Thí sinh giỏi ở Trung Quốc chuộng ngành Quản lý, Kỹ thuật và Kinh tế

(Dân trí) - Số liệu thống kê cho thấy những thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc thường học các ngành liên quan đến Quản lý, Kỹ thuật và Kinh tế.

Theo báo cáo của Mạng lưới Cựu học sinh Trung Quốc, qua phân tích hơn 3.000 thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc từ năm 1952 đến 2014, có tới 68,63% chọn những ngành có sức cạnh tranh cao và mang lại tiền bạc nhiều nhất.

"Hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở những thí sinh giỏi nhất kể từ đầu thế kỷ 21. Quản lý là ngành học ưa thích của các em”, bản báo cáo nhấn mạnh.
 
Một thí sinh ở Giang Tô (Trung Quốc) trình thẻ dự thi trước khi vào phòng thi ngày 7/6/2015.
Thí sinh dự thi đại học năm 2015 ở Trung Quốc.

Jiang Guohua, giám đốc ủy ban học thuật của Mạng lưới Cựu học sinh Trung Quốc (diễn đàn trực tuyến cho các cựu học sinh trao đổi), cho rằng hiện tượng này không khó hiểu khi ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia và ngân hàng quốc tế đổ xô đến Trung Quốc sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.

"Những công ty và doanh nghiệp này đưa ra rất nhiều cơ hội việc làm lương cao và thu hút một lượng lớn nhân tài của Trung Quốc, trong đó có những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học", Jiang, đồng thời là nhà nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, nhận định.

Trong khi đó, những ngành ít hấp dẫn hơn, "học thì mất sức hơn nhưng không có triển vọng tươi sáng để kiếm việc lương cao" như lịch sử, giáo dục, triết học và văn học, thì rất ít được lựa chọn bởi những thí sinh đạt điểm cao nhất.

Nhà nghiên cứu Jiang nói rằng những thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học phản ánh danh tiếng và độ cạnh tranh của các trường đại học và các chuyên ngành ở Trung Quốc. Theo đó, những ngành mà các thí sinh giỏi lựa chọn thường là những ngành được ưa chuộng nhất ở Trung Quốc.

Bản báo cáo cũng phân tích việc làm và thu nhập của nhóm thí sinh giỏi này, qua đó cho thấy nhóm này thường có việc lương cao hơn so với những thí sinh đạt điểm thấp hơn.

Tuy nhiên, điều hành doanh nghiệp và gia nhập giới chính trị gia không phải là thế mạnh rõ nhất ở nhóm thí sinh điểm cao. Các em nổi trội về mặt học thuật.

"Một số thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học sau đó cũng mở công ty của mình và trở thành tỷ phú, nhưng không ai trong số này nằm trong danh sách những tỷ phú lớn của quốc tế và trong nước" - nhận định của nhà nghiên cứu giáo dục đại học Cai Yanhou. Ông cũng cho biết không ai trong số các thí sinh điểm cao trở thành các quan chức nhà nước như là bộ trưởng hoặc tỉnh trưởng. Các thí sinh giỏi này thường làm rất tốt trong các lĩnh vực văn học, truyền thông, luật và tài chính.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Jiang Guohua tin rằng đây cũng là xu hướng chung của các thí sinh giỏi trên thế giới, bởi vì "việc nắm vững kiến thức, điều là thế mạnh của các thí sinh giỏi, thường không hỗ trợ nhiều trong việc tạo của cải hay thăng tiến trong hệ thống chính trị, bởi những lĩnh vực này đòi hỏi các kỹ năng khác nữa để thành công ".

Xuân Vũ
Theo China Daily