Suy nghĩ từ một giáo trình:

Thực tế nó là như thế

Sau hai cuốn sách liên tiếp ra mắt bạn đọc trong năm 2011 đề cập mấy vấn đề lớn: Báo chí, truyền thông hiện đại (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội), Báo chí và dư luận xã hội (NXB Lao động), PGS, TS. Nguyễn Văn Dững vừa trình làng giáo trình cập nhật hóa của ông: Cơ sở lý luận báo chí (NXB Lao động, 2013).

Riêng môn học cơ bản đào tạo cử nhân báo chí này vài chục năm lại đây ở nước ta có cả một loạt tác phẩm trùng tên. Một hiện tượng đáng mừng, bởi đời sống báo chí ta từ ngày đổi mới đến nay luôn sôi động, quá trình hội nhập quốc tế tạo điều kiện mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa, học thuật với nước ngoài. Chưa bao giờ báo chí Việt Nam có những bước tiến mạnh bạo như hiện nay. Trong tình hình đó mỗi thầy, cô giáo từ điểm xuất phát và mẫu số chung có cách tiếp cận khoa học, nhìn nhận thực tiễn của riêng mình là chuyện đương nhiên. Từ một góc nhìn khác, có thể hiểu hiện tượng ấy phản ánh quá trình dân chủ hóa xã hội ta nơi đời thường cũng như ở chốn hàn lâm. 

Tiếng mõ tre

Trong quá trình tiến hóa của nhân loại, công cụ lao động cải tiến không ngừng, dẫn tới đổi thay kỹ năng, phương thức làm ra sản phẩm, để cho con người được hưởng lợi nhờ chất lượng và số lượng những thứ mình làm ra. Quá trình ấy diễn biến chậm. Phải chờ cả mấy ngàn năm, con người mới ứng dụng được cơ học, hóa học, sinh học, vi sinh học… vào nông nghiệp, tạo nên đột phá. Tuy nhiên đó là chuyện nước ngoài, ta còn trì trệ hơn. Chẳng phải đi đâu xa, hãy trở lại làng quê ta mà nhìn. Tổ tiên ta từ ngày dựng nước và cả thời gian dài trước đó, đã tồn tại dựa vào hai nghề cơ bản chăn nuôi, trồng trọt. Những con thú con cầm hoang được thuần dưỡng lo việc giữ nhà, bắt chuột, ủn ỉn trong chuồng, tục tác gọi con, có con thậm chí còn được nhà chủ coi là dẫn đầu cơ nghiệp của mình. Rồi cái cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, bán mặt cho đất bán lưng cho trời qua bao thế hệ... Này, bạn vẫn cùng gia đình đi lên vùng núi nghỉ mấy ngày lễ kéo dài, bạn có để ý tiếng mõ tre nhịp nhàng vào lúc hoàng hôn đeo ở cổ những con trâu đi kiếm ăn trên đồi giờ thủng thẳng trở về chuồng? Tiếng mõ tre gợi cảm ấy xuất hiện từ thuở nào mà nay còn tồn tại kia?

Trưa nay tôi vừa nhìn trên tivi phóng sự tỉnh Thái Bình được mùa lúa. Hào hứng ngó theo chiếc máy gặt bon bon hút những chuỗi hạt vàng vào bụng, cạnh đấy mấy người đàn ông xếp các bao tải đầy ắp thóc lên xe. Hiện đại đấy chứ. Nhưng chỉ vài tích tắc sau trên màn ảnh hiện lên cảnh mấy chị lom khom gặt lúa bằng cái hái cái vằng thời tổ tiên ta để lại.

So với nhiều nghề khác, nghề báo ta ra đời muộn rất nhiều, tính từ tờ Gia Định báo cách ta chưa tới 150 năm. Có người bảo tờ trát của quan trên dán trước điếm canh đê, tiếng loa anh mõ thông báo quyết định của các cụ lão làng, đó là báo chí hay tiền thân báo chí. Vâng, nhưng phải chờ đến khi hội đủ mấy điều kiện tối thiểu như mục tiêu xác định, sự ổn định về hình thức, định kỳ về thời gian... thì thì báo chí mới thật sự là báo chí, nghề báo chuyên nghiệp mới thật sự ra đời, và từ bấy đến nay chưa tới 150 năm. Một trăm năm mươi năm so với ngàn năm con trâu đi trước cái cày theo sau. Vậy mà trong khoảnh khắc thời gian ấy, sự biến chuyển theo hướng đi lên của báo chí ta khó khăn đến thế vẫn ít có nghề sánh kịp. Chỉ cần một đời người cầm bút đủ cảm nhận quá trình tiến hóa. Xin được hỏi các đồng nghiệp trẻ ra đời sau chiến tranh: các bạn có bao giờ nhìn thấy các bát chữ in đúc rời mà các bác công nhân tay lấm dầu mực ngày đêm cần mẫn xếp từng chữ từng dòng để làm ra những cột báo vào thời lớp chúng tôi hành nghề, mà nay nhiều người còn sống cả đây.

Nhớ những năm 1980, có lần tôi được cấp trên giao làm việc với Khoa Báo chí Trường Tuyên huấn TƯ (nay là Học viện Báo chí - Truyền thông). Khoa chỉ có một cuốn sách in typo duy nhất và không hẳn giáo trình, đó là tập hợp những bài nói của một số nhà báo đàn anh về phóng sự, xã luận, thông tấn, thời cuộc… thiên về kinh nghiệm thực tiễn nhiều hơn lý thuyết. Còn các giáo trình đích thực mới có in ronéo, các giảng viên chưa ai đồng ý cho ra sách bởi khiêm tốn cho những cái mình làm ra chưa xứng tầm, chủ yếu lặp lại các giáo trình học được ở nước ngoài là chính. Sau Đại hội VI của Đảng năm 1986, vấn đề đặt ra cấp bách: Muốn đổi mới tư duy, đổi mới phong cách báo chí, phải đổi mới việc đào tạo cán bộ báo chí và như vậy, trước hết phải đổi mới giáo trình. Ai làm công việc ấy nếu không phải là các thầy, cô giảng viên đương nhiệm?

