Thế hệ trẻ và những kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu

(Dân trí) - Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và toàn cầu đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho thế hệ trẻ. Để biến thách thức thành cơ hội, học sinh - sinh viên Việt Nam cần phải trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Cơ hội việc làm lớn từ hội nhập toàn cầu

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các nhiều cam kết, hiệp định đã mở ra cơ hội việc làm lớn cho lực lượng lao động trong nước. Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam, tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),... các định chế quốc tế sẽ thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, công nghệ và lao động, nhất là lao động có kỹ năng sẽ có cơ hội di chuyển trong thị trường lao động của khối AEC. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…là những công cụ quan trọng cho việc tự do di chuyển lao động chất lượng cao trong khu vực.

Thế hệ trẻ và những kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu - 1

Học sinh - sinh viên Việt Nam cần được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để trở thành công dân toàn cầu

Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn cũng tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm tốt cho lao động Việt. Ngoài ra, xu hướng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang vươn mình ra thế giới để khai thác thị trường mới ở các quốc gia đang phát triển cũng đòi hỏi nguồn nhân lực Việt chất lượng cao, có thể đáp ứng được yêu cầu công việc ngoài biên giới Việt Nam.

Tuy vậy, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016, chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) trong khi một số nước trong khu vực như Malaysia là 5,59/10, Thái Lan là 4,94/10; Việt Nam đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng rất thấp như năng lực cạnh tranh 4,3/10, xếp hạng 56/133 nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ trong năm 2015 chỉ đạt 20,3%. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

Là người không ngừng nỗ lực đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định trong một buổi tọa đàm gần đây :“Nếu thế hệ trẻ có được kỹ năng tiếng Anh cùng kiến thức CNTT vững chắc thì chắc chắn sẽ hiện thực hóa được rất nhiều khát vọng. Chúng ta sẽ làm được nếu thực hiện tốt ngay từ bây giờ.”

Cần trang bị kỹ năng “vàng” ngay từ bây giờ

Là đại diện chính thức của nhiều tổ chức giáo dục hàng đầu trên thế giới, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch IIG Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, để hội nhập quốc tế, Ngoại ngữ là một phương tiện rất quan trọng và Tin học là một công cụ không thể thiếu. Có nhiều cách để trở thành công dân toàn cầu, nhưng sở hữu những năng lực đạt chuẩn quốc tế là một trong những cách nhanh nhất.”

Nhằm giúp học sinh - sinh viên Việt Nam trang bị kỹ năng ngoại ngữ - một hành trang cần thiết để trở thành công dân toàn cầu tương lai, IIG đã đồng hành cùng nhiều trường phổ thông và đại học chuẩn hóa trình độ tiếng Anh quốc tế. Nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng bài thi tiếng Anh Quốc tê TOEIC làm chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, TOEIC cũng được nhiều doanh nghiêp lớn trên cả nước sử dụng làm chuẩn đánh giá kỹ năng tiếng Anh của các ứng viên cũng nhưng đánh giá và đề bạt nhân viên, cử nhân viên đi công tác và làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng tiên phong đưa Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (MOS World Championship- MOSWC) về Việt Nam. Cùng với sự đồng hành của nhiều bộ ngành, của TW Đoàn, của Tập đoàn Viettel trong 10 năm qua, MOSWC đã trở thành một trong những hoạt động thúc đẩy phong trào học tập tin học trong hệ thống nhà trường (THPT, CĐ, ĐH) theo chuẩn quốc tế; qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động hội nhập. Hiện nay, nhiều trường ĐH lớn đã dùng chứng chỉ MOS (Microsoft Office Specialist) làm chuẩn đầu ra cho sinh viên, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng sử dụng MOS để tuyển dụng và đánh giá nhân viên.

Thế hệ trẻ và những kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu - 2
Đoàn học sinh, sinh viên tham dự cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới – Viettel 2019 (MOS World Championship- Viettel 2019)

Là doanh nghiệp đồng hành với cuộc thi ngay từ những năm đầu tiên, đại diện Viettel chia sẻ: “ Viettel là một Tập đoàn đang mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra thế giới. Và chúng tôi rất hiểu ý nghĩa của việc trở thành một công dân toàn cầu, đó là các em đang mở rộng cơ hội của mình trong công việc và cuộc sống. Với các chứng chỉ được công nhận trên toàn cầu, các em có thể sống và làm việc ở bất kỳ đâu.”

Như vậy từ những thử thách cũng như cơ hội rộng mở của thị trường lao động thời kỳ hội nhập, thế hệ trẻ Việt Nam cần phải trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết, đặc biệt là các kỹ năng được chuẩn hóa trên toàn cầu. Những hành trang này không chỉ giúp thế hệ trẻ Việt nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, mà còn mở ra con đường để các em trở thành công dân toàn cầu, có cơ hội làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.