Tiền đầu tư cao nhất thế giới, nhân công vẫn lương “bèo”

Nếu tính ra mấy trăm/tháng lương, cộng các phụ cấp và chi phí từ những trang thiết bị để họ làm việc thì mỗi bài báo họ viết ra đáng giá mấy trăm triệu đồng. Đây là mức giá cao vào loại bậc nhất thế giới, chưa một quốc gia có nền khoa học tiến tiến nào sánh kịp.

Từ 1980, khi Nhà nước có quyết định xét phong học hàm lần đầu cho đội ngũ cán bộ giảng dạy đại ĐH và nghiên cứu KH đến nay, chúng ta có trên mười nghìn GS, PGS và cả chục ngàn TS. Họ thực sự là trí thức làm khoa học chưa?

Với trí thức khoa học thì một trong những điều kiện tiên quyết để xét phong chức danh là phải hướng dẫn thành công thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là vấn đề phức tạp, tạo ra nhiều hệ lụy. Công cuộc tìm kiếm, săn lùng, phân bổ diễn ra sôi động, mà chủ yếu là quá trình thầy tìm trò. Không có trò bảo vệ thành công thì thầy không thể đăng kí xét phong. Uy tín của nhiều người thầy bị suy giảm oan uổng cũng từ chuyện tìm kiếm học trò hướng dẫn là vậy.

Tiền đầu tư cao nhất thế giới, nhân công vẫn lương “bèo”

Nhiều GS kinh quá hai cuộc kháng chiến, là những nhà KH đầu ngành với nhiều công trình giá trị mà khi về hưu cũng chỉ nhận bốn năm triệu đồng. Ảnh: khampha.vn

Hệ lụy bằng cấp

Những năm gần đây các cơ sở đào tạo sau ĐH mọc như nấm. Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu đào tạo, không ít cơ sở thành lập chỉ để giải quyết khâu oai và có nguồn thu nhập. Nếu không có học viên thì coi như phải tự đóng cửa..

Sự có mặt đông đúc các học viên cao học và nghiên cứu sinh giải quyết được hai mục tiêu, đó là duy trì sự tồn tại của các cơ sở đào tạo, mà các thầy cũng có trò hướng dẫn đáp ứng điều kiện xét công nhận chức danh.

Nhiều cơ sở tuyển ồ ạt, thiếu chọn lọc, quý hồ đa bất quý hồ tinh.

Ở khía cạnh khác, không ít GS, PGS lại sa vào tình thế là bội thực hướng dẫn. Họ không đủ thời gian, sức lực để giúp đỡ học trò. Thế là học trò cứ tự mày mò chắp vá, cóp nhặt rồi cho ra những luận án, luận văn ngập tràn khiếm khuyết.

Các cuộc chạy sô của nhiều GS, PGS, TS cũng đang là một thực trạng nhức nhối: chạy sô hội đồng thẩm định, xét duyệt đề tài, chạy sô hội đồng chấm luận án .v.v...

Họ chỉ cần có mặt, xem qua tài liệu và phát biểu dăm câu ba điều cho đủ lệ bộ. Rồi kết thúc tốt đẹp. Những năm gần đây số lượng thạc sĩ, tiến sĩ xuất xưởng không biết bao nhiêu.

Tôi được mời phản biện độc lập một luận án TS. Luận án kém. Tôi yêu cầu phải viết lại mới có thể được bảo vệ. Nhưng chỉ sau đó môt thời gian ngắn NCS nọ đã bảo vệ thành công. Ba năm sau vị TS trẻ này đã trở thành PGS ở tuổi trên ba mươi, giữ vị trí quan trọng tại một khoa lớn của một trường ĐH danh tiếng ở Hà Nội. Trường hợp này không phải là cá biệt.

Có người khác sau khi có mảnh bằng tiến sĩ, thạc sĩ lập tức rời bỏ khoa học và đầu cơ vào con đường chính trị Kiến thức khoa học mới manh nha đã chìm vào quên lãng. Sự lẫn lộn giữa những nhà khoa học chân chính, những trí thức đích thực với những người có học hàm học vị hiện diện tràn lan đang làm mất đi tính thiêng liêng đẹp đẽ của trí thức.

Lương bổng: quá đắt và quá rẻ

Do cơ chế tuyển dụng cán bộ KH được hòa chung theo hệ cán bộ công nhân viên chức nhà nước với số lượng biên chế được phân bổ hàng năm và hưởng lương theo ngân sách, đội ngũ cán bộ KH Việt Nam không được chọn lọc đánh giá và đào thải theo tính đặc thù khách quan của nghề.

Ai có quyết định được nhận vào biên chế là yên tâm làm cho đến ngày hưu, bất kể người đó có khả năng nghiên cứu KH hay không.

Sự thiếu quan tâm trong quản lí nhà nước dẫn đến thực trạng là trong các cơ quan KH tồn tại một tỷ lệ không nhỏ những cán bộ thiếu năng lực nghiên cứu, thiếu phẩm chất của trí thức KH. Suốt cuộc đời công tác đến khi nhận sổ hưu, thành quả mà họ để lại cho KH là mấy bài báo chuyên ngành hẹp và một vài đề tài cấp cơ sở.

Nếu tính ra mấy trăm tháng lương mà họ đã lĩnh, cộng phụ cấp và chi phí từ những trang thiết bị để họ làm việc thì mỗi bài báo họ viết ra đáng giá mấy trăm triệu đồng. Đây là mức giá cao vào loại bậc nhất thế giới, chưa một quốc gia có nền KH tiên tiến nào sánh kịp.

Nếu để số tiền ấy cho những nhà KH có năng lực viết thì mức chi trả giảm đi hàng trăm lần. Thế nhưng tất cả vẫn chấp nhận sự tồn tại phi lí ấy.

Tương phản tình trạng nuôi báo cô những viên chức KH thiếu năng lực với giá cắt cổ như nêu trên thì thực trạng khác là trả lương cho những nhà KH có trình độ cao ở mức bọt bèo. Nhiều GS kinh qua hai cuộc kháng chiến, là những nhà KH đầu ngành với nhiều công trình giá trị mà khi về hưu cũng chỉ nhận bốn - năm triệu đồng.

Cách đãi ngộ rẻ rúng kiểu như vậy có lẽ là điều hiếm thấy.

Đội ngũ trí thức nói ở đây là những người thuần túy làm nghiên cứu KH chuyên sâu, KH cơ bản. Đối tượng này hưởng thu nhập theo một chế độ khác.

Các GS, PGS, TS làm việc tại các bệnh viện, nhất là những người có phòng khám riêng cũng không nằm trong đối tượng đang bàn, vì mức thu nhập của họ lớn gấp nhiều lần. Chúng ta có một đội ngũ các nhà KH đông đảo nhưng chưa bao giờ VN có một công trình KH hay phát minh lớn nào xứng tầm quốc tế. Đáng tiếc những tên tuổi nổi bật lại toàn đào tạo ở nước ngoài dưới sự hướng dẫn của thầy ngoại quốc.

Đội ngũ khoa học nằm trong tình trạng lưng lửng là vậy. Lưng lửng thiếu, lưng lửng.... khoa học.

PGS. TS Trần Cao Sơn

Theo báo Vietnamnet

*Tác giả bảo vệ Tiến sĩ tại Viện Phương Đông học, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cũ. Chuyên ngành Lịch sử quan hệ quốc tế, hiện công tác tại Viện Xã hội học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chính:Xã hội học dân số, đô thị hóa, lịch sử dân số, kinh tế trí thức.