Tiếc thương cô giáo người Nhật tật nguyền, tận tâm

Ngày 1/10, chúng tôi trở lại Sảnh C - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nơi được ví như giảng đường dành riêng cho cô giáo người Nhật tật nguyền Miyamoto Michiko vừa bị tai nạn thương tâm và tử vong ngày 30/9.

Sảnh C - giảng đường riêng của cô giáo người Nhật Miyamoto Michiko.
Sảnh C - "giảng đường" riêng của cô giáo người Nhật Miyamoto Michiko.

 

Sáng nay, sảnh C vắng hơn, trống trải hơn do thiếu lớp học của cô Miyamoto Michiko. Nhiều cựu sinh viên (SV) Khoa Đông phương và các SV khác từng học với cô túc trực tại bệnh viện từ chiều qua khi nghe tin dữ - cô đã ra đi trong một tai nạn giao thông chiều 30/9.

 

Ăn sáng cổng trường, uống cà phê vỉa hè

 

Với nhiều SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, ấn tượng về một cô giáo thấp, bé, tật nguyền với đôi nạng gỗ đi xe buýt tới trường mỗi ngày để giảng dạy tiếng Nhật có lẽ không bao giờ quên. “Cô sống rất giản dị, ăn sáng bằng bánh giầy trước cổng trường, uống cà phê vỉa hè đã hơn 5 năm nay”, người bán bánh tại cổng trường cho biết.

 

Nhiều SV chia sẻ ngày ngày, dù nắng hay mưa, cứ đều đặn 7 giờ sáng, cô đã có mặt ở sảnh C chờ học trò, rồi miệt mài dạy đến chiều tối. Gần đây, do sức khỏe không được tốt nên khoảng 3, 4 giờ chiều cô về. Học trò của cô đa dạng lắm, từ người đi làm đến SV Khoa Đông phương, SV Nhật ngữ, SV tự do. Nhưng dù là đối tượng nào, cô Miyamoto Michiko cũng giảng dạy rất nhiệt tình và tận tâm.

 

Không được vào thăm cô, chị N.L. - từng là học trò môn tiếng Nhật, đã ra trường đi dạy - vẫn còn nức nở: "Nghe tin mà chúng tôi ai nấy cũng bàng hoàng, không dám tin đó là sự thật. Mới sáng qua, khi đang ăn chiếc bánh cuốn dở, có SV hỏi bài, cô không ăn nữa mà chỉ dẫn ngay. Thế mà…"

 

Chị N.L cho biết sau tốt nghiệp, chị đi dạy tiếng Nhật. "Biết tôi lấy học phí đắt, có lần cô mắng tôi rằng cô là người Nhật mà còn lấy học phí rẻ, sao em lại lấy của SV đắt vậy. Có lẽ vì lý tưởng của tôi khác cô. Lý tưởng của cô khi sang Việt Nam chỉ là truyền đạt tiếng Nhật nên bất cứ ai muốn học, học giờ nào cô cũng chỉ lấy 200.000 đồng/1 tháng. Còn tôi chống chế là vì mục đích của tôi phải kiếm tiền nên lấy học phí cao”- chị ngậm ngùi.

 

Di ảnh cô Miyamoto Michiko.
Di ảnh cô Miyamoto Michiko.

 

Học phí 100 ngàn đồng/ tháng


Cô Miyamoto đến Việt Nam từ năm 2000. Từ bé, cô đã bị chứng còng lưng vì suy dinh dưỡng, sau này lại bị tai nạn giao thông phải mang tật ở chân phải. Vượt lên tật nguyền, cô Miyamoto vẫn tìm được công việc quảng cáo trong một hãng chế tạo dược phẩm và từng làm việc trong một nhà hàng bán thức ăn Việt Nam. Theo bạn bè người Nhật, cô Miyamoto đã dành dụm số tiền ít ỏi để sang Việt Nam kiếm việc làm và bắt đầu tình yêu với mảnh đất này từ đó.


Trong bài phỏng vấn của một tình nguyện viên người Nhật trước đây về lý do đến Việt Nam, cô Miyamoto Michiko chia sẻ: "Thường ngày, hiếm khi tôi đến những nơi người Nhật Bản tụ tập nhưng một hôm tôi muốn mượn một cuốn sách tiếng Nhật, mới tình cờ đến Utopia Cafe - là chỗ giao lưu giữa SV - học sinh Việt Nam muốn học tiếng Nhật và người Nhật Bản muốn học tiếng Việt Nam. Có lẽ cái duyên bắt đầu từ việc một người Việt Nam ngỏ lời nhờ tôi nói chuyện để học tiếng Nhật".

 

Theo cô Miyamoto, lúc bấy giờ, cô vẫn hoàn toàn chưa nghĩ đến chuyện dạy tiếng Nhật.

 

"Thế rồi, do miệng truyền miệng mà dần dần có nhiều học trò muốn nhờ dạy có thù lao. Đúng lúc tiền để dành cũng cạn, khó lòng sống tiếp ở đây, vì vậy, tôi nhận thù lao từ mỗi học trò một trăm ngàn đồng (khoảng 650 yen) mỗi tháng. Thế rồi, tôi phát hiện ra dạy học là công việc, sở thích của tôi".

 

Anh Mimizoka Tadanori - người Nhật, đang học Khoa Việt Nam học - Trường Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM, chia sẻ: "Tôi sang Việt Nam được 1 năm 3 tháng, quen cô Miyamoto Michiko được 1 năm. Trong giao tiếp, cô là người bạn rất hiền, dễ thương, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng khi dạy học, cô ấy rất nghiêm khắc và đòi hỏi cao ở học trò. Với người bình thường, có thể SV học như vậy đã đạt yêu cầu rồi nhưng cô ấy đòi phải phát âm, phải viết và giao tiếp chuẩn xác hơn nữa.

 

Cô Miyamoto Michiko tâm sự rằng tổng thu nhập 1 tháng của cô là 4,5 triệu đồng, trong đó, tiền thuê nhà hết 1 triệu đồng. Được biết, cha mẹ của cô ở Nhật đã qua đời, anh em cũng chỉ còn một người, hầu như không qua lại.

 

Cô Miyamoto Michiko không phải giảng viên khoa Đông Phương

 

Ngày 1/10, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ Khoa Đông Phương, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn TP HCM, cho biết: Cô Miyamoto Michiko không phải là giảng viên của khoa và cũng chưa từng thỉnh giảng tại khoa. Cô chỉ là giáo viên tiếng Nhật tự do.

 

Bà Thu Hương nói thêm rằng báo chí đăng tin là cô là giảng viên Khoa Đông phương là không đúng. "Riêng bộ môn tiếng Nhật đã tách khỏi Khoa Đông phương cách đây 3 năm, tôi cũng đã xác minh là bộ môn tiếng Nhật không mời cô thỉnh giảng", bà Hương nói.

 

Bà Phạm Lê Khánh Trang, cán bộ bộ môn tiếng Nhật cũng xác nhận cô Miyamoto Michiko chỉ dạy thêm ở khu C của trường. Có thể có SV của khoa học thêm với cô chứ cô Miyamoto Michiko chưa từng là giảng viên, kể cả thỉnh giảng cho khoa.

 

Theo Đ. Trinh - Tr. Anh

Người Lao Động