Thủ khoa kép Sân khấu điện ảnh: “Xã hội ngày nay phải học giỏi và năng động”

(Dân trí) - Thủ khoa kép trường SKĐA Đỗ Mỹ Linh chia sẻ: “Với sự phát triển của xã hội ngày nay, mình không được lựa chọn giữa học giỏi, hay năng động, mà phải rèn luyện cả hai, để khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Nếu thiếu một trong hai, thì chúng ta có bị mờ nhạt bởi các cá nhân xuất sắc và có cố gắng hơn ta”.

Thành tích của Thủ khoa Đỗ Mỹ Linh:

- Điểm học tập toàn khóa: 8.50/10.

- 4 năm đạt danh hiệu sinh viên giỏi. Đạt học bổng loại giỏi trong 7 kỳ

- Điểm rèn luyện toàn khóa: Xuất sắc

- Thủ khoa đầu vào Khoa truyền hình

- Lớp trưởng lớp Biên tập Truyền hình K34

- Đạt giải nhì Cuộc thi Olympic tiếng Anh năm 2016

- Đạt giải khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

- Tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội của nhà trường.

Đỗ Mỹ Linh - Thủ khoa kép của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội
Đỗ Mỹ Linh - Thủ khoa kép của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội

Bí quyết trở thành Thủ khoa

Đỗ Mỹ Linh (sinh năm 1996, quê Hưng Yên) là Thủ khoa cả đầu vào và đầu ra của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội năm 2018. Mỹ Linh là Thủ khoa đầu vào của Khoa Truyền hình. Khi còn học cấp 3, cô là học sinh của trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ (Hà Nội).

Mỹ Linh học tiếng Anh và tiếng Trung từ thời cấp 3. Cô rất thích học ngoại ngữ. Sau này lên Đại học tập trung vào chuyên ngành nhiều hơn, nhưng Linh vẫn muốn trau dồi thêm về ngoại ngữ của mình. Linh nghĩ rằng học ngôn ngữ không chỉ là học tiếng nói, mà còn học về văn hóa của ngôn ngữ đó. Vì vậy cô vẫn mong muốn có thể học thêm một ngôn ngữ khác. Linh thường thích đọc các tài liệu về chuyên môn của mình bằng Tiếng Anh, ngoài ra, các nước phát triển cũng có những chương trình truyền hình rất hay, nên cô rất thích xem để có thể học tập được cách sản xuất của họ.

Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đặc thù khác với đa số các trường đại học ở môi trường học thiên về nghệ thuật, với nhiều phần thực hành hơn lý thuyết. Tuy nhiên, những phần lý thuyết đó cũng đóng vai trò rất quan trọng. Linh chia sẻ bí quyết để có thành tích học tập tốt khi học tại ngôi trường này: “Khi học, em thường cố gắng nắm rõ những kiến thức các môn cơ bản và môn chuyên ngành. Đây là nền tảng vững chắc giúp em đỡ bị bỡ ngỡ hơn khi bắt đầu đi vào thực hành”.

Một trong những bài học đầu tiên mỗi khi lên lớp của thầy giáo chủ nhiệm là câu hỏi: “Tuần này có những sự kiện gì mà các em quan tâm?” Lúc đầu, cả lớp rất tò mò khi thầy hỏi câu hỏi đó. Nhưng nhờ thầy giải thích, sinh viên hiểu được để làm một biên tập viên, mình phải có sự nhạy bén với các thông tin, những điều mà khán giả đang tò mò, và giúp họ trả lời những vấn đề đó. Đó chính là một trong những cách tìm đề tài để sản xuất chương trình.

“Khi học chuyên ngành Biên tập truyền hình, chúng em thường thực hành bằng những phóng sự, bản tin. Còn nhớ, những lần đầu tiên làm bài tập, em cảm thấy bị “ngợp” khi nhận thấy công việc của một biên tập viên không chỉ có dẫn dắt chương trình trên sóng truyền hình, mà còn là rất nhiều những công việc phía sau hậu trường, là sự phối hợp của rất nhiều người: từ đạo diễn, biên tập viên, quay phim và rất nhiều những thành phần khác, để có thể gửi tới khán giả những chương trình thú vị. Vì vậy, em nhận thấy để học tốt chuyên ngành này, mình phải trau dồi thêm cách làm việc nhóm, tính cẩn thận để công việc của mình không làm ảnh hưởng đến các phần công việc khác”, Linh cho biết.