Ngày nay, muốn đưa nền báo chí nước ta tiến lên chuyên nghiệp cao hơn, vươn tới hiện đại kịp các nước phát triển, nhất thiết càng phải đào tạo, nâng cao đội ngũ nhà báo có bản lĩnh và ngang tầm thời đại. Nói đào tạo là nói giáo trình. Sinh viên thực tập cũng tựa vào kiến thức thu nhận từ các giáo trình. Sự nở rộ và cập nhật hóa nội dung và cách giảng dạy nghề báo tại các học viện, trường đại học nước ta hiện nay là hệ quả sự kiên trì thực hiện một chủ trương lớn đã có từ lâu.

Thi thoảng cũng nên ngó lại

Trở lại giáo trình của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững. Tôi không có điều kiện và khả năng đi sâu luận bình, phản biện, đánh giá nội dung tác phẩm của ông cũng như bất kỳ giáo trình nào. Tôi chỉ muốn nói lên cảm giác thoải mái khi đọc Cơ sở lý luận báo chí. Các vấn đề mang tính hàn lâm được PGS.TS Nguyễn Văn Dững trình bày có hệ thống, cấu trúc mạch lạc, cân đối, ngôn từ dễ tiếp nhận, không quá nhiều thuật ngữ cao xa hay đi sâu quá vào chuyên ngành. Giáo trình gồm 9 chương, toàn đại vấn đề: Khái quát về truyền thông, Quan niệm chung về báo chí, Tổng quan các loại hình, Công chúng báo chí, Chức năng xã hội của báo chí, Các nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí, Tự do báo chí, Lao động báo chí, và cuối cùng Nhà báo - chủ thể hoạt động báo chí. Mỗi chương phân làm ba tiết, nhiều lắm bốn tiết là cùng.
 
Giáo trình Cơ sở lý luận báo chí, tác giả: PGS, TS. Nguyễn Văn Dững.
Giáo trình "Cơ sở lý luận báo chí", tác giả: PGS, TS. Nguyễn Văn Dững.

Một điểm khác biệt của giáo trình này với nhiều cuốn sách khác là tác giả có cách tiếp cận báo chí hiện đại rõ ràng, có lối đi riêng, theo hướng lý thuyết báo chí - truyền thông hiện đại. Từ nền tảng lý thuyết truyền thông, tác giả mở lối vào truyền thông đại chúng để từ đó tiếp cận lý luận báo chí đương đại. Có lẽ vì vậy cuốn sách đề cập một số vấn đề, như tự do báo chí chẳng hạn, rất phóng khoáng mà vẫn bảo đảm tính nguyên tắc, vừa kinh điển vừa đầy ắp hơi thở cuộc sống.

Tác giả cập nhật hóa kiến thức cho sinh viên từ nguồn tổng hợp đến cách luận bàn, phân tích những luận điểm khác nhau của nhiều học giả về cùng một chủ đề, rồi mới trình bày kiến giải của chính mình. Cũng có trường hợp, ông đặt cạnh nhau một loạt ý kiến và định hướng để sinh viên tự nghĩ suy.

Đọc giáo trình của PGS.TS. Nguyễn Văn Dững cũng như một vài giáo trình khác tình cờ tiếp cận được - nhất là những cuốn gắn lý luận với thực tiễn - lần nào tôi cũng cảm nhận mình vừa học được nhiều điều mới. Và lần nào cũng vậy, tự nhiên trong lòng nảy ra một cái gì giống như sự ganh tị các bạn trẻ: Giá mà mình có cơ hội được biết sớm những thứ này, có phải đỡ tốn bao thời gian và công sức mày mò! Nghĩ buồn cười, và rõ ràng lẩm cẩm nữa, nhưng thực tế nó là như thế.

Có một yêu cầu đang thường trực hiển hiện trước mọi ký giả hành nghề. Không thể chỉ học một lần là đủ, có cái bằng trong tay là cứ thế bươn chải. Tu nghiệp, nâng cao là yêu cầu xuyên suốt đời nghề của bất kỳ ai dấn thân vào cái nghiệp này. Hãy nhìn kia, lứa em út chúng ta - nói về tuổi đời - đang chuẩn bị vào nghề, các em được học và tập nhiều điều chúng ta mấy ai từng được biết!

Nói cách khác, các giáo trình chuyên khảo truyền thông không chỉ dành cho sinh viên nhập môn hay người muốn có trong tay bằng cấp cao hơn. Thưa đồng nghiệp thân quý của tôi đang năng nổ hành nghề, tiếng tăm cuồn cuộn, nên chăng thi thoảng bạn và tôi chúng ta cần bớt chút thời gian ngàn vàng để “ngó lại”, từ đấy sáng tỏ cái vốn kiến thức chúng ta đang ở đâu, liệu đã đủ để ganh đua cùng đồng nghiệp năm châu hay chưa? Nói vậy chắc bạn quý khó xuôi tai, nhưng yêu cầu của báo chí truyền thông hiện đại, của cuộc sống ngày nay, thực tế nó là như thế.

Phan Quang