Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Học sinh cuống cuồng ôn tập môn Lịch sử

(Dân trí) - “Hiện tại chưa có câu hỏi mẫu, chưa có đề thi minh họa và giới hạn chương trình ôn tập nên em đang loay hoay không biết phải bắt đầu ôn tập từ đâu”.

 Đó là chia sẻ của học sinh đang cố gắng ôn tập môn Lịch sử chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10 bậc học THPT công lập tới đây.

lop 9.jpg

Học sinh Hà Nội lo lắng ôn tập môn Lịch sử để thi vào lớp 10 (ảnh minh họa)

Sợ học thuộc lòng

Học sinh Nguyễn Ngọc Đức, trường THCS Thanh Xuân cho biết, việc học thuộc lòng các nội dung trong sách Lịch sử là quá khó vì có nhiều sự kiện, thời gian, địa điểm và cả ý nghĩa mỗi trận đánh chống xâm lược…. Em thấy khó nhất là những mốc thời gian các sự kiện hoặc ý nghĩa của trận đánh năm 1945, 1954, 1965, 1972, 1975… chúng đều na ná giống nhau khiến em luôn lẫn lộn “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Học sinh Trịnh Mai Quỳnh, THCS Đào Duy Từ cho rằng, dù môn Lịch sử được thi theo hình thức trắc nghiệm, em vẫn thấy sợ môn học này. Đơn cử như ở phần lịch sử Việt Nam, một chiến dịch chống Pháp có quá nhiều mốc thời gian cùng diễn ra trận đánh theo kiểu rạng sáng ngày 1/5, nửa đêm ngày 27/6…. Trong khi đó, mỗi câu hỏi có bốn đáp án lựa chọn, em không nhớ được phải chọn đáp án nào mới là đúng nhất.

“Em có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên, nên em thấy môn Lịch sử quá nhiều chữ và rất khó ghi nhớ. Các kiến thức dù đã được giảng dạy ở trên lớp nhưng em thấy đều không có chút ghi nhớ nào, cứ học trước rồi lại quên sau” – Quỳnh chia sẻ.

Cùng chung tâm lý như các bạn, em Lê Mai Hương, trường THCS Chu Văn An lo lắng, ngay sau khi biết được thông tin về môn thi thứ tư, cả nhà đã gấp rút tìm thầy, tìm lớp để chuẩn bị cho em theo học. Từ giờ đến lúc thi còn thời gian gần 3 tháng ôn tập, luyện đề, hi vọng em có thể học thuộc và ghi nhớ được hết các kiến thức Lịch sử.

Học sinh Lê Bá Dũng, trường THCS Nguyễn Văn Huyên cho biết, 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh đã được học và ôn tập theo “hình thức cuốn chiếu” từ đầu năm học nên không mấy lo lắng. Duy chỉ có môn thi thứ tư công bố muộn nên thời gian luyện đề không nhiều. Em thấp rất áp lực và sợ không đủ sức để đạt điểm xét vào trường công lập.

Đồng thời, hiện tại vẫn chưa có câu hỏi mẫu, chưa có đề thi minh họa và giới hạn chương trình ôn tập nên em vẫn đang loay hoay không biết phải bắt đầu học lại từ đâu. Em mong trường sẽ sớm có các lớp ôn luyện để chúng em có thời gian vượt qua môn “củ khoai” này.

Câu hỏi chủ yếu trong sách giáo khoa lớp 9.

Cô Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy thông tin, ngay từ đầu năm học, trường đã có kế hoạch dài hơi cho việc bồi dưỡng và ôn luyện kiến thức 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh nên không quá bỡ ngỡ trước phương án thi 4 môn. Đối với môn Lịch sử, sau khi nắm được công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội vào ngày 11/3, Ban Giám hiệu Nhà trường cùng các thầy cô giáo bộ môn gấp rút họp để đề xuất các phương án ôn tập cho học sinh ngay lật tức.

Cô Kim Anh cho biết thêm, nhìn chung yêu cầu về mặt kiến thức, kỹ năng cần có trong đề thi, câu hỏi đa phần năm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Đề thi không mang tính đánh đố thí sinh, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, một số ít là vận dụng cấp độ thấp; đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong sách giáo khoa bộ môn do Bộ GD&ĐT quy định.

Theo dự kiến ban đầu, câu hỏi trong đề thi Lịch sử chỉ tương đương với bài kiểm tra một tiết trên lớp, (45 phút) hoặc thi học kỳ trên lớp. Đó là những nội dung học được kiểm tra diễn ra hằng ngày, rất quen thuộc, không hề dàn trải, áp lực.

So với 3 môn còn lại, Lịch sử tuy không có nhiều thời gian để ôn tập, nhưng cũng vẫn nhẹ nhàng hơn; học sinh và phụ huynh đừng quá lực và tham gia đầy đủ các buổi ôn luyện tại trường là hoàn toàn đủ kiến thức để tham gia kỳ thi, cô Kim Anh chia sẻ.

Cô Đinh Kim Ngân, giáo viên Lịch sử đưa ra lời khuyên ôn tập cho các bạn học sinh, “các em cần có kế hoạch và thời gian biểu cụ thể mỗi ngày, cố gắng hiểu bài, nhớ những mốc thời gian chính, cốt lõi của từng sự kiện. Tránh tình trạng ngồi đọc sách mà không ghi chép lại nội dung chính và từ khóa của mỗi sự kiện, trận đánh sẽ dễ bị loạn giữa ngày, tháng, năm trong lịch sử với nhau.

Ngoài ra, nếu quá khó ghi nhớ, các bạn học sinh có thể làm theo mẹo học thuộc lòng là về sơ đồ tư duy sau mỗi bài học, ví dụ: trận đánh năm 1954 do ai chỉ huy, đánh bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu, tên của chiến dịch là gì, 4 ý nghĩa chính ra sao… phải rõ ràng, mạch lạc về kiến thức. Sau đó sẽ đọc và ghi chép lại nhiều lần, giúp các em ghi nhớ

Đồng thời, các em cần tăng cường luyện các dạng câu hỏi trắc nghiệm từ các tài liệu tham khảo, tốt nhất nên thắc mắc và hiểu bài ngay từ trên lớp. Hoặc có thể kết hợp xem các hình ảnh, video tài liệu trong các trận đánh lịch sử giúp các em có ấn tượng và hiểu được bản chất.

Quan trọng nhất, học sinh không nên vội vàng và áp lực, đây mà môn học cần sự kiên nhẫn và thoải mái khi tiếp nhận thông tin bài học. Kiến thức đa số đều nằm trong sách giáo khoa lớp 9 nên các em hoàn toàn đủ thời lượng để trang bị và dành điểm cao trong kỳ thi xét tuyển cuối cấp, cô Kim Ngân chia sẻ.

Hà Cường