Thí sinh khiếu nại, ĐH Luật Hà Nội phải gửi giám định chữ viết

(Dân trí) - Thừa điểm đỗ trong đợt thi tuyển sinh cao học của trường ĐH Luật Hà Nội nhưng lại không có tên trong danh sách trúng tuyển, thí sinh T.T.Phương đã khiếu nại lên nhà trường và nghi ngờ có điều gì khuất tất. Để chứng minh kết luận của mình đúng, Trường ĐH Luật Hà Nội đã phải gửi bài thi của thí sinh này đi giám định chữ viết.

Lần đầu tiên, Trường ĐH Luật Hà Nội phải gửi giám định chữ viết của thí sinh
Lần đầu tiên, Trường ĐH Luật Hà Nội phải gửi giám định chữ viết của thí sinh.

Thừa điểm đỗ nhưng lại không đỗ?

Mới đây, báo Dân trí đã nhận được đơn khiếu nại của thí sinh T. T. Phương ở Hà Nội phản ánh: Thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học luật khóa 22 diễn ra vào các ngày 29, 30, 31/8/2014 tại Trường ĐH Luật Hà Nội ngành thi Luật Dân sự và Tố tụng dân sự.

Ngày 8/10/2014, Trường ĐH Luật Hà Nội đã công bố điểm thi của thí sinh trên trang web và thí sinh T. T. Phương được tổng điểm 12.00.

Ngày 24/10/2014, trường công bố quyết định trúng tuyển cao học Luật Khóa 22 kèm theo danh sách trúng tuyển. Điểm trúng tuyển vào Khoa Luật Dân sự và Tố tụng dân sự lấy mức điểm trúng tuyển từ 11.50 điểm trở lên.

Danh sách trúng tuyển Ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự có 62 thí sinh, tuy nhiên lại không có tên thí sinh T.T. Phương.

Thí sinh T. T. Phương cho biết: “Đối chiếu với điểm số của tôi thì tôi phải có tên trong danh sách trúng tuyển của trường. Tôi đã gửi đơn khiếu nại 2 lần đến trường và các cơ quan ban ngành để xem xét, giải quyết nhưng không được trả lời chính thức. Tôi cảm thấy sự việc đang bị một số người cố tình ỉm đi và trường ĐH Luật Hà Nội vẫn chưa cho tôi câu trả lời thỏa đáng. Nhà trường công bố điểm của tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng có nghĩa là đã thừa nhận kết quả của tôi trong kỳ thi do nhà trường tổ chức. Vậy lý do gì khiến nhà trường gạt tên tôi khỏi danh sách trúng tuyển?”.

Nguyên nhân vì sao?

Vậy, nguyên nhân vì sao thí sinh T. T. Phương thừa điểm trúng tuyển nhưng lại không được trúng tuyển?

Chiều ngày 15/12, trong buổi làm việc với báo chí về sự việc trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyến, khoa Sau đại học - Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: “Quy trình của trường là sau khi có kết quả thi sẽ công bố điểm cho thí sinh. Sau đó trường mới xác định điểm trúng tuyển. Khi xác định được điểm trúng tuyển, bộ phận chuyên môn đã rút bài thi của thí sinh trúng tuyển để kiểm tra. Đối với trường hợp thí sinh T. T. Phương, ngay khi so sánh chữ viết trong bài thi môn chuyên ngành với chữ viết trong phần thi tự luận của môn ngoại ngữ, cán bộ nhà trường đã thấy có sự khác biệt.

Vì quyền lợi của thí sinh và cần có sự công bằng, khách quan cho các thí sinh khác. Ngày 20/10/2014 (trước khi công bố điểm trúng tuyển trên trang web của nhà trường), trường đã mời thí sinh Phương đến trường làm việc.

Tại buổi làm việc này, thí sinh Phương được yêu cầu viết một đoạn văn bằng Tiếng Việt và một đoạn văn bằng Tiếng Anh để so sánh với mẫu chữ viết trong các bài thi.

