“Thời đại 4.0 nhưng nhiều giáo viên đang ở mức 1.0”

(Dân trí) - Đó là nhận xét của TS Đặng Văn Sơn (Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH KHTN- ĐHQG Hà Nội) tại hội thảo “Ứng dụng KHCN vào công tác quản lý dạy học trong thời kì hội nhập quốc tế”, do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ “Ngày hội CNTT thành phố lần thứ 4”.

CNTT giúp tiết kiệm 1/2 chi phí

Tại hội thảo, nhiều giáo viên đã đưa ra bức tranh sinh động về việc áp dụng CNTT trong giảng dạy hiện nay ở trường phổ thông hiện nay.

Cô Nguyễn Thu Hương - hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Đến thời điểm này, 100% cán bộ giáo viên nhà trường đều có thể sử dụng thành tạo máy tính và các phần mềm liên quan để ứng dụng vào lĩnh vực công tác của mình.

Nhà trường khuyến khích giáo viên thực hiện các bài giảng điện tử trong các tiết học trên lớp, các tiết chuyên đề, các tiết thi giáo viên dạy giỏi, động viên giáo viên tham gia cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử, xây dựng các phần mềm quản lí dạy học.

Nhờ ứng dụng CNTT, khai thác hiệu quả các phần mềm dạy học nên hàng năm nhiều tiết dạy của giáo viên đạt kết quả cao trong các kì thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố. Nhờ CNTT, học sinh đều say mê, hứng thú với các bài giảng và chất lượng giáo dục được tăng lên rõ rệt.

Học sinh tham quan các sản phẩm CNTT trong dạy học (Ảnh: Tô An).
Học sinh tham quan các sản phẩm CNTT trong dạy học (Ảnh: Tô An).

Cô Đậu Thị Thanh Hoan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Tháp (huyện Đan Phượng), một trường ngoại thành còn nhiều khó khăn nhưng đã có ứng dụng CNTT hiệu quả vào hoạt động giáo dục.

“Lúc đầu nhà trường còn khó khăn, còn phòng học cấp 4, đội ngũ giáo viên chưa được tiếp cận nhiều với CNTT nên chúng tôi rất đau đầu. Tuy nhiên, xác định được tầm quan trọng của việc đưa CNTT vào dạy học, chúng tôi họp đội ngũ chuyên môn về ứng dụng CNTT, chia nhóm để bồi dưỡng.

“Nhóm thành thạo” khai thác phần mềm thiết kế bài giảng, chia sẻ dữ liệu, đồng thời mời chuyên gia về tổ chức hội thảo liên quan đến CNTT. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ sở vật chất ở trường huyện nghèo này chưa đáp ứng được. Nhà trường đã vận động xã hội hóa từ để đồng bộ máy móc”, cô Hoan cho biết.

Sau một thời gian áp dụng, hiện tại Trường tiểu học Đồng Tháp có 44 máy tính, 23 bộ máy chiếu, 2 bảng thông minh, 1 máy chiếu đa vật thể để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Chia sẻ về những ngày đầu tiên tiếp cận CNTT trong dạy học, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho hay, lúc đầu nhà trường đã gặp phải thách thức khó vượt qua. Để đến hiện nay, khi các giáo viên của nhà trường có thể chấm, trả bài... bằng công nghệ trực tuyến là cả một quá trình rất gian khổ.

Hiện, nhà trường đã trang bị phần mềm văn phòng Microsoft Office 365 cho tất cả các em học sinh cũng như giáo viên trong trường với số tiền đầu tư 50 triệu đồng.

Nhờ phần mềm này, giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau, ứng dụng hiệu quả thế mạnh của CNTT trong các giờ học. Các em học sinh có thể chia sẻ những file dữ liệu lên One Driver một cách dễ dàng, tạo những file văn bản, file trình chiếu trên nhiều thiết bị.

