Thứ trưởng Bộ Giáo dục: 38 cụm thi đảm bảo thuận lợi tối ưu cho thí sinh

(Dân trí) - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 38 cụm thi THPT quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng chưa hợp lý, vẫn tốn kém, nên tăng thêm cụm thi… phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù có 38 cụm thi nhưng vẫn chưa hợp lý, tốn kém, ví dụ: nhiều huyện ở Hưng Yên rất gần Hà Nội vậy mà phải đi tận Thái Bình xa cả gần 100 km hay như ở Lai Châu lại phải xuống Phú Thọ thi... Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Phân bố các cụm thi liên tỉnh được xác định dựa trên một số nguyên tắc: tạo thuận lợi tối đa cho việc đi lại dự thi của thí sinh, số lượng thí sinh mỗi cụm ở mức vừa phải để không gây quá tải cơ sở hạ tầng nơi tổ chức cụm thi, có trường ĐH đủ năng lực đảm nhiệm chủ trì cụm thi. Mỗi cụm thi dành cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. So với trước đây thì nay áp lực thi cử giảm đi rất nhiều.

Trước đây, thí sinh phải thi 4 đợt (1 đợt thi tốt nghiệp THPT, 2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ) nay chỉ còn thi 1 đợt. Thí sinh phải đến 4 cụm thi liên tỉnh hay đến trường ĐH để thi, có thể rất xa và vất vả, nay thi ngay tại địa phương mình hay địa phương lân cận, gần hơn nhiều.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở hạ tầng tốt, đi lại thuận tiện, có nhiều trường ĐH lớn nên Bộ đã bố trí đến 8 cụm thi ở mỗi thành phố. Số lượng thí sinh ở mỗi thành phố dự kiến lên đến 180.000. Nếu bố trí thêm cụm thi nữa sẽ gây quá tải cơ sở hạ tầng, gây trở ngại giao thông đi lại.

Các địa phương vùng kinh tế-xã hội khó khăn, Bộ đã làm việc trực tiếp với các địa phương và các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Những ý kiến đề xuất của các địa phương và của các Ban chỉ đạo ở các khu vực này đều được Bộ tiếp thu điều chỉnh đề án phân bố cụm thi phù hợp.

Một số địa phương chọn cụm thi xa một chút nhưng đường giao thông tốt, đi lại thuận tiện, không chọn cụm thi gần về mặt địa lý nhưng đường đi xấu, qua đèo dốc hay qua sông, qua phà. Tóm lại việc bố trí các cụm thi đã được Bộ cân nhắc rất thận trọng, đảm bảo tối ưu tương đối một cách tổng thể trên phạm vi cả nước.

Thí sinh không thi đại học được thi tại địa phương

Những thí sinh không có ý định thi đại học có được ở lại tỉnh để dự thi tốt nghiệp không thưa ông?

Qui chế kỳ thi THPT quốc gia qui định rõ 2 loại cụm thi: Cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh thi lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển vào ĐH, CĐ; cụm thi ở địa phương do sở GDĐT chủ trì dành cho thí sinh thi lấy kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Như vậy thí sinh không có ý định sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển ĐH, CĐ thì sẽ được thi ngay tại trường phổ thông em đang học hay trường phổ thông lân cận. Các cụm thi này do địa phương bố trí phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi.

Theo khảo sát sơ bộ, trung bình có khoảng 20% học sinh lớp 12 chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển ĐH, CĐ. Có địa phương tỉ lệ này lên đến 50%. Vì vậy việc tổ chức thi cho những thí sinh này cũng phải được thực hiện tốt, nếu không thuận lợi hơn thì cũng không gây thêm khó khăn, vất vả cho các em khi tham gia thi để xét tốt nghiệp THPT so với trước đây.

Không tăng thêm cụm thi

Nếu có địa phương đề xuất tổ chức thêm cụm thi có được không?

Địa phương có thể đề xuất cụm thi do sở GDĐT chủ trì dành cho thí sinh thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Các cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì Bộ đã công bố dựa trên những nguyên tắc đảm bảo hài hòa một cách tổng thể trên phạm vi cả nước, một mặt đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh và mặt khác, đảm bảo công tác tổ chức thi an toàn, thuận lợi.

Tất nhiên về mặt tâm lý, địa phương nào cũng muốn có cụm thi do trường ĐH chủ trì đặt tại địa phương mình để thí sinh của địa phương không phải đi xa.

Tuy nhiên so với kỳ thi "ba chung", việc tổ chức 38 cụm thi của kỳ thi THPT quốc gia đã có những bước tiến khá dài trong công tác tổ chức kỳ thi. Trên cơ sở kết quả tổ chức kỳ thi năm nay chúng ta sẽ đúc kết kinh nghiệm để xem xét việc nên mở rộng hay thu hẹp số lượng các cụm thi trong những năm sắp tới.