Linh nói: “Em nghĩ thành tích học tập tốt là một điều quan trọng, tuy nhiên đó không phải là con đường duy nhất để mình đạt được thành công. Có lẽ lí do khiến em đạt được thành tích tốt là do em đã xác định đúng được khả năng và đam mê của mình”.

Hội đồng thẩm định nhỏ là gia đình

Mỹ Linh tham gia một chương trình. Mới ra trường nhưng Linh đã có kinh nghiệm làm việc và hiện đang là Cán bộ truyền thông tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF.
Mỹ Linh tham gia một chương trình. Mới ra trường nhưng Linh đã có kinh nghiệm làm việc và hiện đang là Cán bộ truyền thông tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF.

Đỗ Mỹ Linh được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật và báo chí, vậy nên từ bé cô đã rất thích các tìm hiểu các kiến thức về điện ảnh, truyền hình. Sau đó, khi học lớp 11, bắt đầu phải xác định nguyện vọng của mình, Linh nhận thấy mình không có năng khiếu học các môn tự nhiên, mà thiên về các môn xã hội hơn.

“Em đã rất mong muốn được học chuyên ngành Biên tập truyền hình (mà năm đó là năm đầu tiên Trường SKDA mở chuyên ngành này). Em có làm một trắc nghiệm tâm lí tính cách chọn nghề nghiệp MBIT, và được kết quả là em thuộc nhóm tính cách ENFP, với nghề nghiệp được gợi ý gồm nhà văn, phóng viên, luật sư, bác sĩ tâm lí... Từ đó em lại càng tin tưởng mình sinh ra để làm biên tập viên”, Mỹ Linh tâm sự.

“Em rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật và báo chí. Bố em là một nhà quay phim, đạo diễn phim tài liệu. Mẹ em cũng làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, còn anh trai em đang là phóng viên quay phim tại hãng tin của Singapore Channel News Asia tại Việt Nam. Bố mẹ và anh luôn luôn khuyến khích và giúp đỡ em trong quá trình em học tập, cả nhà đã đưa cho em nhiều nhận xét và lời khuyên sau khi xem mỗi phóng sự của em.

Mỗi lần làm xong một chương trình, em lại hồi hộp đưa phóng sự cho “hội đồng thẩm định” nhỏ của mình để xem và giúp em sản xuất ra những phiên bản phóng sự tốt nhất. Cảm giác lúc đó rất hạnh phúc, bố sẽ nhận xét về nội dung chương trình cho em, anh sẽ khen những góc máy đẹp, cũng như đưa ra những góc máy sáng tạo khác mà sau này em có thể thử. Còn mẹ sẽ chăm chú nghe giọng dẫn của em, nhận xét về trang phục, kiểu tóc mỗi lần em xuất hiện. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời khi cả nhà cùng làm trong ngành”.

Mỹ Linh tự thấy mình là một người khá mạnh mẽ, nhưng đến khi xem phim hoặc nghe nhạc mà xúc động thì vẫn “thút thít như bình thường”. “Trước đây, vì là con út trong gia đình nên em cũng thường thích làm nũng bố mẹ và anh. Nhưng khi trưởng thành hơn, em nhận thấy để làm biên tập viên, mình cần phải tự lập hơn, nên em rèn cho bản thân tính tự lập hơn để có thể chủ động trong công việc.

Theo em, với sự phát triển của xã hội ngày nay, mình không được lựa chọn giữa học giỏi, hay năng động, mà phải rèn luyện cả hai, để khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Nếu thiếu một trong hai, thì chúng ta có bị mờ nhạt bởi các cá nhân xuất sắc và có cố gắng hơn ta”, Linh nói.

Linh có quan điểm sống là muốn bản thân mình luôn cố gắng hết sức có thể. “Đó là điều mà anh trai đã dạy em. Ngoài ra, em thích được truyền nguồn năng lượng tích cực của mình cho mọi người, cũng như đón nhận nguồn năng lượng ấy. Điều này giúp bản thân em sáng tạo hơn và làm công việc của mình tốt hơn”.

Được truyền cảm hứng từ bố và “Nữ hoàng Truyền thông” Oprah Winfrey

Thủ khoa kép Sân khấu điện ảnh: “Xã hội ngày nay phải học giỏi và năng động” - 3

Mỹ Linh cho rằng người đầu tiên truyền cảm hứng cho cô bước vào ngành truyền hình là bố của cô. Linh vẫn còn nhớ khi còn nhỏ, mỗi lần bố đi làm phim, Linh đều ước có thể được đi cùng bố đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và lắng nghe nhiều câu chuyện. Sau đó, hai bố con sẽ cùng kể lại câu chuyện đó bằng hình ảnh cho tất cả mọi người xem.

