Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Vĩnh Phúc phải sửa sai trong công tác tuyển dụng giáo viên

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 27/1, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã chỉ ra những sai sót của đơn vị này trong công tác tuyển dụng viên chức giáo dục. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã đề nghị Vĩnh Phúc sửa sai, đồng thời xử lý cán bộ sai phạm.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nội vụ, bà Dương Thị Tuyến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức ngành giáo dục đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cùng với các thành viên trong Hội đồng đã có báo cáo chi tiết về vụ việc. Vẫn giữ nguyên quan điểm lập trường đã từng báo cáo với Bộ Nội vụ, bà Dương Thị Tuyến cho biết: Trước tình trạng hệ thống tin nhắn và đơn thư phản ánh tiêu cực trước kì thi, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cảm thấy có thể ảnh hưởng đến sự khách quan của kì thi nếu giao cho huyện tổ chức. Chính vì thế, UBND tỉnh đã quyết định đưa về tổ chức thi tập trung tại tỉnh. Quyết định 2319 cũng chỉ là xử lý tình huống vì lúc đó sát đến ngày thi rồi mà đơn thư thì lại nhiều. UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng thi cấp tỉnh nhưng đã không kịp ra các văn bản theo quy định.
Trong bản báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Vĩnh Phúc vẫn khẳng định mình làm không sai!

Trong bản báo cáo gửi Bộ Nội vụ, Vĩnh Phúc vẫn khẳng định mình làm không sai!

Báo cáo với đoàn công tác, ông Phạm Quang Tuệ - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, kỳ thi diễn ra trong hai ngày và được dư luận đánh giá rất cao. Trong kì thi đã lập 126 văn bản vi phạm quy chế thi, tất cả các khu vực thi đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Riêng với địa điểm Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh không bố trí được camera thì đã tăng cường thêm giám thị, an ninh…

Giám đốc Phạm Quang Tuệ cũng báo cáo quy trình tổ chức thi, khâu chấm thi và xử lý “sự cố” sau khi phát hiện có dấu hiệu bất thường ở một số bài thi...

Việc tuyển dụng phải tuân thủ theo đúng quy định

Sau khi lắng nghe báo cáo của UBND tỉnh về việc tuyển dụng viên chức giáo dục 2014, ông Nguyễn Xuân Sơn - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thẳng thắn chia sẻ: Đáng lẽ ra khi chuyển thi tập trung lên tỉnh thì phải ra Quyết định mới hủy bỏ tất cả những quyết định trước của Hội đồng cấp huyện. Trước đây có văn bản hướng dẫn liên tịch 836 về việc xác định trúng tuyển theo huyện, khi ban hành văn bản 6376 thì đáng lẽ ra phải hủy bỏ văn bản 836. Sau này khi làm rồi thì mới bảo đi thu nên nó trở thành vướng mắc. Đây là vấn đề cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Chính tiếp tục thanh minh: Nền tảng của tỉnh trong phân cấp là Quyết định số 02. Tại điều 13 khoản b có đề cập đến việc UBND tỉnh cho ý kiến về thời gian, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp. Theo cách nghĩ của địa phương thì về hình thức thì có hai vấn đề được đặt ra: Một là, hình thức thi hoặc xét tuyển. Hai là, hình thức thi theo phân tán (phân cấp cho huyện) hay là thi tập trung.

Ngoài những thiếu sót UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, Bộ Nội vụ đã chỉ ra thêm

Ngoài những thiếu sót UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, Bộ Nội vụ đã chỉ ra thêm hàng loạt sai phạm của Vĩnh Phúc khi đối chiếu với các quy định.

Ông Chính cũng khẳng định, tuy nhiên điều cần rút kinh nghiệm cho những lần tuyển dụng sau đó là cần xác định vị trí việc làm từng huyện hay của tỉnh. Bên cạnh đó, xem qua các quy định thì không có điều nào nói tỉnh không được phép làm thay huyện.

Trước sự băn khoăn của địa phương, ông Đặng Thanh Tùng, Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, thành viên đoàn công tác, đã lên tiếng giải đáp: Ngoài nguyên tắc công bằng, khách quan thì còn một nguyên tắc khác đó là phải làm đúng pháp luật. Bất kỳ hoạt động nào của cơ quan nhà nước dù có mục đích gì đi chăng nữa thì phải xuất phát từ một nguyên tắc rất quan trọng đó là mình có quyền làm việc đó hay không. Căn cứ để xác định một cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức hay không trước hết là căn cứ vào Luật Viên chức, sau đó là các quy định cụ thể, chi tiết của Nghị định 29.

“Tôi khẳng định, UBND tỉnh Vĩnh Phúc với tư cách là một cơ quan nhà nước thì có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng viên chức, tuy nhiên là viên chức ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh. Trong trường hợp này thì đối tượng viên chức ở các quận, huyện thì thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện. Như vậy, khẳng định thẩm quyền theo quy định của pháp luật để tuyển dụng viên chức như UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa đứng ra làm thuộc thẩm quyền của UBND huyện hoặc phân cấp cho các đơn vị, nếu các đơn vị đó ở cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ hoàn toàn. Điều này có nghĩa UBND tỉnh không có thẩm quyền trong việc tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục vừa qua” - ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, chúng ta phải tuân thủ pháp luật, trong đó có quy định về thẩm quyền. Nếu pháp luật không cho mình thẩm quyền thì không nên bàn thêm chuyện cái này công khai, minh bạch đến đâu. Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc làm đó là cách thức tổ chức thực hiện mà đúng ra chúng ta phải nên xem xét để có thể kiểm tra, giám sát, thậm chí là tiến hành hoạt động thanh tra đối với Hội đồng của huyện nếu như phát hiện ra các tình tiết sai phạm. Tôi sẽ không có ý kiến về các tình tiết liên quan đến Hội đồng của UBND tỉnh, bởi đó là một Hội đồng mà theo cá nhân tôi nhìn nhận cùng như dựa trên các tài liệu hiện có thì được thành lập ra để thực hiện một việc không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”.

