Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Không có chủ trương đặt ra 2 điểm sàn!

(Dân trí) - “Bộ GD-ĐT không có chủ trương đặt ra 2 điểm sàn để phân biệt trường tốp trên với trường tốp dưới, trường công lập với trường ngoài công lập…”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga liên quan đến các ý kiến đóng góp cho phương án tham khảo về xác định điểm sàn kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. 

Trước ý kiến dư luận không đồng tình về dự thảo phương án 2 điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra góp ý đã bị dư luận chỉ trích và không đồng tình. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga để hiểu rõ hơn tại sao lại đưa ra dự thảo này. 

Dự kiến 2 điểm sàn do bạn đọc hiến kế!

Thưa Thứ trưởng, tại sao Bộ GD-ĐT lại đưa ra dự thảo phương án 2 điểm sàn?

Diễn đàn về cách xác định điểm sàn trên Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Dân Trí thời gian qua đã được bạn đọc tham gia góp ý kiến rất sôi nổi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của xã hội đối với vấn đề này. Sau khi kết thúc diễn đàn, trên cơ sở chắt lọc các ý kiến đóng góp của độc giả, chúng tôi đã đưa phương án được nhiều người đề xuất nhất để tiếp tục lấy ý kiến. Tôi xin khẳng định 2 điều. Thứ nhất, đây là phương án tổng hợp do bạn đọc hiến kế chứ không phải là phương án do Hội đồng tuyển sinh của Bộ đề xuất. Thứ hai, cho tới nay, Bộ chưa có chủ trương nào đặt ra 2 điểm sàn để phân biệt trường tốp trên và trường tốp dưới, trường công lập và trường ngoài công lập như một số ý kiến bàn luận trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần đây.
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Vậy Thứ trưởng cho biết bao giờ Bộ quyết định phương án điểm sàn?

Điểm sàn kỳ thi "3 chung" chỉ đặt ra sau khi có kết quả thi. Khi đó Hội đồng xét điểm sàn của Bộ sẽ họp bàn thống nhất ý kiến và đề xuất phương án để Bộ trưởng xem xét quyết định. Vì vậy tất cả các phương án đề xuất cho tới bây giờ cũng chỉ là những phương án tham khảo để bạn đọc góp ý kiến. Bộ rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thiết thực, phù hợp với thực tiễn để định hướng cho việc xác định điểm sàn trong  kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013  này.

Chỉ có một điểm sàn!

Cách xác định điểm sàn năm nay như thế nào Thưa thứ trưởng?

Cách tiếp cận xây dựng điểm sàn lâu nay dựa vào tổng chỉ tiêu là chính và ổn định trong nhiều năm. Trên có sở tổng chỉ tiêu, Hội đồng xét điểm sàn phán đoán số lượng thí sinh ảo và khả năng dịch chuyển thí sinh giữa các vùng miền để đề xuất một tỉ lệ dư dôi nhất định ứng với từng khối thi.

Các yếu tố ưu tiên khu vực và vùng miền đã được qui định trong qui chế tuyển sinh. Khi nguồn cung (chỉ tiêu) còn ít so với nhu cầu người học thì phương thức xác định điểm sàn như vậy rất phù hợp. Tuy nhiên những năm gần đây, sự dịch chuyển của thí sinh giữa các khu vực, đặc biệt là từ các thành phố lớn về các trường địa phương ngày càng ít và rất khó phán đoán chính xác. Vì vậy, mặc dù số lượng thí sinh đạt điểm trên sàn lớn hơn nhiều so với tổng chỉ tiêu nhưng nhiều trường vẫn gặp khó khăn trong nguồn tuyển.

Có nhiều ý kiến của các trường, nhất là các trường công lập, đề nghị giữ nguyên điểm sàn như hiện nay hoặc thậm chí tăng lên để đảm bảo chất lượng. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng những thí sinh dưới điểm sàn xác định lâu nay 1 hoặc 2 điểm vẫn có khả năng học tốt ở bậc đại học. Vậy đâu là ngưỡng tối thiểu để đảm bảo thí sinh có thể học được ở bậc đại học? Đó là vấn đề cần được xử lý trong nghiên cứu xác định điểm sàn theo phương án mới nhằm một mặt đảm bảo chất lượng đầu vào và mặt khác, vẫn đảm bảo nguồn tuyển cho các trường.

Tại hội nghị tuyển sinh cũng như trên các diễn đàn, nhiều ý kiến đề xuất trong tình hình thực tế hiện nay, chúng ta nên thay đổi cách tiếp cận về xác định điểm sàn dựa vào năng lực tối thiểu mà thí sinh có thể học đại học thể hiện qua kết quả thi "3 chung", có thể gọi đó là ngưỡng tối thiểu để học sinh có thể học đại học được. Thứ trưởng nghĩ sao?

Nhiều người đề nghị xác định ngưỡng này trên cơ sở phân tích phổ điểm kết quả thi của thí sinh.

Khi đó, số lượng thí sinh trên ngưỡng tối thiểu có thể rất lớn so với số lượng thí sinh trên điểm sàn xác định theo phương thức hiện nay. Vì thế về mặt kỹ thuật cần tính toán làm sao để cho những thí sinh giỏi vẫn có nhiều nguyện vọng xét tuyển và nhiều cơ hội trúng tuyển như hiện nay. Trong phương án tham khảo vừa rồi, bạn đọc đã hiến kế một giải pháp kỹ thuật để xử lý vấn đề này chứ không phải đặt ra hai điểm sàn để phân biệt các trường.

Như vậy, dù theo cách tiếp cận nào đi nữa thì cũng chỉ có một điểm sàn.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh