Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan:

“Tôi đã trở về với nghề từng gần 40 năm gắn bó”

(Dân trí) - Trưởng thành từ cô giáo, sau gần 30 năm gắn bó với giảng đường đại học, năm 1999, bà trở thành chính khách cao cấp, đã từng hai nhiệm kỳ giữ cương vị Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Giờ đây, khi không đảm nhiệm lãnh đạo cao cấp Nhà nước, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan lại trở về kề vai, sát cánh với những “thầy cô giáo không chuyên” trong mái nhà Hội Khuyến học Việt Nam để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Nhân dịp đầu xuân mới, tân Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Dân trí.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - nguyên Phó Chủ tịch nước GS.TS Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Cầm.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - nguyên Phó Chủ tịch nước GS.TS Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Cầm.

Trước hết, xin chúc mừng tân Chủ tịch và xin hỏi, cơ duyên nào đã đưa bà về với Hội Khuyến học Việt Nam?

Cám ơn anh đã dùng chữ “về” vì đúng là giờ đây, tôi đã được trở về với đúng cái nghề mà cách đây 43 năm (1973), tôi bắt đầu chập chững bước vào làm giảng viên của Trường Đại học Thương mại. Còn về nguyên do, tôi nghĩ có lẽ đó là số phận bởi thực tình, sau hơn 40 năm công tác, tôi cũng muốn nghỉ ngơi một chút. Nhưng rồi được sự tin cậy của Lãnh đạo Hội Khuyến học (HKH), sự tin tưởng, giới thiệu của Bộ Chính trị và đặc biệt, là sự tín nhiệm của Đại hội vừa qua nên giờ thì tôi đã về đây, trong căn nhà này...

Cảm giác của bà là gì sau gần 3 tháng đảm nhận công việc này?

Làm Chủ tịch một tổ chức xã hội rộng lớn, có tới hơn 15 triệu hội viên, phủ rộng khắp cả nước, từ thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo cùng đông đủ các thành phần xã hội tham gia với hàng vạn tổ chức cơ sở như dòng họ khuyến học, cộng đồng khuyến học… thì đương nhiên là không dễ dàng gì. Cũng thật lòng là trước đây, tôi gắn bó với giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên nhưng khi về nhận nhiệm vụ ở đây, tôi mới hiểu sâu hơn về những mô hình như Xã hội học tập (XHHT) hay Trung tâm giáo dục cộng đồng của Hội.

Hơn 20 năm qua, HKH Việt Nam đã khơi dậy và tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam nên đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng.

Bà có thể nói cụ thể hơn được không?

Tôi chỉ xin ví dụ là Quỹ Khuyến học Việt Nam. Tất nhiên, đối với công tác khuyến học, tiền không là tất cả nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của vật chất bởi nó chính là “phần hồn”, là động lực cho sự phát triển. Cũng cần nói rõ, Quỹ Khuyến học không phải tập trung ở TƯ Hội mà nó hiện diện ở mỗi làng, bản, xóm thôn và các dòng họ. Tôi đã từng thấy có những tỉnh tuy còn nghèo nhưng Quỹ Khuyến học lên tới 30 – 35 tỉ đồng. Việc huy động và sử dụng nguồn vốn này đã góp phần rất lớn trong việc động viên, khích lệ các em, giúp các học sinh nghèo học giỏi vươn lên. Quỹ Khuyến học phát triển như vậy chứng tỏ xã hội đang ngày một quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đây là một điều rất đáng mừng.

Vâng, Quỹ Khuyến học là yếu tố không thể thiếu nhưng còn trong các lĩnh vực “phi kinh tế”, thưa bà?

Tôi nghĩ, điều trước tiên phải kể đến Đề án 281 về Xây dựng Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập. Đề án đã xây dựng được bộ tiêu chí cụ thể, được Chính phủ công nhận và hiện đang triển khai ở các địa phương trong cả nước và bước đầu tạo ra không khí học tập tốt tại các gia đình, dòng họ, cộng đồng… Tôi còn rất mừng là HKH các cấp, từ TƯ đến địa phương và cộng đồng, dòng họ đều có mối quan hệ rất tốt với các ban ngành. Sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm hết mực. Đây là tài sản vô giá của HKH Việt Nam.

Thế còn điều gì khiến bà băn khoăn?

