Thiếu hụt đội ngũ chất lượng cao liên ngành làm Quản lý phát triển đô thị

(Dân trí) - Hội thảo "Thực trạng quản lý đô thị & Nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam" ngày 22/12 do Khoa Các khoa học liên ngành - ĐH QG HN tổ chức đã chỉ rõ những vấn đề cấp bách về nguồn nhân lực ngành này trong giai đoạn hiện nay.

Bài toán Đô thị hóa ngày càng khó khăn

Tại hội thảo, bà Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hóa khá nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Dân số đô thị ước tính sẽ tăng từ 22% lên đến 38% vào 2025, tức là chỉ 9 năm nữa gần 40% dân số thế giới sống trong đô thị.

Mỗi năm sẽ có thêm chừng 1,3 triệu dân đô thị và sẽ đạt đến con số 52 triệu vào năm 2025. Sự gia tăng dân số đô thị kèm với gia tăng sử dụng đất, việc làm, tiện ích và tổng diện tích xây dựng đô thị, kéo theo các tài nguyên và nguồn lực khác ồ ạt chảy vào theo đô thị hóa.

TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thực sự trở thành vùng đô thị (Megapolis) đóng góp tới 77% GDP cả nước, thu hút các dòng vốn đầu tư trong ngoài nước, là động lực dịch chuyển nền kinh tế sang kinh tế đô thị với dân số mỗi thành phố lên hơn 10 triệu dân. Tương lai đây là hai thành phố nằm trong 12 vùng đô thị đông dân top đầu của thế giới thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với dòng di cư từ nông thôn ra đô thị.


Đô thị hóa ở Việt Nam càng thêm khó khăn hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực thực sự giỏi, thông minh hơn để bứt phá giải quyết vấn đề này.

Đô thị hóa ở Việt Nam càng thêm khó khăn hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực thực sự giỏi, thông minh hơn để bứt phá giải quyết vấn đề này.

Bà Thục cho rằng, Việt Nam bắt buộc phải phát triển một hệ thống các thành phố và đô thị có khả năng cạnh tranh và linh hoạt trong chống chịu và phục hồi các không gian kinh tế công nghiệp và dịch vụ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị.

"Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội lớn để đô thị hóa một cách đúng đắn. Bởi nếu thất bại trong đô thị hóa, Việt Nam sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa” (hội thảo Đô thị toàn quốc năm 2009)" - bà Thục nhấn mạnh.

Theo bà Thục, chỉ có ở Việt Nam, đô thị hóa xảy ra nhiều thập kỷ trước công nghiệp hóa (trong khi các nước phát triển đã khẳng định qui luật đô thị hóa là hệ quả, là con đẻ của công nghiệp hóa), hiện tượng này đưa đến nhiều nghịch lý đô thị hóa, càng làm cho vấn đề đô thị hóa bắt buộc phải trở thành phao cứu sinh cho nền kinh tế.

Nghịch lý phát triển đó cũng làm cho đô thị luôn đối đầu với các vấn nạn kẹt xe, tắc đường, ô nhiễm, thiếu nước sạch, thực phẩm bẩn, mất an ninh và trật tự công cộng…

"Thật sự, bài toán đô thị hóa ở Việt Nam càng thêm khó khăn hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực thực sự giỏi, thông minh hơn để bứt phá, cũng bởi thảm họa đô thị rất to lớn và cần chính phủ nỗ lực từ rất sớm" - bà Thục nói.

Ông Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại nhiều vấn đề có liên quan đến quá trình đô thị hoá. Điều quan trọng lúc này là cần thiết phải đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm, cách quản lí...

Còn ông Hoàng Hữu Phê, Chủ tịch HĐQT, Vinaconex R&D cho hay, đô thị đang chịu sức ép trước nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Nói về các thách thức trong việc đào tạo nhân lực quản lý thích hợp, ông Phê cho rằng, cần tập trung vào 2 lĩnh vực chính là Kiến thức cơ bản về đô thị và Các kỹ năng quản lý đô thị.

Phải đào tạo liên ngành mới đáp ứng được yêu cầu

Bà Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu Định cư cho hay, hiện nay, gần như nguồn nhân lực đô thị đều theo tiếp cận đơn ngành, cục bộ theo từng ngành, từng trường đại học, khó phối kết trong định hướng phát triển, tổ chức không gian hoạt động, xây dựng và quản lý phát triển.

Điều này làm hạn chế sức sáng tạo và liên kết ngày càng đòi hỏi cao trong thực tiễn đô thị: ví dụ nhân lực cho giao thông không cần phối kết hợp phát triển đô thị, hoặc nhân lực cho kế hoạch sử dụng đất không tính được hiệu quả đầu tư đô thị…

Theo bà Thục, công tác lập chính sách, xây dựng chiến lược, quản lý phát triển chưa thể hiện được tầm nhìn tổng thể quốc gia và vùng, chỉ hạn hẹp vào đô thị, không liên kết vùng sẽ tạo tính đơn cực nên khó phát triển.

Trên khắp các bộ ngành hiện nay, nhân lực phần lớn đang sử dụng công cụ đơn ngành: ví dụ các công cụ quy hoạch ngành cục bộ và xơ cứng về phương pháp rất khó quản lý phát triển đô thị, vốn cần đa ngành và liên kết.

