Thiếu cử nhân ngành Công tác xã hội trong lĩnh vực y tế

(Dân trí) - Trong lĩnh vực y tế, nghề công tác xã hội (CTXH) có vai trò đặc biệt quan trọng để tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế. Tuy nhiên chưa có một trường ĐH nào đào tạo cử nhân ngành CTXH trong lĩnh vực y tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020. Đề án nhằm phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam làm cơ sở ban hành hệ thống các chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ, các ngạch viên chức của nhân viên CTXH.

Đề án đồng thời là cơ sở để đưa ra phương pháp, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực nhân viên CTXH từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong các lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề CTXH trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung cũng như trong lĩnh vực Y tế nói riêng.

Công tác xã hội là một ngành khoa học ứng dụng các lĩnh vực khác nhau như: Tâm lý học, Xã hội học, Nhân chủng học, Khoa học hành vi, Kinh tế học, Luật học… vào những hoạt động cụ thể với từng cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng để khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội.

Nhu cầu CTXH trong lĩnh vực y tế ngày càng cao

Trong lĩnh vực y tế, CTXH có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh, giữa người bệnh với cơ sở y tế…. Nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế có vai trò phổ biến các kỹ thuật, dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh để tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả dịch vụ CSSK cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và mắc các bệnh mạn tính.

Công tác xã hội là một nghề cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, hiện nay trong lĩnh vực y tế thì chưa có một trường ĐH nào đào tạo cử nhân ngành này
Công tác xã hội là một nghề cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, hiện nay trong lĩnh vực y tế thì chưa có một trường ĐH nào đào tạo cử nhân ngành này

Tại bệnh viện, nhân viên CTXH không chỉ là cầu nối giữa người bệnh và hệ thống dịch vụ của bệnh viện mà còn đóng vai trò quan trọng trong theo dõi, hướng dẫn hỗ trợ người bệnh về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sau điều trị.

Tại cộng đồng, nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả CSSK, đến với người dân ở mọi nơi, mọi lúc, nhằm khuyến khích người dân tích cực tham gia giải quyết những vấn đề sức khỏe bằng chính khả năng của mình và với các phương pháp thích hợp. Nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế có thể tham gia vào các hoạt động CSSK ban đầu tại cộng đồng như: sơ cấp cứu ban đầu, truyền thông, giáo dục, tham vấn về sức khỏe, đặc biệt giúp các nhóm đặc thù trong chăm sóc, phục hồi, nâng cao thể chất và tinh thần.

Ở Việt Nam, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khi mô hình bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, vai trò của cán bộ CTXH càng trở nên quan trọng ở cả 3 cấp độ tại bệnh viện, cộng đồng và tham gia xây dựng, thực hiện chính sách liên quan đến dự phòng và chăm sóc sức khỏe liên tục.

Trước năm 2010, tại Việt Nam một số mô hình tổ chức hoạt động CTXH trong bệnh viện và tại cộng đồng đã được hình thành như: phòng CTXH, phòng Chăm sóc khách hàng, tổ Từ thiện xã hội… thuộc bệnh viện hay nhóm công tác xã hội tham gia hỗ trợ người có HIV/AIDS, bệnh nhân tâm thần, giúp phục hồi chức năng tại xã/phường… Qua quá trình phát triển, nhu cầu cần sự hỗ trợ của nhân viên CTXH trong lĩnh vực Y tế đã thể hiện rõ ràng và ngày càng cao.

Vì vậy năm 2011, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2514 QĐ/BYT, ngày 15/7/2011 về đề án “Phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020” với mục tiêu hình thành và phát triển nghề CTXH trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề án cũng cụ thể hóa Quyết định số 32 /2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020, vào thực tiễn của ngành Y tế, góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong CSSK, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm quá tải cho bệnh viện, tăng sự hài lòng của người dân với hệ thống Y tế.

Đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực CTXH trong y tế

Với nhu cầu về nghề CTXH trong lĩnh vực y tế và định hướng của ngành, việc tham gia đào tạo loại hình này của các trường đại học trong ngành y tế là hết sức cấp thiết để đảm bảo nguồn nhân lực có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đặc thù của ngành và xã hội. Cho đến nay mặc dù đã có 22 trường đại học tham gia đào tạo cử nhân CTXH (như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Lao động và Xã hội…) nhưng hiện nay lại chưa có trường nào đào tạo nhân viên CTXH định hướng chuyên biệt lĩnh vực y tế.

Trước thực tế trên, Trường Đại học Y tế công cộng đang xây dựng đề án đăng ký mở mã ngành đào tạo cử nhân CTXH với định hướng làm việc trong lĩnh vực y tế, sau khi được phép, dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh vào năm học 2017-2018. Nếu được chấp thuận thì đây là trường ĐH đầu tiên đào tạo cử nhân CTXH định hướng chuyên biệt lĩnh vực y tế

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y tế công cộng cho biết: Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về CTXH và CSSK. Chương trình đào tạo này sẽ cung cấp nguồn nhân lực ở trình độ đại học có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, dịch tễ học; có kỹ năng nghề CTXH định hướng về hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, người khuyết tật; có kỹ năng phục hồi chức năng cơ bản tại cộng đồng; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, tự học và nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân nhân, trong đó trọng tâm vào nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương với những nhu cầu chăm sóc đặc thù. Sinh viên của nhà trường sẽ được trang bị các cách tiếp cận khác nhau để làm việc tốt trong lĩnh vực CSSK cộng đồng- từ các cơ sở CSSK ban đầu đến các bệnh viện và các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe ngoại trú cũng như phục hồi chức năng tại cộng đồng.

“Mục tiêu của chương trình là đảm bảo cho các cử nhân sau khi ra trường vừa tham gia trợ giúp cho việc quản lí và hỗ trợ điều trị bệnh nhân trong bệnh viện lại vừa hỗ trợ, tư vấn cho các cá nhân, nhóm và gia đình về các vấn đề sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) thường gặp ngoài cộng đồng” – PGS.TS Nguyễn Thanh Hương bày tỏ.

Nguyễn Hùng