Tiến sĩ toán học 8x

Năm 2006, khi vừa tròn 26 tuổi, sau 4 năm nghiên cứu và làm đề án, Nguyễn Thịnh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Toán tử ngẫu nhiên và tích phân ngẫu nhiên trong không gian Banach”. Nguyễn Thịnh được xem là tiến sỹ toán học trẻ nhất của VN hiện nay.

Ngôi nhà bé nhỏ của tiến sĩ toán học Nguyễn Thịnh nằm cuối con ngõ sâu hun hút không đủ cho hai xe máy tránh nhau trên phố Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Bạn bè yêu mến thường đùa anh là bác học đãng trí trong khi bà con quanh xóm lại gọi anh là thầy với sự trân trọng. Song, chúng tôi lại thấy ở anh sự kiên định và tự tin của một nhà khoa học trẻ tuổi.

 

Con đường “nghiện” toán

 

Nguyễn Thịnh sinh ngày 18/1/1980, ở một xóm lao động gần bến xe thành phố Vinh, Nghệ An mà theo lời của anh là nơi an ninh phức tạp và trẻ nhỏ thích chơi nhiều hơn học. Vì có cha mẹ đều tốt nghiệp đại học nên từ nhỏ Thịnh đã được bố mẹ động viên và quan tâm đến việc học.

 

Hơn thế nữa, cha của Thịnh, ông Nguyễn Hữu Đông là con cháu dòng họ Nguyễn Hữu ở Thanh Văn, Thanh Chương, Nghệ An, có truyền thống khoa bảng, với hơn 20 vị tiến sĩ qua các triều đại. Nguyễn Thịnh kể, cơ duyên dẫn anh đến với môn toán hoàn toàn tình cờ, bố mẹ và bản thân anh cũng không hề nghĩ là anh giỏi toán.

 

Cuối lớp 3, Thịnh được nhà trường chọn vào lớp A (lớp chọn), bố mẹ Thịnh lo lắm, thằng bé học thường thường vậy thì theo làm sao được các bạn. Và con đường “nghiện” toán của Thịnh mở ra từ đó.

 

Thịnh nhớ lại, học kỳ đầu khi vào lớp “chọi”, anh chàng tỏ ra thua thiệt và yếu hơn các bạn trong lớp rất nhiều và rất “hãi” bạn bè.  Nhưng đến hết năm lớp 4, Thịnh đã vào top đầu học giỏi toán của lớp.

 

Lên lớp 5, thành phố có cuộc thi học sinh giỏi toán, chẳng hiểu thế nào mà anh chàng hay bị kêu ca là chậm chạp Nguyễn Thịnh lại đỗ thủ khoa, dù trước đó cả nhà còn không nghĩ Thịnh được chọn đi thi. Thịnh nhớ lại, sự say mê học toán được xuất phát từ thời khắc này khi các bạn trong lớp nói Thịnh gặp may.

 

Thịnh giận lắm và quyết tâm lao vào học toán. Nhưng câu chuyện may mắn như lời bạn bè chưa dừng lại. Cho đến giờ Thịnh vẫn không hiểu vì lý do gì mà năm đó thành phố tổ chức lại cuộc thi học sinh giỏi toán và Thịnh lại là người đứng đầu.

 

Trong câu chuyện của mình, Thịnh luôn nở nụ cười và cố gắng giải thích là mình không phải “con mọt sách”. Anh chàng này học rất giỏi nhưng cũng chơi rất hay và có không ít tài lẻ.

 

Nguyễn Thịnh đã từng giữ “chức” đội trưởng đội bóng đá của Khoa Toán (Đại học Quốc gia Hà Nội) và là một tay ghita có hạng. Cũng giống nhiều nhà khoa học khác, sự “nghiện” toán của Nguyễn Thịnh cũng tạo ra sự lơ đãng và bạn bè thỉnh thoảng trêu đùa là nhà bác học đãng trí với “bảng thành tích” dày về chuyện mất xe đạp và mất cặp sách.

