Thi 2019: Trường ĐH Hà Nội sẽ có hệ thống bài thi riêng, xét tuyển riêng nếu thấy cần thiết

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cho biết, ủng hộ quan điểm đổi mới cách ra đề thi THPT của Bộ GD&ĐT trong năm 2019, về cơ bản trường vẫn sử dụng kết quả thi này nhưng trường cũng sẽ có bài thi riêng, xét tuyển riêng nếu thấy cần thiết.


PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội

Phóng viên: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi năm 2019 không phục vụ kỳ thi “2 trong 1” như các năm vừa qua mà mục đích chính để xét tốt nghiệp. Đề thi sẽ hướng đến việc đánh giá được kết quả học tập ở mức độ phổ thông của học sinh của 12 năm học tập. Là trường đang thực hiện tự chủ, vậy trong năm 2019, Trường ĐH Hà Nội có tiếp tục lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay dự kiến có hình thức xét tuyển mới thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Trào: Hiện, trường chưa nhận được văn bản chính thức của Bộ GD&ĐT quyết định về kỳ thi chỉ dành để xét tốt nghiệp hay sẽ tiếp tục theo 2 mục đích như mọi năm.

Trước tiên, quan điểm của trường hoàn toàn ủng hộ Bộ GD&ĐT nếu chủ trương đó được ban hành và thực sự thấy cần thiết chỉ để xét tốt nghiệp. Còn việc đề thi sẽ không phục vụ mục đích để các trường lấy điểm xét tuyển đầu vào thì các trường sẽ có những biện pháp cụ thể riêng trước phương án này.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu đề thi chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp thì các câu hỏi sẽ giảm tính khu biệt và phân loại thí sinh, như vậy các trường rất khó để xác định được thí sinh nào phù hợp với trường mình.

Trường Đại học Hà Nội là một trường tự chủ và được tự chủ trong tuyển sinh. Trong năm 2019, nếu thấy cần thiết, trường sẽ có những biện pháp xét đầu vào như xây dựng hệ thống bài thi riêng, xét tuyển riêng…nhưng trường vẫn rất coi trọng điểm xét tốt nghiệp, đó là một nguồn số liệu tham khảo tốt, phản ánh đúng chất lượng học của các em ở bậc THPT.

Tôi thấy, cho đến nay, phần lớn các trường đại học lấy thí sinh từ phương thức này đều vẫn hài lòng về chất lượng. Nhưng để chọn được các thí sinh có lực học tốt nhất, nhà trường xem xét đào tạo dựa trên 3 yếu tố: chất lượng đầu vào của thí sinh, chất lượng trong đào tạo và chất lượng chuẩn đầu ra đối với sinh viên toàn trường. Nếu đầu vào tốt thì dĩ nhiên cả 2 khâu còn lại sẽ tốt. Ngược lại, đầu vào chưa tốt thì cần đẩy mạnh 2 khâu sau, giúp cho sinh viên và nhà trường đạt được ngưỡng đảm bảo của Bộ GD&ĐT.

Phóng viên: Sau nhiều năm sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển. Vậy nhà trường có làm khảo sát đánh giá chất lượng thí sinh đầu vào sau khi nhập trường, nhất là đối với môn ngoại ngữ không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Trào: Để đỗ vào trường ĐH Hà Nội thì riêng đối với môn ngoại ngữ yêu cầu học sinh phải có năng lực tốt nhất trong các môn tổ hợp vì đây là môn nhân đôi điểm. Bên cạnh đó, đây cũng là môn học chính đánh giá năng lực thế mạnh của từng em suốt chặng đường đại học.

Do đó, bốn năm tuyển sinh vừa qua theo kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường rất hài lòng với kết quả xét tuyển. Chất lượng đầu vào các thí sinh rất tốt, thể hiện qua các khảo sát thường niên, khảo sát kiểm định và khảo sát riêng của trường.

Kết quả các thí sinh theo học ở trường đều đạt tỷ lệ khá, giỏi luôn ở tỷ lệ cao, đáp ứng được đủ yêu cầu theo học và đạt chuẩn đầu ra; tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm và số lượng sinh viên sau khi ra trường kiếm được việc làm luôn duy trì ở mức cao.


Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh vào trường ĐH Hà Nội tại ngày hội tuyển sinh

Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh vào trường ĐH Hà Nội tại ngày hội tuyển sinh

Phóng viên: Trong các kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, môn ngoại ngữ có điểm số thấp nhất so với mặt bằng chung. Trong khi đó, đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã triển khai nhiều năm nay. Vậy, theo ông, đề án đó có tác động ra sao đến công tác giảng dạy và vấn đề điểm thấp nằm ở đề thi hay nằm ở phương thức dạy học của các trường THPT?

PGS.TS Nguyễn Văn Trào: Tôi cho rằng, phổ điểm ngoại ngữ trong kì thi THPT quốc gia trong nhiều năm qua đều thấp, đã không làm cho xã hội thỏa mãn.

Về mặt đề thi, mục đích đã rất rõ ràng, để đánh giá xét tốt nghiệp cho học sinh, đề thi phải bao quát được toàn bộ kiến thức các em được học ở bậc phổ thông. Vậy, không thể nói đề thi có vấn đề.

Đồng thời, đề thi là tập hợp chuyên môn từ các chuyên gia, các thầy cô trực tiếp giảng dạy ở bậc phổ thông, gọi chung là công trình trí tuệ tập thể cho nên càng không có lí do gì để nói đến đề thi trong chuyện này.

Đối với phương thức đào tạo, chất lượng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, yếu tố nguồn lực là rất quan trọng. 63 tỉnh, thành phố trên cả nước mỗi nơi một điều kiện, trình độ khác nhau, như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái… không thể so với Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM được.

Cho nên, các nhà làm chính sách, hãy có chính sách phù hợp hơn để hoạt động dạy tiếng Anh ở các vùng khó khăn được nâng cao, đạt chuẩn ngang bằng với các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, để đánh giá Đề án phổ cập ngoại ngữ quốc gia 2020 mang tầm cỡ lớn, ảnh hưởng tới tất cả đối tượng trong xã hội thì phải đánh giá theo quy trình.

Một đề án có sức sống trong 5 năm, thì phải 5 năm tiếp theo mới quay lại đánh giá được kết quả. Hiện nay, quy trình của đề án vẫn chưa kết thúc nên chúng ta chưa thể đánh giá đúng vào lúc này.

Nếu đánh giá theo góc độ khoa học thì vẫn còn hơi sớm, nhưng nếu đánh giá trên góc độ người làm nghề thì tôi cho rằng, hiệu ứng của đề án đã nâng cao tầm quan trọng của ngoại ngữ trong nhận thức của hầu hết người dân Việt Nam.

Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi đúng quỹ đạo và đạt được những thành tựu ban đầu, chúng ta cũng không nên quá nôn nóng vì đây mới ở giai đoạn đầu. Đề án còn rất dài, tác động đến nhiều các đối tượng khác trong xã hội. Tôi tin vào sự thành công của đề án trong tương lai.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh