Thí sinh cẩn trọng với điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường tốp trên

(Dân trí) - Nhiều trường đại học tốp trên thông báo ngưỡng điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT 15,5 hoặc hơn 1 chút. Tuy nhiên, thí sinh không nên vội mừng mà hết sức cẩn trọng bởi theo nhiều chuyên gia ngưỡng điểm này không có giá trị đối với các trường đó.

Không coi trọng điểm nộp hồ sơ xét tuyển

Với các năm trước, thí sinh bị giới hạn nguyện vọng, do đó các trường đặt ra mức điểm xét tuyển để thí sinh điểm thấp không nộp vào, giúp thí sinh có lựa chọn trường phù hợp với năng lực của mình.

Năm nay thì ngược lại, thí sinh được thoải mái lựa chọn nguyện vọng, ngành, trường để đăng ký nên việc gia ngưỡng điểm nhận hồ sơ là không cần thiết. Bởi việc trúng tuyển không phụ thuộc vào nguyện vọng mà phụ thuộc vào điểm của thí sinh.

Chính vì lẽ đó, năm nay hàng loạt trường đại học tốp trên như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Khoa Vinh, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.TP.HCM, ĐH Hà Nội... thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ 15,5 bằng điểm điểm sàn của Bộ, trong khi đó, các năm trước điểm chuẩn vào các trường này đều trên 20 điểm.

Tương tự, với trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng... đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ ngưỡng 18 điểm nhưng mức điểm này vẫn kém xa mức điểm chuẩn hàng năm của trường từ 3- 4 điểm.

PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, các trường tốp trên không đặt ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ cao vì đối với họ điểm đầu vào không quan trọng, bên cạnh đó, các trường không muốn làm rối loạn điều chỉnh nguyện vọng của học sinh vì nếu dâng điểm xét tuyển nộp hồ sơ lên thí sinh điều chỉnh nhiều.

Tuy nhiên, ông Lập lưu ý với các thí sinh, điểm thi năm nay cao hơn năm trước. Các em không nên chủ quan và nên đặt thêm nguyện vọng ở các trường hàng năm có mức điểm chuẩn thấp hơn mức điểm hiện có của mình thì mới có khả năng đỗ.

"Các em không nên nhìn vào điểm nhận hồ sơ mà phải căn cứ vào điểm chuẩn năm trước trường đó đã tuyển. Chứ không phải thấy điểm thi của mình năm nay cao mà cứ đăng ký vào trường tốp đầu thì sẽ dễ trượt" - ông Lập chia sẻ.

Đối với các trường hàng năm không tuyển đủ thí sinh, theo ông Lập, với cách tuyển sinh năm nay càng khó hơn vì thí sinh thường nhìn nhận vào thương hiệu và uy tín của trường để đăng ký vào, thậm chí trường đó xét tuyển thêm cả bằng học bạ. Bên cạnh đó, nhiều em không muốn học đại học vì khó khăn trong tìm việc và mức học phí 4 năm cũng khá lớn.


Thí sinh cần cân nhắc kỹ trong việc thay đổi nguyện vọng

Thí sinh cần cân nhắc kỹ trong việc thay đổi nguyện vọng

Nên đưa "điểm sàn" nhận hồ sơ sát với điểm chuẩn dự kiến

Còn TS. Nguyễn Hoàng Long, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải cho biết, việc xác định điểm trúng tuyển là quyền của từng trường trên cơ sở ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT công bố.

Việc các trường công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng tối thiểu của mình là cần thiết nhất là các trường tốp trên vì điều này sẽ tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp với điểm số có được tránh "ảo tưởng", "kỳ vọng" vượt sức.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, các trường tốp trên nhận mức điểm hồ sơ đăng ký bằng điểm sàn của Bộ cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường tốp giữa. Nếu các trường tốp trên đưa ra "điểm sàn" đăng ký phù hợp, sát với điểm chuẩn dự kiến cũng là điều kiện tốt giúp định hướng cho thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp. Các trường tốp giữa, tốp dưới cũng có cơ sở hơn để xác định nguồn tuyển cho mình. Đây là điều mà các cơ quan quản lý và thí sinh mong muốn. Bên cạnh đó, các trường cũng khẳng định trách nhiệm của mình trong mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực.

Chính vì vậy, ông Long lưu ý các thí sinh cần xem điểm chuẩn năm 2016 của các trường, ngành để lựa chọn nguyện vọng phù hợp. Nếu thí sinh có điểm số chênh khoảng 0,5 điểm so với điểm chuẩn năm 2016 của trường, ngành yêu thích thì nên để ưu tiên trên cùng.

Thí sinh chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng ưu tiên cao nhất

Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay đưa ra mức điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển cao hơn năm trước là 18 điểm. Theo lãnh đạo nhà trường, thí sinh phải đạt mức điểm trên 20 mới có khả năng đỗ vào trường.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, năm nay do thí sinh được đặt nguyện vọng tùy thích, xét theo điểm và xét tập trung nên điểm sàn chỉ có ý nghĩa chung chứ với từng trường, nhất là trường tốp trên không có ảnh hưởng, trường tốp giữa, tốp dưới cũng vậy.

Ông Triệu khuyên thí sinh cứ đặt nguyện vọng theo nguyên tắc ruộng bậc thang chia thành 3 nhóm: nguyện vọng cao, nguyện trung bình, nguyện vọng thấp là dễ đỗ nhất.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí &Kiểm định chất lượng - Bộ GD&ĐT cho biết, phương án xét tuyển năm 2017 cho phép thí sinh đăng ký không hạn chế số nguyện vọng, nhưng phải xếp sắp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống và trường hợp thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào nhiều nguyện vọng, cũng chỉ được quyền vào học ngành có nguyện vọng với thứ tự ưu tiên cao nhất. Chính vì vậy các em phải cân nhắc kỹ khi xác định thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển và khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Ông Trinh cho hay, phương thức xét tuyển bằng học bạ (bằng kết quả học tập ở THPT) và xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia được thực hiện độc lập với nhau. Do vậy, thí sinh đồng thời có thể đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi và xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, em cần lưu ý, nếu đã nhập học và nộp cho trường Giấy chứng nhận kết quả thi, sẽ không được tiếp tục tham gia xét tuyển.

Hồng Hạnh