 

“Tôi muốn làm đến Z”

 

Năm 1998, kết thúc 3 năm học cấp III tại trường THPT Phan Bội Châu có truyền thống nhất Nghệ An, Nguyễn Thịnh trúng tuyển vào lớp Cử nhân tài năng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết thúc những ngày tháng học toán, “ăn” toán và khi mơ ngủ cũng thấy toán, Thịnh tốt nghiệp đại học với các điểm cộng được trên 9 phẩy và được đặc cách lên thẳng nghiên cứu sinh mà không phải qua thạc sĩ.

 

Năm 2006, khi vừa tròn 26 tuổi, sau 4 năm nghiên cứu và làm đề án, Nguyễn Thịnh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Toán tử ngẫu nhiên và tích phân ngẫu nhiên trong không gian Banach”. Theo chúng tôi được biết, Nguyễn Thịnh được xem là tiến sỹ toán học trẻ nhất của Việt Nam hiện nay.

 

Tuy nhiên, Thịnh tỏ ra khiêm tốn và nằng nặc nhận rằng “Tôi chỉ là một trong những người có tuổi đời trẻ nhất được cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành toán ở Việt Nam”, bởi “chưa bao giờ có con số thống kê chính thức về lĩnh vực này”. Riêng điểm này cũng đủ thấy chàng tiến sỹ của chúng ta yêu toán như thế nào: các con số luôn phải chính xác một cách tuyệt đối!

 

5 năm đứng trên bục giảng, nhưng trong lòng Thịnh luôn canh cánh một điều là sự say mê nghiên cứu toán học vẫn bị chi phối bởi cơm - áo - gạo - tiền. Với mức lương tiến sĩ, Thịnh phải lên lớp khá nhiều nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống.

 

Vì chi phí cuộc sống đắt đỏ ở thành phố, Thịnh vẫn chưa dám mơ về một nếp nhà cho riêng mình tại Thủ đô. Thịnh bộc bạch, việc lên lớp là cần thiết cho một nhà nghiên cứu vì sẽ giúp ích gợi mở và phát triển ý tưởng nhưng việc giảng dạy để mưu sinh sẽ chi phối công sức, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.

 

Thịnh nói: “Tôi mong muốn, giới nghiên cứu khoa học, trong đó có tôi sẽ được trả mức lương đảm bảo cuộc sống và được đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện nâng cao để chuyên tâm vào nghiên cứu khoa học”. Thịnh chia sẻ, mỗi lần nản lòng, anh lại ôm cây đàn và hát để giải tỏa. 

 

Nhưng lòng đã quyết, Thịnh đã chọn cho mình con đường đi riêng, đó là toán học. Bởi theo anh, nghiên cứu toán học không phải là đưa ra ngay một sản phẩm có khả năng ứng dụng trong thực tiễn nhưng toán học là ngành khoa học gốc của nhiều ngành khoa học ứng dụng khác.

 

Thịnh mơ ước muốn mở rộng đề tài nghiên cứu mang tính lý thuyết ứng dụng vào đời sống mà anh tâm sự là: “Tôi muốn làm đến Z”. Để chắp cánh cho những ước mơ, tiến sĩ toán học trẻ Nguyễn Thịnh sẽ sang Đại học Mỏ Paris (Pháp) để tham gia vào dự án dùng toán học để giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực tài chính.

 

Thịnh mừng rỡ khoe, với mức lương rất cao và điều kiện làm việc tốt, anh có thể chuyên tâm vào nghiên cứu. Được phía bạn đánh giá cao nhưng Thịnh khiêm nhường cho biết, trong một dự án, trong đời sống cũng vậy, anh chỉ là một mắt xích, là một vị trí B hay C trong chuỗi từ A đến Z.

 

Nhưng với ham mê toán học, tiến sĩ Nguyễn Thịnh ước biến các kiến thức toán học khô cứng thành những sản phẩm ứng dụng bởi Việt Nam đang trên đà phát triển, những kiến thức toán học ứng dụng là vô cùng cần thiết đối với thực tế cuộc sống.

 

Theo Thế Nam

An Ninh Thủ Đô