Tuy nhiên, thí sinh Phương chỉ viết một đoạn Tiếng Việt, sau đó đã từ chối không tiếp tục viết phần Tiếng Anh với lý do: Em viết được nhiều kiểu chữ tùy thuộc vào tâm trạng. Em đến chưa được báo trước lý do nên có cảm giác như bị ép cung. Em vừa đi công tác về và đang có một cuộc họp quan trọng nên tâm trạng không tốt, chỉ viết được một kiểu chữ.

Bên cạnh đó, do không được báo trước lý do nên em không hề chuẩn bị trước để tự bảo vệ mình. Nếu trường có sự nghi ngờ thì tại sao không chọn một phương thức kiểm tra khác. Em khẳng định em là người làm các bài thi, trường tổ chức thi rất chặt chẽ, không thể có sự trà trộn vào buổi thi. Nếu trường có sự nghi ngờ thì em sẽ không bất mãn, không có ý kiến gì khi trường hủy kết quả thi”.

Cũng theo biên bản làm việc ngày 20/10 này, Tiến sĩ Nguyễn Phương Lan, phòng Thanh tra của trường nói với thí sinh Phương: Em có thể không ký biên bản. Trường cho em quyền chứng minh mình không có gì khuất tất trong quá trình thi nhưng nếu em không thực hiện, đó là sự từ chối thực hiện quyền của mình. Nếu thí sinh không chấp nhận, trường sẽ làm thủ tục gửi công an giám định chữ viết.

Tôi đề nghị đưa ra họp Hội đồng tuyển sinh, trường không có sự quy chụp hay ép cung. Đồng thời, trường cho thí sinh một cơ hội nữa là chứng minh bảo vệ mình là viết ngay tại Hội đồng tuyển sinh”.

Tuy nhiên, thí sinh Phương không đồng ý với biện pháp nhà trường đưa ra và không ký vào biên bản làm việc với Thanh tra trường và lãnh đạo khoa Sau đại học của ĐH Luật Hà Nội.

Bên cạnh đó, trong các đơn khiếu nại của mình đến các cơ quan chức năng, thí sinh T. T. Phương cũng không thông tin buổi làm việc quan trọng này giữa nhà trường với thí sinh.

Kết quả giám định chữ viết của Viện Khoa học hình sự - Tổng Cục Cảnh sát
Kết quả giám định chữ viết của Viện Khoa học hình sự - Tổng Cục Cảnh sát.

Giám định chữ viết hoàn toàn khác nhau

Trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 15/12, ông Nguyễn Văn Tuyến - khoa Sau đại học của trường cho biết: Sau buổi làm việc với thí sinh, nhà trường đã phải gửi công văn tới Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nghị giám định chữ viết, với tài liệu cần giám định là bài thi môn Tiếng Anh (ký hiệu A) của thí sinh trần Thị Phương, với tài liệu mẫu so sánh là bài thi môn Luật Dân sự (ký hiệu M1) và bản chữ viết tay (ký hiệu M2) của Trần Thị Phương.

Ngày 11/12, trường đã nhận được công văn của Viện Khoa học hình sự, công văn số 3424/C54(P5) ký ngày 11/12/2014, trả lời về kết quả giám định.

Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự: “Chữ viết tại phần “Bài làm” trên tài liệu cần giám định ký hiệu A so với chữ viết trên các tài liệu mẫu so sánh ký hiệu M1, M2 không phải do cùng một người viết ra”.

Ông Nguyễn Văn Tuyến cho hay: “Căn cứ vào kết quả trên, nhà trường sẽ có công văn thông báo cho thí sinh T. T. Phương và các cơ quan liên quan, cũng như đơn vị thí sinh này công tác. Việc xử lý sẽ theo quy định của pháp luật”.

Theo Quy chế Đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành, về xử lý vi phạm trong tuyển sinh quy định rõ: Thí sinh dự thi trong kỳ thi tuyển sinh có hành vi vi phạm quy chế, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành. Thí sinh sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo.

Hồng Hạnh

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!