Kỳ thi THPT quốc gia 2019:

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:  Thanh tra không phải để “xem thi”

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nếu thanh tra không nắm được quy chế, quy trình sẽ chỉ là những người đến “xem thi” chứ không phải giám sát kỳ thi. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:  Thanh tra không phải để “xem thi” - 1

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Điện Biên

Trong 2 ngày (4-5/6), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh Điện Biên.

Không để học sinh nghèo nhịn đói đi thi

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi của tỉnh cho biết, năm 2019, tỉnh Điện Biên có 5.320 thí sinh đăng ký dự thi THPT, trong đó có 4.877 thí sinh hiện đang học THPT và giáo dục thường xuyên, 433 thí sinh tự do.

Toàn tỉnh Điện Biên có 17 điểm thi với 228 phòng thi. Dự kiến sẽ có 716 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia làm thi, trong đó có 331 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Thủy Lợi - đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với tỉnh Điện Biên.

Ông Nguyễn Ngọc Bội, Trưởng Phòng PA83, Công an tỉnh Điện Biên, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cho biết, sẽ huy động khoảng 250 cán bộ chiến sĩ tham gia từ bảo quản đề thi, bài thi, an ninh, an toàn tại các khu vực thi, tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ…

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên cho hay, công tác chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi đã được tỉnh Điện Biên thực hiện chu đáo, theo đúng quy định của Bộ và sát với tình hình thực tế địa phương. “Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện tốt, tâm thế thoải mái nhất cho học sinh, phụ huynh bước vào kỳ thi” - Ông Quý nói.

Nhắc lại một số tình huống đã xảy ra trong nhiều năm trước như học sinh nghèo đi thi phải nhịn đói hay mưa lũ có thể xảy ra bất cứ lúc nào làm ảnh hưởng đến kỳ thi, ông Quý đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục Điện Biên phải chuẩn bị đầy đủ các phương án, trong đó quan tâm đến học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số diện học nội trú, cấp gạo đầy đủ cho các em vào dịp tháng 6 - tháng mà các em không còn được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi, ông Quý chỉ đạo ngành Giáo dục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức kỳ thi “Tôi lưu ý chỉ cần nhận thấy có hiện tượng là phải tạm đình chỉ ngay, chúng ta phải làm kiên quyết, không sợ sai” - Ông Quý nêu quan điểm.

Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên khẳng định, đây là kỳ thi rất quan trọng, không quá căng thẳng, không tạo áp lực nhưng phải làm hết trách nhiệm vì nhiệm vụ chung. Tỉnh Điện Biên sẽ nỗ lực hết mức để tổ chưc kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và có chất lượng thực sự.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:  Thanh tra không phải để “xem thi” - 2

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra phòng in sao đề thi

Thanh tra không phải để “xem thi”

Làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên sau khi kiểm tra thực tế tại địa điểm dự kiến in sao đề thi và 2 điểm thi là Trường THPT Điện Biên và Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Điện Biên, đồng thời lưu ý một số việc cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo hướng tới một kỳ thi nhẹ nhàng, khách quan, an toàn và thành công.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác thanh tra, trong đó vấn đề tập huấn thanh tra để lực lượng này nắm rõ quy chế, quy trình là rất quan trọng. Bởi nếu thanh tra không nắm được quy chế, quy trình sẽ chỉ là những người đến “xem thi” chứ không phải giám sát kỳ thi. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra.

Khác với năm ngoái, năm nay các thí sinh tự do dự thi môn thi đơn lẻ bài thi tổ hợp sẽ không được ra khỏi phòng thi ngay sau khi kết thúc môn thi mà phải chờ cho đến hết giờ thi của cả bài thi tổ hợp, chính vì vậy, việc bố trí phòng chờ tại các điểm thi cần được quan tâm. Theo Thứ trưởng, phòng chờ của thí sinh phải được bố trí đầy đủ người quản lý để tránh gây ra xáo trộn trong khu vực thi.

Thứ trưởng Độ cũng đề nghị tỉnh Điện Biên lưu tâm tới công tác in sao đề thi, bảo mật đề thi, bài thi. Qua kiểm tra tại một số điểm thi cho thấy việc lắp camera và bố trí các tủ đựng đề thi, bài thi đã được thực hiện nghiêm túc nhưng vẫn cần có phương án cụ thể của lực lượng an ninh để bảo vệ các khu vực này.  

Nhắc lại tình huống xảy ra với tỉnh Lai Châu trong kỳ thi năm ngoái khi mưa lũ bất ngờ xảy ra ngay trước kỳ thi làm “xóa sổ” cả một điểm thi, Thứ trưởng lưu ý, tỉnh Điện Biên cần có dự báo và phương án dự phòng. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có phương án trong tình huống xảy ra mất điện, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống camera, in sao đề thi; phương án cho công tác y tế, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

Bài học 2 giám thị ở Quảng Bình ký nhầm ảnh hưởng đến thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua cũng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc lại trong cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 tỉnh Điện Biên với mong muốn, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác quán triệt đến đội ngũ cán bộ làm công tác coi thi để tránh những sai sót nhỏ dẫn tới hệ lụy lớn.

“Với kỳ thi này, tôi nhấn mạnh 4 khía cạnh: Nắm chắc quy chế, chuẩn bị các điều kiện, kiểm soát tình hình, xử lý tình huống” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Thu Minh