Thông tư 30: Đừng bỏ lỡ cơ hội “thay da đổi thịt” cho giáo dục

(Dân trí) - Bên cạnh nhiều người muốn “dẹp ngay” Thông tư 30 do những vấn đề gặp phải trong thực tế đưa vào trường học thì cũng không ít giáo viên yêu tha thiết chủ trương đánh giá học sinh bằng nhận xét.

Lo Thông tư “chết yểu”

Là một người tha thiết với tinh thần tiến bộ, nhân văn của việc đánh giá bằng nhận xét, cô Nguyễn Hảo, giáo viên Trường tiểu học Phước Long 2, Nha Trang chia sẻ, trong quá trình áp dụng Thông tư 30 (TT30) vào đánh giá học sinh, cô nhận thấy thông tư hướng tới việc công nhận mặt mạnh của từng em. Đặc biệt ở phần học sinh được khen là rất ổn. Có thể học sinh chỉ đạt điểm trung bình vẫn được khen vì trẻ chăm học, cố gắng khắc phục, có tiến bộ…

Theo cô Hảo, TT30 gặp nhiều phản ứng chủ yếu do giáo viên nắm bắt về thông tư còn nhiều hạn chế. Việc thay đổi này chưa được ghi nhận vì do sự cố hữu trong lòng của mỗi một người dân Việt Nam và đặc biệt là giáo viên vẫn chỉ đánh giá cao học sinh dựa vào mặt kiến thức. Học sinh có giỏi gì đi chăng nữa mà không giỏi văn hóa đều được xem là không giỏi. Thêm nữa, người quản lý giáo dục cũng gây áp lực cho giáo viên, sự máy móc trong chỉ đạo làm cho người thầy mệt mỏi.


Vẫn có những giáo viên và nhà quản lý chưa nắm hết tinh thần của Thông tư 30. Trong ảnh: Quản lý, giáo viên ở TPHCM trong chương trình tập huấn Thông tư 30.

Vẫn có những giáo viên và nhà quản lý chưa nắm hết tinh thần của Thông tư 30. Trong ảnh: Quản lý, giáo viên ở TPHCM trong chương trình tập huấn Thông tư 30.

Muốn thực hiện thấu đáo TT30 cần một cuộc cách mạng lâu dài. Bản thân cô Hảo rất lo TT30 sẽ bị “chết yểu”, trong khi điều cần thay đổi là sĩ số lớp và cách thức quản lý giáo dục để giáo viên thực hiện hiệu quả nhất thông tư chứ không phải là thay đổi thông tư.

“Nếu để TT30 “chết yểu” nền giáo dục, cụ thể là giáo dục tiểu học đã mất đi cơ hội thay da đổi thịt”, cô giáo trẻ nhấn mạnh.

Một giáo viên tiểu học ở Gò Vấp, TPHCM bộc bạch cái ức chế của giáo viên hiện nay không phải dành cho thông tư mà dành cho… người quản lý. Những khó khăn của họ gặp phải không được tháo gỡ, lại không được chia sẻ. Quản lý ở một số nơi, một số trường còn rất máy móc trong việc quản lý hồ sơ sổ sách, thậm chí trong từng câu từng chữ nhận xét của giáo viên. Thành ra họ quay sang phản ứng một cách tiêu cực với TT30.

Cô Nguyễn Hằng, giáo viên một trường tiểu học ở Hải Dương cho biết ban đầu khi chưa hiểu hết tinh thần của đánh giá bằng nhận xét cô cũng “phản ứng” với TT30. Sau đó, đọc cuốn "Tôt-tô-chan bên cửa sổ", cô mới hiểu được ý nghĩa thật sự của TT30 vì học sinh như thế nào. Từ rất lâu, người Nhật đã chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học trò và cô hiểu ra rằng trẻ cần được giáo dục những gì.

Việc TT30 bị nhiều người “quay lưng”, cô Hằng bày tỏ quan điểm dường như chúng ta chưa hiểu được mục tiêu của TT30 cũng như mục tiêu giáo dục. Khi đặt bút nhận xét về học sinh, giáo viên sẽ suy nghĩ về em đó nhiều hơn, lẽ tất nhiên là cũng sẽ suy nghĩ về phương pháp giáo dục phù hợp với học sinh.

Năng lực của giáo viên và cả của cán bộ quản lý còn hạn chế là khó khăn đối với việc thực hiện thông tư. Đặc biệt là cách quản lý của nhiều trường gây căng thẳng cho giáo viên. Thêm nữa, nếu giáo viên được giảm áp lực các công việc không nằm trong chuyên môn để tập trung lo chất lượng học sinh thì mọi việc thuận lợi hơn. Còn trên thực tế, cô Hằng nói, giáo viên nhiều khi còn phải kiêm cả thủ quỹ, đại lý bảo hiểm… thì họ còn đâu tay chân để tập trung cho chuyên môn.

"Giải mã" học sinh học kém vì bỏ chấm điểm

Rất nhiều giáo viên và phụ huynh phàn nàn và lo lắng khi TT30 vào trường học thì học trò có biểu hiện lười học, mất động lực do thiếu tính ganh đua. Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng việc học trò có biểu hiện học kém đi chưa hẳn là điều đáng lo.