Tất nhiên là có và có không ít. Song, điều băn khoăn, day dứt nhất của tôi là chưa trả lời được câu hỏi: Dân tộc có truyền thống hiếu học, có tố chất thông minh, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, nhân dân hết lòng ủng hộ, đội ngũ thầy cô tận tâm, tận lực... thế nhưng tại sao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động vẫn thấp không chỉ so với cả khu vực, thua kém cả các quốc gia như Thái Lan hay Indonesia còn với Singapore thì thua kém đến cả chục lần. Tại sao vậy?

Trở lại với công việc của Hội, nhiệm vụ trong những ngày tới của TƯ Hội sẽ là gì, thưa bà?

Tôi cho rằng việc phải làm, đó là đẩy mạnh giáo dục người lớn với phương châm học tập suốt đời. Công bằng mà nói, giáo dục trong nhà trường hiện nay quá thiên về lý thuyết mà xa rời thực tế. Hậu quả là sinh viên khi ra trường thiếu kỹ năng, không thể làm việc được ngay, phải “đào tạo lại” gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội. Từng là giáo viên và cũng từng nhiều năm làm quản lý giáo dục, tôi thấy ngay cả các thầy cô càng phải không ngừng học tập, nếu không sẽ lỗi thời khi lý luận và thực tiễn ngày một thay đổi và mình sẽ bị đào thải.

Động lực thay đổi nằm ở phần cung hơn là phần cầu, bà có ý kiến gì về việc sử dụng nhân lực hiện nay?

Với cơ chế sử dụng nhân lực hiện nay, nhất là ở các cơ quan công sở nhà nước, thật khó có thể có bước đột phá. Hiện nay đang tồn tại một vấn đề là trong cùng một cơ quan, người làm tốt, có nhiều cố gắng trong công việc thì có khi cũng chỉ được đánh giá như những người làm chưa tốt, thiếu nỗ lực vươn lên. Do đó, chưa tạo được động lực cho người lao động phấn đấu mà đôi khi còn làm thui chột tính sáng tạo của họ.

Tôi cho rằng các cơ quan sử dụng nhân lực nên có tiêu chí đánh giá cán bộ rõ ràng, mang tính định lượng cụ thể. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có giải pháp bắt buộc mọi đối tượng phải nâng cao kỹ năng, biến việc học tiếp tục trở thành bắt buộc để đáp ứng công việc. Thậm chí sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với Đảng, Nhà nước thực hiện chế độ học tập bắt buộc để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ từ TƯ đến các địa phương vì chỉ từ việc học thì bản thân mới phát triển bền vững. Hiện nay, đã có qui định về việc này nhưng theo tôi, việc thực hiện chưa được tốt. Tôi hi vọng khi đó, sẽ nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy và toàn thể nhân dân vì đây là phương án tốt nhất hiện nay để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách bền vững.

Mong muốn thì nhiều nhưng từ mong muốn đến hiện thực luôn là con đường nhiều chông gai và chúc những ý tưởng của bà thành hiện thực. Được biết bà vừa dự Lễ trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt lần thứ XII, bà đánh giá gì về giải thưởng này?

Theo tôi, đây là giải thưởng danh giá. Những người được nhận giải thưởng ắt rất tự hào vì thành quả lao động của mình được cả nước biết đến. Điều đó thúc đẩy họ lao động sáng tạo hơn, hiệu quả hơn.


Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Vâng, còn đối với báo điện tử Dân trí chúng tôi, thưa bà?

Tôi cho rằng đây là tờ báo có uy tín, được nhiều người đọc, thông tin đa dạng, phong phú, thiết thực và có nhiều đóng góp tốt trong các hoạt động xã hội.

Xin cảm ơn Chủ tịch đã dành những lời tốt đẹp cho báo Dân trí. Đầu năm mới, bà muốn nói gì với những người làm khuyến học cả nước?

Đối với những người làm công tác khuyến học, tôi nghĩ đây là công việc nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, cần ở chúng ta sự nỗ lực rất lớn. Nhất là trong đội ngũ hôm nay, phần đông các hội viên đều có tuổi. Mong rằng với trách nhiệm của mình, chúng ta hãy chung tay đoàn kết, từ TƯ Hội, tổ chức hội các cơ sở cho đến mỗi hội viên để góp phần vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Hồ Chủ tịch.

Nhân dịp Xuân Đinh Dậu, tôi xin gửi tới bạn đọc Dân trí lời chúc mừng năm mới an khang, hạnh phúc.

Xin cảm ơn bà!

Bùi Hoàng Tám (thực hiện)