Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Vì sao Đà Nẵng chưa có trường mầm non ở KCN?

(Dân trí) - Hiện các khu công nghiệp, chế xuất ở Đà Nẵng chưa có trường mầm non, trong khi nhu cầu gửi con trong độ tuổi mầm non của công nhân lao động rất bức thiết. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Đà Nẵng xem xét, rà soát lại vì sao như thế.

Ngày 24/1, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã làm việc tại Đà Nẵng, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non và khảo sát liên ngành về tình hình trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đoàn công tác liên ngành làm việc tại Đà Nẵng, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đoàn công tác liên ngành làm việc tại Đà Nẵng, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non

Trường mầm non ở địa bàn có KCN gặp khó

Tại buổi làm việc với đoàn công tác chiều 24/1, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng hiện có 210 trường mầm non. Trong đó, có 71 trường công lập, 139 trường ngoài công lập (dân lập, tư thục). Ngoài ra, còn có 4 trường có yếu tố nước ngoài, hơn 1.000 nhóm lớp độc lập tư thục. Tỷ lệ trẻ ra lớp cao, hơn 92% trong hơn 76 nghìn trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non ra lớp. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non thực hiện chặt chẽ, hoạt động của các cơ sở mầm non hiệu quả.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tuy nhiên, ngành GD&ĐT Đà Nẵng cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, cũng như nhìn nhận những bất cập trong công tác quản lý trường mầm non, đặc biệt ở các KCN, KCX.

Hoạt động của các trường mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa)
Hoạt động của các trường mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa)

Hiện các KCN, KCX ở Đà Nẵng chưa có trường mầm non, trong khi nhu cầu gửi con trong độ tuổi mầm non của công nhân lao động rất bức thiết. Nguyên nhân do việc đầu tư quỹ đất xây dựng nhà trẻ ở các KCN, KCX còn hạn chế về kinh phí. Công nhân lao động chủ yếu gửi con em ở các nhóm lớp độc lập tư thục hoặc trường mầm non ngoài công lập.

Trong khi đó, đội ngũ giáo viên không ổn định, đa số GV có bằng trung cấp sư phạm mầm non và được đào tạo hệ vừa học vừa làm nên trình độ chuyên môn còn hạn chế. Nhóm lớp độc lập tư thục đa phần là lớp ghép nhiều độ tuổi, giáo viên không ổn định, trình độ chuyên môn sư phạm cũng hạn chế, lại tận dụng cải tạo nhà ở để làm nơi chăm sóc trẻ nên cơ sở vật chất chưa đảm bảo.

Ngoài ra, việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên ở các nhóm lớp độc lập tư thục chưa đảm bảo 100%, do các cơ sở mầm non ngoài công lập phải thực hiện đóng BHXH cho người lao động theo mức của doanh nghiệp là quá cao, trong khi nguồn lực của người sử dụng lao động hạn chế, thu nhập lao động thấp.

Những khó khăn này cũng được các chủ trường mầm non tư thục ở địa bàn có nhiều KCN chia sẻ khi đoàn công tác đi kiểm tra thực tế. Bà Đặng Thị Mỹ Dung - Hiệu trưởng Trường MN Nốt Nhạc Xanh (quận Liên Chiểu) - chia sẻ: Thu nhập công nhân thấp nên khi có tiền thì cho con đi học, hết tiền lại thôi. Còn các giáo viên thì mức lương không cao, áp lực công việc lại nhiều, thường xuyên đi sớm về trễ để đón đưa trẻ do phụ huynh là công nhân lao động thường làm việc theo ca, chế độ phúc lợi cho GV lại hầu như không có, nên nhiều GV trẻ ít tâm huyết.

Đại diện các trường mầm non ngoài công lập đề nghị cần có chính sách ưu đãi lãi vay đầu tư xây dựng nhà trẻ ở các KCN, KCX; hỗ trợ mức đóng BHXH cho GV; hỗ trợ đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ.

Vai trò của doanh nghiệp trong việc xây nhà trẻ cho con em công nhân ở đâu?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao công tác tổ chức giáo dục mầm non ở Đà Nẵng với việc tổ chức được hàng ngàn nhóm lớp độc lập tư thục ở các địa bàn có KCN, KCX, đáp ứng nhu cầu bức thiết của phụ huynh là công nhân lao động; cũng như việc tổ chức kết hợp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ở các nhóm lớp tại các trường công lập hiệu quả. Đặc biệt, ở Đà Nẵng hầu như không có “điều tiếng” về bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non. Tổ chức đầu tư trường MN One Sky cho trẻ là con em của công nhân lao động đã chọn Đà Nẵng, chứ không phải địa phương nào khác. Điều này cho thấy cơ chế, chính sách của địa phương rất tạo điều kiện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Đà Nẵng phải xem xét, rà soát lại vì sao chưa có trường mầm non trong các KCN, KCX? Vai trò của các doanh nghiệp trong việc chăm lo cho đời sống công nhân lao động trong việc xây nhà ở, nhà trẻ ở đâu? Quy định trong quy hoạch dự án KCN, KCX là phải có các thiết chế này.

Trong các kiến nghị của ngành GD&ĐT Đà Nẵng, Thứ trưởng Nghĩa chia sẻ với đề nghị tiếp tục bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đối với giáo viên được điều động làm công tác quản lý ở các sở, phòng GD. Theo Thứ trưởng Nghĩa, đây cũng là đề nghị mà Bộ GD&ĐT đã kiên trì rất nhiều năm.

Khánh Hiền