Thí sinh thừa thời gian làm bài tổ hợp Khoa học xã hội

(Dân trí) - Đề thi tương đối dễ, thừa thời gian làm bài, tập trung vào chương trình lớp 12... là đánh giá của nhiều thí sinh sau khi kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi khảo sát THPT Quốc gia 2017.

Sáng 22/3, hàng chục nghìn học sinh lớp 12 của Hà Nội bước vào bài thi cuối cùng của kỳ thi khảo sát THPT quốc gia 2017 (do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức) gồm 3 môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Theo đó, thí sinh hoàn thành 3 môn thi trong 150 phút.

Giáo dục công dân, Địa lý: Áp dụng nhiều kiến thức thực tế

Ghi nhận tại một số điểm thi thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, phần lớn thí sinh đánh giá môn thi Giáo dục công dân tương đối dễ, áp dụng nhiều tình huống thực tế trong đời sống xã hội. “Câu hỏi thực tế chiếm khoảng 40 – 50% trong phần thi Giáo dục công dân.” - Em Phạm Thu Nga (lớp 12D1, THPT Nguyễn Tất Thành) cho biết.

Đề thi khảo sát môn Giáo dục Công dân của Hà Nội năm 2017
Đề thi khảo sát môn Giáo dục Công dân của Hà Nội năm 2017

Theo chia sẻ của nhiều thí sinh, cấu trúc đề thi Giáo dục công dân tương tự như phần ôn luyện trên lớp, các em không bị lúng túng khi làm bài. Em Nguyễn Minh Trang (lớp 12D3, THPT Cầu Giấy) chia sẻ: “Theo em đánh giá thì đề thi Giáo dục công dân dễ nhất trong 3 môn, kiến thức đều được học trên lớp. Nếu ôn chắc kiến thức thì kiểu gì cũng được 6 – 7 điểm trở lên. Em để ý thấy môn Giáo dục công dân và môn Địa lý bọn em làm thừa thời gian khá nhiều.”

Nhiều thí sinh tự tin bản thân làm bài khá tốt. EmVũ Vân Giang (THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “Em nghĩ mình làm được khoảng 80 – 90%.”

Tương tự như môn Giáo dục công dân, đề thi Địa lý được đánh giá có cấu trúc phù hợp với thời gian 50 phút, kiến thức tập trung chủ yếu trong chương trình lớp 12. Một thí sinh ở quận Cầu Giấy cho biết: “Đề Địa lý có khá nhiều câu biểu đồ ứng dụng thực tế. Em làm bài khá nhanh nên còn thừa thời gian.”

Thí sinh thừa thời gian làm bài tổ hợp Khoa học xã hội - 2

Lịch sử: Kiến thức rộng, có tính phân loại cao

Khác với 2 phần thi Địa lý và Giáo dục công dân, phần thi Lịch sử được các thí sinh cho rằng mặc dù bám sát chương trình THPT, kiến thức chủ yếu là lớp 12, tuy nhiên đề thi dài và khá khó. “Đề thi Lịch sử dài và hơi khó. Nhiều câu hỏi trong đề thi Lịch sử em biết ở phần nào, nhưng các đáp án hơi nhiễu nên em bị rối nhiều.” –Em Phạm Thu Nga (THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ thêm.

Thí sinh thừa thời gian làm bài tổ hợp Khoa học xã hội - 3

Môn Lịch sử cũng không sử dụng nhiều câu hỏi mang tính đời sống xã hội. Một số câu trong đề thi đòi hỏi thí sinh phải liên kết các kiến thức đã học lại với nhau, có tính phân loại cao. “Chỉ có một vài câu áp dụng kiến thức thực tế. Có những câu đòi hỏi phải liên hệ kiến thức từ các năm trước, kiến thức từ bên ngoài xã hội nên khá khó.” –Vũ Vân Giang (THPT Nguyễn Tất Thành) cho hay.

Em Đinh Phạm Linh Chi (THPT Cầu Giấy) cũng đưa ra ý kiến tương tự: “Em nghĩ bạn nào chăm chỉ và chú ý thì đề thi cũng không khó. Môn Sử có kiến thức hơi rộng một chút. Đề thi đưa nhiều câu hỏi về sự kiện mà nhiều cái em không nhớ được.”

Huyền Vũ