“Mỗi khi phim làm xong, cả nhà sẽ cùng ngồi xem “tác phẩm” của bố, bố sẽ giới thiệu cho mẹ và chúng em những cảnh này được quay như thế nào, có gì đáng nhớ. Hồi đó chưa có đĩa, mà phim được in ra các băng betacam hình chữ nhật, khi xem xong, hai anh em sẽ bóc tấm đề can in tên phim để bố và mẹ dán lên băng. Thời đó mọi thứ đều thô sơ, nhưng đó là những dấu ấn đầu tiên mà em còn nhớ đến tận sau này”.

Sau này, khi được tiếp xúc với nhiều thông tin hơn nữa, Linh còn rất hâm mộ “Nữ hoàng Truyền thông” Oprah Winfrey. Với tư cách là nhà sản xuất và người dẫn dắt, chương trình “ The Oprah Winfrey Show” của bà vẫn đang giữ kỉ lục là chương trình talkshow ban ngày có rating cao nhất. Linh hâm mộ bà vì sự thông minh, nhạy bén trong khi làm việc cũng như sự ấm áp và gần gũi của bà khi thông qua chương trình của mình, bà giúp những người thuộc cộng đồng LGBT đến gần hơn với đại chúng. Cô cảm thấy mỗi khi xem chương trình của bà luôn được truyền cảm hứng và được truyền một nguồn năng lực tích cực. Đó cũng là điều Mỹ Linh hướng đến khi thực hiện những chương trình của mình.

“Em nhận thấy mình đã chọn ngành học này do sự yêu thích, nên sau khi tốt nghiệp em luôn mong muốn được làm việc theo đúng chuyên môn của mình. Hiện nay, rất may mắn, em đã có cơ hội làm việc với tư cách là cán bộ truyền thông tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF”, Linh cho biết.

Đối với chuyên ngành biên tập viên truyền hình của mình Linh suy nghĩ rằng một BTV truyền hình giỏi cần có kĩ năng tìm và xử lí đề tài thật nhạy bén, cũng như kĩ năng làm việc nhóm tốt. Không chỉ vậy, để làm công tác biên tập tốt, người biên tập viên còn phải có sự hiểu biết với nhiều vấn đề, lĩnh vực trong xã hội để truyền đạt một cách chính xác và chân thật cho khán giả.

Khi làm việc trên hiện trường, biên tập viên cần xông xáo, trò chuyện với mọi người để khai thác được nhiều thông tin. Là một công việc mang tính thực tiễn cao, việc học giỏi thôi chưa đủ, bởi khi bắt tay vào làm việc, ta sẽ học hỏi thêm được nhiều điều mà sách vở không thể nào dạy được. Mỗi chương trình khác nhau, mỗi câu chuyện khác nhau lại yêu cầu những cách xử lí khác.

Thủ khoa đề xuất

Khi được hỏi rằng với tư cách là một Thủ khoa, Mỹ Linh mong muốn Thành phố Hà Nội sẽ có cơ chế giúp đỡ gì để sử dụng tài năng của các bạn, Linh nói: “Đối với cơ hội việc làm có lẽ các bạn Thủ khoa chắc hẳn sẽ có nhiều cơ hội việc làm, vì năng lực của các bạn đã được chứng minh. Trong khi đó, em nghĩ các bạn sinh viên mới ra trường đều mong muốn được tạo điều kiện việc làm, vì những thị trường việc làm ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là rất khắc nghiệt.

Hiện nay, khi tìm việc làm, hầu hết các nhà tuyển dụng đều mong muốn tìm được những người có nhiều kinh nghiệm. Hai chữ “kinh nghiệm” chắc hẳn là một điều đáng sợ đối với những sinh viên mới tốt nghiệp. Em hi vọng thành phố có thể kết hợp cùng các trường học, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức những hội chợ tuyển dụng thiết thực dành cho sinh viên, hoặc cùng lên những chương trình học kết hợp với làm việc ngay từ trong nhà trường, để các bạn sinh viên sẽ có một hành trang kinh nghiệm thật tốt khi tốt nghiệp”.

Mai Châm

Ảnh: NVCC