Nghệ An:

Thừa thiếu cục bộ, giáo viên phải dạy liên môn, kiêm nhiệm

(Dân trí) - Năm học 2017 - 2018, Nghệ An giảm 213 lớp, thừa gần 1.500 giáo viên. Trong khi đó, ở một số bộ môn lại thiếu giáo viên do không có biên chế. Để bố trí số giáo viên này, các trường trên địa bàn tỉnh đang loay hoay với các giải pháp mang tính tình thế.

Năm học 2017-2018, Nghệ An giảm 213 lớp so với năm trước, kéo theo việc dôi dư gần 1.500 giáo viên ở các cấp học
Năm học 2017-2018, Nghệ An giảm 213 lớp so với năm trước, kéo theo việc dôi dư gần 1.500 giáo viên ở các cấp học

Theo báo cáo, năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh Nghệ An giảm 213 lớp so với năm học trước, tập trung nhiều ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương. Việc giảm quy mô trường lớp dẫn tới “dư” gần 1.500 giáo viên, chủ yếu ở bậc THCS. Trong khi đó, một số bộ môn lại thiếu giáo viên do các địa phương không được giao biên chế.

Huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang thừa 92 giáo viên ở bậc THCS nhưng lại thiếu 81 giáo viên tiểu học, tập trung chính ở các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Riêng trong bậc THCS, thừa 26 giáo viên Toán, 20 giáo viên Ngữ văn, 6 giáo viên Vật lý, 10 giáo viên Địa lý, 9 giáo viên Sinh học nhưng thiếu 21 giáo viên thuộc các bộ môn như Công nghệ, Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật.

Năm học 2017-2018, Trường THCS Hồng Long (huyện Nam Đàn) mỗi khối 6, 7, 8, 9 chỉ có vỏn vẹn 1 lớp. Toàn trường có 11 giáo viên. Với số lượng này, nếu tính theo tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp thì hiện trường đang thừa hơn 3 giáo viên. Tuy nhiên trường lại không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý…

Do tình trạng “thừa - thiếu” giáo viên cục bộ nên việc sắp xếp chuyên môn cho giáo viên trong trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhà trường phải bố trí giáo viên dạy liên môn như Văn – Giáo dục công dân, Văn – Lịch sử, Địa lý – Hóa – Sinh hoặc Toán – Tin…

Do thừa thiếu cục bộ nên có những giáo viên phải dạy 2-3 môn trong khi đó lại có những kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác để đủ tiết theo quy định
Do thừa thiếu cục bộ nên có những giáo viên phải dạy 2-3 môn trong khi đó lại có những kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác để đủ tiết theo quy định

Riêng những môn đặc thù như Thể dục, Âm nhạc, theo quy định giáo viên phải có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành nhưng do biên chế đang “thừa” nên phải điều động các giáo viên văn hóa sang dạy các môn năng khiếu. “Trước khi giảng dạy, các giáo viên được đi tập huấn hoặc chọn những giáo viên có năng khiếu, khả năng về âm nhạc, mỹ thuật”, ông Lê Văn Luận – Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Long cho biết.

Tại Trường THCS Diễn Hải (Diễn Châu), tình trạng cũng tương tự. Năm học này nhà trường thừa 3 giáo viên nhưng lại không có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc. Trong khi đó giáo viên Toán, Ngữ Văn chiếm hơn 1 nửa số giáo viên toàn trường (17/33).

Để sắp xếp đủ tiết cho giáo viên, hầu hết các giáo viên đều phải kiêm nhiệm nhiều môn. Cô giáo Thái Thị Thu là giáo viên Ngữ văn kiêm nhiệm thêm dạy Lịch sử, Âm nhạc, dạy bồi dưỡng và làm thư ký hội đồng. Thầy giáo Nguyễn Hữu Thọ, dù là giáo viên dạy Văn, tổ trưởng tổ xã hội và chỉ vài tháng nữa là về hưu nhưng công việc chính lại dạy là Âm nhạc và Mỹ thuật…

Mỗi cấp học có một đặc thù riêng bởi vậy luân chuyển giáo viên thừa thiếu giữa các bậc học phải được cân nhắc kỹ
Mỗi cấp học có một đặc thù riêng bởi vậy luân chuyển giáo viên thừa thiếu giữa các bậc học phải được cân nhắc kỹ

Việc phải kiêm nhiệm nhiều môn buộc giáo viên phải tự học và tự thích nghi với hoàn cảnh. Các giáo viên được tập huấn và nâng cao trình độ. Tuy nhiên, với thời gian tập huấn chỉ 3 – 4 ngày/môn học thì chất lượng khó đảm bảo. Riêng với những môn đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc đòi hỏi năng khiếu và đào tạo bài bản thì việc đưa giáo viên văn hóa sang kiêm nhiệm thực sự là khó cho cả thầy lẫn trò.

Trước tình trạng thừa giáo viên tiểu học, THCS nhiều huyện trong tỉnh đã chọn giải pháp chuyển số giáo viên này sang dạy mầm non. Mặc dù số giáo viên này được tập huấn và phải hoàn thành một số điều kiện chuyên môn mới được đứng lớp nhưng cách làm này đã vấp phải nhiều dư luận trái chiều.

Ông Phùng Đức Nhân – Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho biết: thị xã không chủ trương chuyển giáo viên phổ thông sang dạy mầm non vì mầm non là bậc học đặc thù. Trong hệ thống giáo dục phổ thông thì luân chuyển, điều chuyển giáo viên THCS với tiểu học phù hợp hơn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế vì mỗi bậc học có những đặc thù riêng.

Năm học này, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) điều chuyển 2 giáo viên THCS là cô Phan Thị Hiền (GV Ngữ văn Trường THCS Nghi Tân) đến làm giáo viên chủ nhiệm lớp 3 ở Trường Tiểu học Nghi Hải; cô Trần Thị Ngọc Huyền (GV Toán Trường THCS Lê Thị Bạch Cát) đến công tác tại Trường Tiểu học Nghi Thu.

Theo bà Võ Thị Thanh Bình – Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Ngành giáo dục đã quán triệt với các địa phương xây dựng kế hoạch năm học chi tiết và sát với thực tế; chủ động sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên phù hợp với quy mô trường lớp tại địa phương. Riêng với bậc mầm non, hướng phát triển chính là ngoài công lập để tăng số lượng học sinh huy động đến trường, giảm áp lực ở các trường công lập”.

Hoàng Lam