Chị Trần Thu Hiền, có hai con học tiểu học ở Tân Bình, TPHCM cho hay khi trường học bỏ chấm điểm chị cũng rất lo con mình không được chấm điểm sẽ lười học. Điều này buộc chị phải vào cuộc cùng con chứ không thể phó thác hết cho giáo viên. Và rồi nỗi lo của chị thành sự thật, ngoài giờ học, về nhà các cháu không phải làm bài tập, mỗi tối chỉ mất khoảng 20 - 30 phút để xem lại bài và bố mẹ cũng dành thêm khoảng 15 phút để kiểm tra kiến thức của con.

Giảm áp lực điểm số, học trò có cơ hội phát triển nhiều phẩm chất, năng lực bên cạnh kiến thức các môn học
Giảm áp lực điểm số, học trò có cơ hội phát triển nhiều phẩm chất, năng lực bên cạnh kiến thức các môn học

Đổi lại việc hàng ngày phải “cày” trong sách vở đến 10, 11 giờ tối, mặt mũi lúc nào cũng bơ phờ, giờ các cháu có thời gian chơi trò chơi, đọc sách, ăn uống, xem phim, trò chuyện cùng ba mẹ nhiều hơn. Buổi chiều đi học về, con chị và các cháu con nhà hàng xóm lại được tụ tập chơi nhảy dây, ném dép, đá cầu trước sân nhà chị.

“Đến lúc này tôi đã không còn quá nặng nề chuyện cháu được bao nhiêu điểm, kiến thức trong sách vở thế nào nữa. Điều làm tôi hạnh phúc là con khỏe mạnh, vui vẻ, biết cách giao tiếp, vui chơi, kết nối với bạn bè, bố mẹ”, người mẹ chia sẻ.

Theo cô Nguyễn Hảo, việc học sinh lười học không phải do TT30 mà do cách dạy, nếp nghĩ từ lâu chúng ta quan niệm giỏi là phải giỏi con chữ, giỏi Toán, giỏi Văn. Còn những cái giỏi khác đều bị đánh dấu hỏi. Học sinh Việt Nam học rất xuất sắc, kể cả khi ra nước ngoài nhưng sự phát triển mọi mặt lại rất hạn chế.

Vì đâu giáo viên cho rằng học sinh học kém vì TT30? Cô Nguyễn Hằng chỉ ra đa số giáo viên hiện đang lấy kết quả việc học sinh học Toán, Tiếng Việt để đánh giá về hiệu quả của TT30. Đây là một sai lầm. Nhiều giáo viên sợ học sinh học kém vì dường như nếu không tập trung dạy Toán, Tiếng Việt nâng cao thì họ không biết dạy gì cho trẻ. Vốn dĩ nếp nghĩ đã đi học là phải giỏi Toán, giỏi Tiếng Việt đã hằn sâu trong giáo viên.

Cô Hằng không phủ nhận kiến thức của học sinh có thể kém hơn khi các em không bị áp lực học tập. Nhưng đổi lại trẻ có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng sống và phát triển năng lực cá nhân. Như hiện tại, thay vì tập trung dồn sức để học sinh phải đạt điểm cao, trong các giờ sinh hoạt cô Hằng tổ chức cho học sinh tập thuyết trình, tập nói trước tập thể, làm người dẫn chương trình… Và điều dễ thấy là các em vui vẻ, năng động hơn rất nhiều.

Bên cạnh việc ủng hộ, các giáo viên cũng đồng tình ngành giáo dục cần tháo gỡ những khó khăn để giáo viên được tạo điều kiện tốt nhất khi đánh giá bằng nhận xét mà cụ thể là giảm áp lực sĩ số lớp, áp lực những công việc không tên cũng như người quản lý phải linh hoạt, tránh áp đặt máy móc, trao quyền và tin tưởng giáo viên nhiều hơn.

Còn khó khăn trước mắt về áp lực học sinh đông, cô Nguyễn Hảo cho biết giáo viên có thể dạy phân loại đối tượng. Trong đó, dành nhiều thời gian cho học sinh chậm.

Điểm tốt của Thông tư, phải trân trọng

Mới đây, khi đến thăm và làm việc tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TPHCM nghe giáo viên “phàn nàn” về TT30, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng đổi mới kiểm tra, đánh giá là một phần của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Mục tiêu đánh giá mọi mặt để giúp trẻ hoàn thiện chứ không để lấy điểm thi hay gây ra áp lực so sánh. Đây là một phương thức nhiều nước đang dùng. Khi thực hiện, bên cạnh những khó khăn, các thầy cô cũng phải thực tế, điểm gì tốt phải trân trọng.

Sắp tới Bộ sẽ rà soát lại TT30 vì chủ trương thì đúng nhưng vận dụng không khéo sẽ nhiều tai hại. Bản thân Bộ trưởng cũng muốn nghe từ giáo viên những giải pháp để thực hiện hiệu quả TT30 chứ không chỉ nghe về những khó khăn.

Hoài Nam