Kỳ thi sẽ được
giám sát kỹ, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng và khách quan

Kỳ thi sẽ được giám sát kỹ, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng và khách quan

Chất lượng kỳ thi phụ thuộc nhiều yếu tố

Việc tổ chức thi ở các cụm thi khác nhau có thể tạo ra sự không công bằng trong kết quả tốt nghiệp THPT giữa các cụm thi, khi mà nơi thì coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc, nơi thì coi thi có thể sẽ dễ dãi hơn. Bộ GDĐT sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo kì thi khách quan, công bằng cho tất cả thí sinh?

Dù cụm thi do trường ĐH chủ trì hay cụm thi do sở GD ĐT chủ trì thì mọi công tác tổ chức như nhau. Thanh tra Bộ và thanh tra các địa phương thực hiện các nhiệm vụ như nhau ở cả 2 loại cụm thi này.

Chất lượng kỳ thi phụ thuộc rất nhiều khâu từ đề thi, coi thi, chấm thi đến sự phối hợp hỗ trợ của các địa phương trong tổ chức đi lại, ăn ở của thí sinh trong quá trình tổ chức thi... Một trong các khâu này thực hiện không tốt thì chất lượng kỳ thi cũng đều bị ảnh hưởng.

Trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, những kinh nghiệm tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước, đã tạo được niềm tin trong xã hội, sẽ được áp dụng để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng của kỳ thi.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong kì thi THPT quốc gia sẽ được tiến hành ra sao thưa Thứ trưởng?

Bộ đã giao cho Thanh tra lên phương án phối hợp với các địa phương tổ chức công tác thanh tra thi và tuyển sinh năm 2015. Thanh tra Bộ sẽ phân công cụ thể trách nhiệm thanh tra và giám sát công tác tổ chức thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì cũng như các cụm thi do sở GDĐT chủ trì; thanh tra công tác chấm thi, xét tuyển, xử lý các vi phạm trong tuyển sinh...

Nói chung tất cả các công đoạn của kỳ thi sẽ được giám sát kỹ, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng và khách quan. Những kinh nghiệm về đổi mới công tác thanh tra thi, tuyển sinh trong những năm gần đây rất có ích trong việc tổ chức hiệu quả công tác thanh tra giám sát kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Sẽ không gây khó khăn, quá tải cho các trường

Nhiều trường đại học lo lắng việc tổ chức thi cụm chính là việc sao in đề thi và chấm thi môn tự luận vì số lượng thí sinh lớn. Bộ đã có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Qui mô thí sinh dự thi ở các cụm thi sắp tới không lớn như các cụm thi liên tỉnh những năm tổ chức kỳ thi "ba chung". Số lượng các cụm thi của kỳ thi sắp tới cũng nhiều hơn. Mặt khác thí sinh chỉ thi một đợt duy nhất nên số lượng đề thi, bài thi phải chấm không nhiều. Do đó công tác sao in đề thi ở mỗi cụm sẽ không có gì khó khăn.

Bộ sẽ tổ chức cuộc họp trao đổi kinh nghiệm giữa các trường đã chủ trì các cụm thi liên tỉnh trước đây với các trường ĐH mới được giao nhiệm vụ này để nắm được các kỹ thuật thực hiện công tác đề thi. Đối với công tác chấm thi, các trường ĐH chủ trì cụm thi đều là những trường ĐH có đầy đủ năng lực đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyển sinh. Các sở GDĐT cũng sẽ cử những giáo viên phổ thông nhiều kinh nghiệm tham gia cùng các trường ĐH trong việc chấm bài nên sẽ không gây khó khăn, quá tải cho các trường.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị thi đã đến đâu rồi thưa Thứ trưởng?

Do là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên Bộ đã chuẩn bị các văn bản làm nền tảng cho việc thực hiện kỳ từ rất sớm. Đề án tổ chức kỳ thi, qui chế tổ chức kỳ thi và tuyển sinh, phân bố các cụm thi, hướng dẫn các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh... đều được chuẩn bị chu đáo và tham khảo ý kiến rộng rãi trong xã hội. Sau khi tiếp thu ý kiến, cân nhắc tất cả các yếu tố tác động, Bộ đã chính thức ban hành các văn bản cơ bản để thực hiện kỳ thi. Từ nay đến cuối tháng 3, trên cơ sở các văn bản căn bản này, Bộ sẽ hướng dẫn chi tiết việc tổ chức kỳ thi, hoàn thiện phần mềm tuyển sinh, tập huấn các trường chủ trì cụm thi và các sở GDĐT.

Với tinh thần trách nhiệm cao của các trường ĐH, các sở GDĐT, sự phối hợp của các Bộ, Ngành và sự tham gia trực tiếp của các địa phương chúng ta có thể tin tưởng kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt được những mục tiêu dự kiến.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh (thực hiện)