Tôi đã sai lầm khi cho con đi học thêm

Tôi có hai cháu, cháu đầu năm nay đã đi học cao đẳng. Cháu vốn là đứa trẻ thông minh, sáng tạo. Hồi học tiểu học cháu luôn là học sinh giỏi xuất sắc của lớp, của trường và là một trong số ít học sinh đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi cấp huyện.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Năm cháu vào trường THCS, tôi nghĩ lượng kiến thức của cấp học này nhiều, sợ cháu không theo kịp bạn bè nên tôi cho cháu đi học thêm. Hết thời gian học chính khóa trên trường, cháu “chạy sô” đến các lớp học thêm hết môn này đến môn khác.

Hầu như hôm nào về đến nhà cũng trong tình trạng mệt mỏi, bơ phờ, chỉ kịp vào bàn lùa vội chén cơm và lên giường ngủ lì bì tới sáng. Theo cảm nhận của tôi, từ ngày lao vào học thêm, cháu trở thành đứa trẻ thụ động, ỉ lại và không chịu suy nghĩ. Khi thầy cô giao bài tập về nhà, cháu chỉ giải các bài tập dễ, còn bài tập khó chờ đi học thêm thầy cô giải rồi chép vào vở.

Lên THPT cháu học càng sa sút tuy vẫn đi học thêm đều đặn. Dần dần, tôi nhận thấy con mình hình như đã thui chột mất óc sáng tạo, tư duy kém và nhất là không có khả năng tự học dẫn đến không hứng thú với việc học tập.

Tôi luôn cảm thấy sai lầm vì cho con đi học thêm quá nhiều.

Rút kinh nghiệm từ cháu đầu, cháu thứ hai khi vào cấp 2 tôi không cho cháu đi học thêm mà bắt cháu tự học bằng cách đọc kỹ phần lý thuyết căn bản trong sách giáo khoa, sau đó áp dụng vào giải bài tập.

Ngoài ra, tôi mua thêm sách tham khảo về để cháu học. Phương pháp học là cứ học lý thuyết bài nào trong chương trình SGK thì áp dụng vào giải thêm các bài tập nâng cao trong sách tham khảo về bài đó.
 
Tôi dành thời gian đọc đề cho cháu chép, sau đó tôi cất kỹ cuốn sách để cháu không tìm ra, tối đến, tôi lấy sách ra đối chiếu phần lời giải trong sách với phần bài tập đã giao xem cháu làm có đúng không và lại giao thêm bài tập tiếp theo. Tôi rất vui vì không có ai hướng dẫn nhưng cháu giải đúng được khoảng 80%. Những bài nào cháu làm không được, tôi suy nghĩ, tham khảo thêm ở sách hướng dẫn và giảng lại cho con. Điều quan trọng là cháu tự giác và hứng thú với việc học tập hơn nhiều.

Tôi không phủ nhận lợi ích của việc học thêm. Nhưng đối với HS tiểu học, THCS - việc học thêm là chưa cần thiết. Thực chất của học thêm ở các cấp này là học trước chương trình SGK. Vì thế, khi vào học chính khóa học sinh đã được học thêm thường thiếu tập trung, chủ quan vì kiến thức này mình đã biết rồi.

So sánh một số học sinh thường xuyên đi học thêm và một số ít em tự học ở nhà, tôi nhận thấy các em tự học thường sáng tạo, chủ động và có tố chất về tư duy. Ngược lại các em đi học thêm thường không có được điều đó vì có tính ỉ lại…

Bên cạnh đó việc dạy thêm học thêm thường tạo cho phụ huynh tâm lý nể nang, e ngại chuyện này chuyện kia nên con mình học chính khóa thầy cô nào thì gửi con học thêm thầy cô đó. Còn giáo viên khi phụ huynh đã tin tưởng giao phó thì bằng cách này hay cách khác cũng phải cố để con cái họ phải đạt học sinh khá, giỏi. Và vô tình học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích.

Để giải quyết vấn nạn dạy thêm học thêm hơn ai hết phụ huynh mới là người quan trọng nhất. Nếu ai ai cũng nhận thấy những mặt trái của việc học thêm như thế thì “Không có trò” thầy biết dạy ai?

Khi viết bài này tôi trăn trở nếu ngành giáo dục không giải quyết được vấn nạn dạy thêm học thêm này không biết thế hệ trẻ của đất nước mình 10 năm nữa, 20 năm nữa sẽ trở thành những người như thế nào?

Theo Hoàng Thịnh
Vietnamnet