Thực tiễn đòi hỏi thay đổi tư duy và cách tiếp cận để phát triển đô thị để có thể quản lý quá trình phát triển chúng một cách khoa học, nhìn nhận đô thị như một tổng thể gắn kết, sống động.


Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đô thị hoá ở thế giới và Việt Nam là tiến trình tất yếu bao hàm nhiều vấn đề phát triển phức tạp từ nội tại.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đô thị hoá ở thế giới và Việt Nam là tiến trình tất yếu bao hàm nhiều vấn đề phát triển phức tạp từ nội tại.

Được biết, Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo Bộ luật về Quản lý phát triển đô thị, trong đó nhiều nội dung cần có liên kết đa ngành. Những hạn chế của đô thị hiện nay rất cần được khắc phục, thông qua việc trang bị những phương pháp công cụ mới, nhất là nguồn nhân lực mới được đào tạo theo hướng liên kết, đa ngành và có tư duy hệ thống để phát triển đô thị và vùng đô thị.

"Cần thiết nhất là phải thay đổi phương thức đào tạo nhân lực quản lý phát triển đô thị từ cách tiếp cận đơn ngành sang đa ngành, từ tư duy quản lý đô thị sang tư duy quản lý gắn với phát triển đô thị" - bà Thục nhấn mạnh.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ nhiệm Khoa các khoa học liên ngành ĐH QGHN đã làm rõ khái niệm đào tạo định hướng liên ngành - khái niệm còn mới mẻ với thị trường giáo dục trong nước.

Bà Minh cho rằng, tiếp cận liên ngành đã và đang trở thành một xu thế tất yếu và cần thiết để giải quyết các vấn đề của khoa học và thực tiễn. Hơn thế, liên ngành không chỉ còn là phương pháp tiếp cận mà đã thực sự trở thành những khoa học. Khoa học liên ngành thúc đẩy mạnh mẽ sự sáng tạo khi có gắn kết giữa những khái niệm, phương pháp và các lý thuyết của nhiều ngành khoa học với nhau.

Theo bà Minh, đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ cao, có tư duy liên ngành đang là nhu cầu có tính cấp thiết. Đó là những người có thể nhận diện được tính phức tạp, nhiều chiều của vấn đề, có khả năng phân tích, đề xuất phương án, khả năng kết nối các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau trong giải quyết vấn đề. Chuyên gia liên ngành những người nắm giữ chìa khóa cho thành công của những bài toán lớn, đa chiều.

Cấp thiết đào tạo thạc sĩ liên ngành Quản lý phát triển đô thị

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đô thị hoá ở thế giới và Việt Nam là tiến trình tất yếu bao hàm nhiều vấn đề phát triển phức tạp từ nội tại. Trước sự phát triển của đô thị, cần nhiều giải pháp quản lý đồng bộ, trong đó quản lý đô thị không đơn thuần là quản lý từng lĩnh vực riêng lẻ mà cần quản lý sự phát triển của đô thị.

Song song với việc đưa ra khái niệm "quản lý sự phát triển của đô thị", các chuyên gia đưa ra nhận định Việt Nam thiếu hụt một đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm công tác quản lý phát triển đô thị.

Bà Nguyễn Hồng Thục cho rằng, phát triển đô thị trong thực tế đòi hỏi sự hợp tác của nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau như kiến trúc quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý môi trường, tài chính, luật... Thực tế đào tạo hiện nay về đô thị tại Việt Nam còn mang tính đơn ngành và hạn chế tiếp cận thực tế.

Với các lí do nêu trên, xét trong bối cảnh hiện nay, việc mở một chương trình đào tạo Thạc sĩ về Quản lí phát triển đô thị mang tính liên ngành là thật sự cần thiết. Chương trình này sẽ giúp tiếp cận các tư duy mới và hiện đại của Thế giới trong các vấn đề về đô thị, từ đó đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế của Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội thì 88% ý kiến từ những nhà tuyển dụng là các Viện nghiên cứu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Sở Xây dựng các tỉnh, các trường đại học, các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch cho rằng nhu cầu tuyển dụng nhân sự đối với ngành nghề Quản lý và phát triển đô thị hiện nay là đang cấp thiết.

Hiện nay, trên cả nước có nhiều trường đại học đào tạo bậc sau đại học (thạc sỹ và tiến sỹ) các chuyên ngành liên quan đến Quản lý đô thị. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình đào tạo Quản lý đô thị nói chung theo hình thức đơn ngành. Với nhu cầu về đào tạo thạc sỹ Quản lý đô thị ngày càng cao, đặc biệt là chương trình liên ngành Quản lý phát triển đô thị.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ nhiệm Khoa các khoa học liên ngành ĐH QGHN cho rằng, với thế mạnh của đại học đa ngành, ĐHQGHN có nhiều lợi thế trong việc phát triển các khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.

Chương trình Thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị của khoa Các khoa học liên ngành - ĐH QGHN được xây dựng và thiết kế với nền tảng kiến thức tổng hợp từ nhiều ngành học khác nhau như kiến trúc quy hoạch, quản lý đô thị, tài chính... nhằm giúp người học có được một nền tảng kiến thức tổng hợp.

Hồng Hạnh