Tham gia phân tích về thẩm quyền tổ chức tuyển dụng viên chức, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phân tích thêm: Liên quan đến việc phân cấp thì Luật Viên chức 2010 đã quy định rất rõ thẩm quyền tuyển dụng viên chức. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng.

Và cơ quan quản lý đơn vị có thẩm quyền đơn vị sự nghiệp công lập là ai? Điều này được quy định rõ ở điều 2, khoản 5 Nghị định 29: đó chính là cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện hoặc phân cấp tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý; quyết định hoặc ủy quyền quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển.

Câu hỏi đặt ra: UBND tỉnh có bổ nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện không hay đó là thuộc thẩm quyền của UBND huyện? Từ đó có thể xác định rằng khi tỉnh tổ chức chung một kì thi cho tất cả các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, nếu đối chiếu với Luật Viên chức và Nghị định 29 là không đúng.

“Nếu không đề cập đến vấn đề tôi nói trên thì khi tỉnh muốn rút về thì phải ban hành quyết định hủy các quy định cấp huyện, quyết định này phải trao đổi ý kiến của Hội đồng nhân dân và cơ quan quản lý nhà nước về công chức, viên chức. Tuy nhiên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại không làm việc này” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc không xác định trúng tuyển theo địa chỉ là cũng không đúng với quy định hiện hành. Việc Hội đồng tuyển dụng cấp tỉnh có đến 20 thành viên là sai so với Nghị định 29. Quy trình, trình tự, tổ chức thi cũng không theo trình tự đã quy định.

“Điều đáng tiếc là khi có những thông tin tiêu cực trước kì thi thì Vĩnh Phúc có thể báo cáo về Bộ Nội vụ để được hướng dẫn có biện pháp xử lý đúng luật. Việc tổ chức thi tập trung cũng có thể thực hiện được nhưng đáng ra UBND tỉnh chỉ nên đứng ra tổ chức thi để nâng cao tính khách quan, trung thực, chống tiêu cực. Sau khi có kết quả thì trả về cho các huyện để họ xác định người trúng tuyển theo chỉ tiêu được giao thì mới đúng thẩm quyền” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chia sẻ thêm với Dân trí sau khi kết thúc buổi làm việc.

Yêu cầu có giải pháp khắc phục và xử lý cán bộ vi phạm

Với phân tích của đoàn công tác Bộ Nội vụ, bà Dương Thị Tuyến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải thừa nhận thiếu sót trong việc thực hiện tuyển dụng viên chức. Bà Tuyến chia sẻ: Khi huyện làm không an toàn thì tỉnh thu về để tránh hệ quả phức tạp về sau. Nếu các đơn vị liên quan nắm được tình hình tiêu cực sớm thì sẽ có thời gian để báo cáo và xin ý kiến Bộ Nội vụ cùng như điều chỉnh Quyết định 02.

Trước những sai sót được địa phương thừa nhận, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị Vĩnh Phúc phải đưa ra được hướng xử lý vụ việc theo tình thần đảm bảo quyền lợi thí sinh, khách quan, trung thực nhưng tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, với những thiếu sót nêu trên thì Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể phải hủy bỏ kết quả kì thi này và tổ chức tuyển dụng lại. Tuy nhiên, xét thấy kì thi đã đảm bảo được sự an toàn, nghiêm túc nên có thể tính đến phương án vẫn sử dụng kết quả kì thi nhưng phải trả kết quả về cho các huyện để xác định người trúng tuyển theo chỉ tiêu được giao.

Ngoài những thiếu sót UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, Bộ Nội vụ đã chỉ ra thêm
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định Vĩnh Phúc đã không làm đúng Luật Viên chức và Nghị định 29.

Trước băn khoăn về việc làm như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người có điểm cao ở huyện khác không trúng tuyển, còn thí sinh có điểm thấp hơn của một huyện khác sẽ trúng tuyển, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Đây là câu chuyện bình thường bởi nó cạnh tranh theo từng địa chỉ (từng huyện). Nếu theo cách làm của Vĩnh Phúc thì sẽ xuất hiện tình trạng người trúng tuyển không có nguyện vọng nhưng vẫn bị phân công công tác; thí sinh của một huyện có thể trúng tuyển hết cả chỉ tiêu nhưng huyện khác thì không có thí sinh nào trúng tuyển.

“Thực tế thì rất sinh động và phong phú nhưng để đảm bảo sự quản lý thống nhất của Chính phủ, của Nhà nước trong một quốc gia thì phải tuân thủ theo pháp luật, pháp luật phải được thực hiện trong 63 tỉnh, thành là như nhau. Nếu có phương pháp khác tốt hơn nhưng lại trái luật thì phải làm đề án xin làm thí điểm trình cơ quan có thẩm quyết chấp thuận” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đề nghị Vĩnh Phúc, qua việc này tỉnh cũng phải xác định trách nhiệm những người tham mưu để xem xét, xử lý.

Nguyễn Hùng

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!