Đắk Nông:

Tìm chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Dân trí) - Ngày 10/5, tại Đắk Nông, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo đánh giá việc thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS, MN).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Đỗ Văn Chiến chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân, sở GD-ĐT, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ủy ban dân tộc 50 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc, trong những năm qua, sự nghiệp GD-ĐT vùng DTTS, MN đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng DTTS, MN đã có những chuyển biến đáng kể, qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tìm chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục dành cho đồng bào dân tộc thiểu số  - 1
Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban dân tộc bàn về chính sách cho học sinh DTTS

Tuy nhiên, GD-ĐT vùng DTTS, MN còn một số bất cập, hạn chế như mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở một số trường chuyên biệt vùng DTTS, MN.

Đội ngũ GV, CBQL giáo dục nhiều nơi còn bất cập, hạn chế. Chất lượng các cơ sở đào tạo vùng DTTS, MN còn thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý...

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước.

Sau 15 năm thực hiện nghị quyết 24 với 5 nhóm chính sách, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo cơ hội học tập và phát triển cho đồng bào DTTS, MN; mô hình giáo dục được cải tiến theo hướng “mang trường đến với học trò và mang học trò đến trường”.

Tìm chính sách để thúc đẩy phát triển giáo dục dành cho đồng bào dân tộc thiểu số  - 2
Nhiều đại biểu đề xuất về thực hiện chính sách thúc đẩy giáo dục cho học sinh DTTS

Trước những thay đổi của thực tế, người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng, việc phát triển giáo dục vùng DTTS, MN cần có những cách tiếp cận mới, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú ý đến việc điều chỉnh chương trình đào tạo cho học sinh vùng DTTS, MN; chính sách phân luồng, hướng nghiệp; đổi mới mô hình trường dân tộc nội trú, bán trú theo hướng tăng cường hòa nhập, nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo; thay đổi hình thức hỗ trợ cho học sinh DTTS, MN phù hợp với từng vùng miền…

Đối với chính sách cử tuyển, ông Nhạ cho biết, đây là chính sách cần thiết nhưng phải được điều chỉnh ở cả khâu tuyển chọn, đào tạo và sử dụng. Ưu tiên trước hết cho những học sinh có lực học tốt. Ngành nghề đào tạo cử tuyển cần cơ cấu lại, đồng thời gắn trách nhiệm và quyền lợi của người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển.

“Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị ban hành 11 chính sách mới và sửa đổi, bổ sung 3 nhóm chính sách hiện hành nhằm tạo điều kiện cho GD-ĐT vùng DTTS, MN phát triển thuận lợi và thực chất hơn. Quan điểm của chúng tôi là chính sách cho GD-ĐT vùng DTTS, MN phải chuyển từ hỗ trợ sang tạo cơ hội, có như vậy mới có thể đi vào cuộc sống và tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo” - Ông Nhạ chia sẻ.

Dương Phong