"Nếu trước đây, mọi tương tác của nhà trường, giữa thầy với trò đều một chiều và qua hệ thống văn bản giấy tờ của văn phòng nhà trường, hiện hệ thống văn bản bằng giấy đã được thay thế hoàn toàn, các thầy cô quản lí nhà trường bằng hệ thống điện tử, tiết kiệm được chi phí tiền mực in, máy in hàng năm chỉ còn 1/2 chi phí so với trước", thầy Nhâm nói.


Các giáo viên tại Ngày hội CNTT Hà Nội lần thứ IV. Ngày hội diễn ra trong hai ngày 6 - 7/4 tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). (Ảnh: Tô An)

Các giáo viên tại "Ngày hội CNTT Hà Nội lần thứ IV". Ngày hội diễn ra trong hai ngày 6 - 7/4 tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). (Ảnh: Tô An)

"Vẫn còn giáo viên dạy ở mức 1.0"

Tại hội thảo, một số giáo viên, lãnh đạo trường phổ thông cũng chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi ứng dụng CNTT tron dạy học: Đó là trình độ tin học của đội ngũ cán bộ giáo viên hạn chế, không đồng đều, thiếu cơ sở vật chất.

“Phương pháp dạy học cũ vẫn như một lối mòn khó thay đổi trong một bộ phận giáo viên. Việc ứng dụng CNTT chưa nghiên cứu kĩ nên nhiều nơi còn bị lạm dụng. Việc kết nối Internet chưa thường xuyên và hiệu quả, một số giáo viên còn yếu trong kĩ năng khai thác tư liệu trên mạng”, cô Đồng Thị Mạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết.

Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cho biết: Ngành GD&ĐT Hà Nội luôn quan tâm, đầu tư ứng dụng CNTT trong các nhà trường, bồi dưỡng năng lực CNTT cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong hệ thống giáo dục toàn thành phố để tạo ra những công dân toàn cầu.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra, làm thế nào để đổi mới và nâng cao về mặt nhận thức, cùng với đổi mới nội dung, phương pháp ứng dụng CNTT nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lí, đào tạo nhân lực cũng như hướng tiếp cận đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong GD&ĐT giai đoạn hiện nay.

Giáo dục 4.0 là nền giáo dục được sinh ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu thị trường nền công nghiệp 4.0 hay còn có tên gọi cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực: internet, mạng xã hội, dữ liệu khổng lồ, di động, trí khôn nhân tạo và robot… đã tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, làm thay đổi cuộc sống rất nhiều về cuộc sống chúng ta.

Với đề dẫn “giáo dục 4.0 giáo viên dạy cái gì?”, TS Đặng Văn Sơn cũng khẳng định, giáo dục 4.0 mang thế giới ảo và thật xích lại gần nhau.

Trong đó, có thể coi cấp độ 1.0: Giáo viên cung cấp gì học sinh học thứ đó một cách thô sơ. Cấp độ 2.0: Người học biết thu thập thông tin từ cả giáo viên và những người xung quanh.

Ở cấp 3.0: Người học đồng thời là người tạo ra kiến thức. Cấp độ 4.0: Người học vừa sáng tạo ra giáo dục, đồng thời cũng tự tạo ra kiến thức.

“Mặc dù chúng ta nhắc nhiều đến cuộc cách mạng 4.0 trong dạy học nhưng hiện đâu đó vẫn còn rất nhiều giáo viên của chúng ta chỉ dừng ở mức 1.0, nghĩa là thầy cô cung cấp gì, học sinh học nấy. Ở cấp 3.0, hiện ở Việt Nam vẫn chưa triển khai được, học sinh vẫn rất thụ động do đó để tiến tới mức độ 4.0 ở cấp phổ thông rất khó”, TS Sơn cho biết.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đều đồng tình: Chính bản thân các giáo viên cần phải thay đổi cách truyền đạt để tiến tới việc học chỉ là người đồng hành, hướng dẫn học sinh trong việc truyền đạt kiến thức.

Mỹ Hà