“Thương tiếc Giáo sư Hoàng Như Mai, nhà nghệ sĩ trên bục giảng!”

(Dân trí) -"…Tất cả những gì Thầy đã gieo lại trong các thế hệ học trò chúng em không những không lụi tàn mà còn sinh sôi nẩy nở trong tâm hồn chúng em, qua năm tháng càng tươi tốt xum xuê lên mãi, nên Thầy sẽ sống mãi trên đời này bằng hình bóng tuyệt đẹp của một người Thầy và một Nghệ Sĩ".

Sau một thời gian điều trị bệnh tại Bệnh viện 175 TPHCM, Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai đã qua đời chiều ngày 27/9/2013 tại TPHCM, hưởng thọ 95 tuổi. Được sự cho phép của nhà thơ Anh Ngọc, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Anh Ngọc có tựa đề “Thương tiếc Giáo sư Hoàng Như Mai, nhà nghệ sĩ trên bục giảng!” đăng trên Facebook của nhà thơ.

Thưa quý bạn bè,

Sáng nay chủ nhật đã có kế hoạch post lên đây vài thứ vui vui...
 
Nhưng vừa nhận được tin giáo sư, NGND Hoàng Như Mai, người thầy kính mến của nhiều thế hệ sinh viên Khoa Ngữ Văn trường ĐHTH cả Hà Nội và TPHCM, trong đó có tôi, vừa tạ thế tại TPHCM, nên xin được dành ngay những dòng mở đầu buổi sáng hôm nay bằng những lời thương tiếc, biết ơn từ đáy lòng đến người Thầy - nhà nghệ sĩ trên bục giảng mà chúng ta vừa đau đớn chia tay!

Vĩnh biệt thầy Hoàng Như Mai
GS - NGND Hoàng Như Mai trong một buổi mừng thọ tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. (Ảnh: HTD/Pháp luật TPHCM)
 
Kỷ niệm với Thầy thì có nhiều, và rất đẹp, nhưng với tôi chỉ xin nói đôi lời:

Khi tôi bước vào Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội thì cung cách giảng dạy văn học ở Miền Bắc còn cũ kỹ và khô cứng như ta đã biết. Nhiều tác phẩm văn học, nhất là thơ, rất có giá trị của thời Tiền Chiến và đầu kháng chiến chưa được giảng dạy trong nhà trường, ngay cả ở một chuyên khoa Văn Học của một trường chuyên môn về Khoa Học Nhân Văn như trường chúng tôi cũng không hơn gì...
 
Ấy thế mà, thầy Hoàng Như Mai, với chất nghệ sĩ bẩm sinh của nhà kịch sĩ nổi tiếng, cứ... vô tình quên đi những nghiêm lệ này... Và Trời ơi, bạn có biết không, nếu chính bạn mà được ngước lên nhìn vào đôi mắt to, trong suốt và đầy biểu cảm của Thầy Mai, để nghe Thầy, bằng cái giọng không thể ấm và trầm hơn, đọc như rót vào tai chúng tôi những câu thơ mà chúng tôi lần đầu nghe thấy, và sau này như ta biết, chúng đã trở thành bất hủ:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành..."
 
Chỉ một chữ "gầm" thôi, Thầy đã ném một quả bom tấn vào giữa cái dàn đồng ca thơ nhàn nhạt nước ốc hay oang oang kiểu thùng rỗng kêu to và tất cả đều giống nhau như đúc... của thơ ca những ngày tháng ấy, huhuuu...

Và với "Núi Đôi" của Vũ Cao, một bài thơ của nhà thơ quân đội hẳn hoi nhưng cũng bị lườm nguýt vì cho là ướt át, tình tang kiểu "tạch tạch sè" (tiểu tư sản), thì Thầy cũng chỉ cần điểm huyệt có vài câu là đủ cho lũ sinh viên đang như lũ cá rô mắc cạn chúng tôi thỏa thuê vùngvẫy trong trận mưa rào mát rượi:

"Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em...
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm!"

Chả lẽ với một thằng học trò không mùi không vị, lẫn giữa vô vàn các thế hệ học trò của Thầy như tôi mà kỷ niệm về Thầy sau nửa thế kỷ vẫn còn tươi roi rói như vậy lại còn chưa đủ để một người Thầy trở thành bất tử hay sao? 
 
“Thương tiếc Giáo sư Hoàng Như Mai, nhà nghệ sĩ trên bục giảng!”
Ảnh chụp lúc sắp ra trường của một nhóm trong số các sinh viên Khóa 6, Khoa Ngữ Văn ĐHTH Hà Nội, học trò của Thầy ngày ấy: Liệt sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhạc sĩ - nhà thơ Diệp Minh Tuyền (đã mất), nhà văn Hoàng Lại Giang, giáo sư - nhà thơ Mã Giang Lân, giáo sư Đặng Văn Lung và một số bạn bè khác (nhà thơ Anh Ngọc - tác giả bài này đứng hàng sau, thứ 3 từ phải sang).

Dạ thưa anh linh của Thầy, bởi tất cả những gì Thầy đã gieo lại trong các thế hệ học trò chúng em không những không lụi tàn mà còn sinh sôi nẩy nở trong tâm hồn chúng em, qua năm tháng càng tươi tốt xum xuê lên mãi, nên Thầy sẽ sống mãi trên đời này bằng hình bóng tuyệt đẹp của một người Thầy và một Nghệ Sĩ.

Để trấn an tất cả chúng ta về sự ra đi của những con người, em xin mượn đến mấy câu thơ của thi sĩ Nga - Xô Viết E. Eptusencô mà em đã dịch từ rất lâu, những chân lý chính xác và tinh tế về sự sống chết của mỗi con người và cả thế giới này:

"Phải, những cuốn sách và những nhịp cầu
Những cỗ máy và những bức tranh thì còn lại
Phải, có bao thứ được an bài mãi mãi
Nhưng chính rồi cũng sẽ trôi qua
Cái luật đời khắc nghiệt một trò đùa:
KHÔNG PHẢI CON NGƯỜI CHẾT, MÀ CHÍNH LÀ THẾ GIỚI!"...

Cầu chúc anh linh của Thầy thanh thản rong chơi ở cõi Hư Vô!

Vĩnh biệt thầy!

Anh Ngọc
(Sinh viên cũ của Thầy)