sẽ thấy thích thú khi tìm hiểu, quan sát, mày mò để tìm đáp án bài toàn, để viết bài văn mạch lạc và tự học là rất quan trọng.

Chỉ vài ngày nữa là con thi học kì 2 môn Toán, Tiếng Việt, các môn phụ con đã thi xong. Trước đó, tôi sốt sắng muốn cả nhà về quê thăm ông bà nhưng lịch đi chơi hoãn lại vì con phải ôn thi, rất nhiều bài vở cô giao về cho các con. Tôi nghĩ, 4 ngày nghỉ lễ mình sẽ dành toàn bộ tâm sức ôn thi cùng con để con thi đạt kết quả tốt nhất. Nghĩ thế thôi nhưng tôi cũng không ôn luyện cùng con được là bao. Ngày nghỉ đầu tiên, 3 bố con về quê nội, mẹ đi làm ca kíp. Những ngày nghỉ tiếp theo thì mẹ mải dọn dẹp, nấu món gì ngon cho cả nhà, con cứ việc ngồi vào bàn mà tự học. Bài khó, con hỏi mẹ còn bị mẹ vặn vẹo tới bến, rồi mẹ lấy ví dụ này kia để con suy nghĩ mà tìm ra cách làm. Thực sự là tôi chỉ ngó nghiêng vào bài vở của con một lúc, tìm ra chỗ sai để con làm lại bài, nhắc con chịu khó tính toán ra giấy nháp. Tôi vẫn giao khoán cho con học bài y như cũ, sáng học 1 tiếng, chiều học 1 tiếng, tối học 1 tiếng còn lại thì đi chơi với lũ bạn, phụ giúp mẹ việc nhà. Tôi nghĩ, con mới học cấp 1, thi học kỳ để đánh giá cụ thể sức học của các con, bố mẹ không nên căng thẳng chạy đua từng điểm số.

Một số chị em đồng nghiệp vẫn hỏi, năm nay con học lớp 4 khó thế, mẹ có kèm được con không? Tôi trả lời mọi người là vẫn để con tự học ở nhà, không học thêm bất cứ đâu, mẹ cũng chỉ kèm qua loa thôi. Có chị hỏi, cứ để mặc con thế không lo à, sang năm lớp 5 rồi, thi cử mà đuối là chuyển cấp, học lớp thường thì thiệt thòi lắm.

Thú thật là tôi cũng lo cho con, nhưng mình không thể gò con học suốt ngày được, bắt con học suốt ngày, con sẽ mệt mỏi, chán học. Con còn cả chặng đường dài phía trước, chỉ cần con biết cố gắng mỗi ngày là tôi đã thấy vui mừng. Chưa bao giờ tôi đặt mục tiêu cho con trước mỗi kì thi học kì theo cái cách mà nhiều cha mẹ kỳ vọng, ao ước: con thi phải toàn điểm 10. Tôi biết rõ, con mình không phải thông minh nổi trội, cũng chưa chăm chỉ cần mẫn, con chỉ hiểu bài và còn khá ham chơi. Vậy mình gò ép con suốt ngày ngồi vào bàn học, liệu có ích gì? Lúc ấy con chỉ học đối phó, học vì sợ bố mẹ chứ không phải học vì yêu thích nữa.

Mỗi khi tức giận mà mắng con về chuyện học hành, tôi đều suy nghĩ lại về chính mình và hiểu rằng, cha mẹ không nên suốt ngày ra rả ca cẩm con mình học hành dốt nát, không học giỏi như bạn A, bạn B. Đừng tiếc lời khen, lời động viên các con để các con thích học, dù các con tiến bộ rất chậm. Điểm số thi cử không phải là tất cả, các con có thể học kém hơn bạn, nhưng con vẫn có nhiều điểm mạnh nếu cha mẹ chịu thừa nhận.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!