Quảng Bình:

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn

(Dân trí) - Giữa cái nắng như đổ lửa, các thầy giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy đã tìm mọi cách để có nguồn nước sinh hoạt cho học sinh, thậm chí đào giếng ngay giữa khe để tìm nước ngầm.

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy là ngôi trường nằm trên địa bàn một xã thuộc vùng rẻo cao biên giới phía Tây huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, đời sống còn nhiều khó khăn.

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn - 1

Nắng hạn khiến nhiều khe, suối cạn khô, trơ đáy.

Thời gian vừa qua, nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến tình trạng nhiều khe suối trên địa bàn trơ đáy, khô hạn kéo dài khiến người dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Nhiều hộ gia đình tại xã Lâm Thủy đã phải lặn lội đi hàng cây số để xách từng can, từng xô nước từ suối xa về nhà. Việc thiếu nước cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn ở của hàng trăm học sinh nội trú trên địa bàn xã.

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn - 2

Việc thiếu nước gây ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn ở của hàng trăm học sinh nội trú trên địa bàn xã.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lâm Thủy cho biết, toàn trường hiện có 400 em học sinh, trong đó hơn một nửa là học sinh nội trú. Những năm trước, thời điểm này học sinh đã nghỉ hè, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh vẫn lên lớp.

Không chỉ căng mình giữa cái nắng như đổ lửa để theo đuổi con chữ, học sinh dân tộc tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy còn đối diện với tình cảnh không có nước.

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn - 3

Các thầy giáo đào giếng giữa lòng suối để tìm nước ngầm.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước, các thầy cô giáo và cả phụ huynh của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy đã tìm mọi cách để cố gắng dẫn nước từ các con suối về khu nội trú cho các em sử dụng.

Tuy nhiên thời điểm này, các con suối gần như đã khô hạn, trơ đáy. Những con suối ở bản Xà Khía, nguồn nước cung cấp cho Trường Lâm Thủy đã cạn kiệt chỉ còn lại những vùng nước đọng không đảm bảo vệ sinh.

Để có nước phục vụ sinh hoạt bán trú, các thầy cô nhà trường phải vượt rừng tìm những khe suối còn nước rồi xách từng can về trường sử dụng, đồng thời hướng dẫn các em học sinh ra các khe suối còn nước để tắm, giặt.

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn - 4

Qua nhiều ngày căng mình giữa nắng nóng liên tục đào bới, lắp vòi, cuối cùng niềm vui cũng đã đến với thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy khi đào được mạch nước ngầm.

“Các năm trước thì thời điểm này học sinh đã nghỉ hè nên trường ít gặp tình cảnh thiếu nước, tuy nhiên năm nay học sinh học muộn, đúng lúc nắng hạn nên nước từ suối không đủ cho nhu cầu của hàng trăm học sinh và thầy cô”, thầy Hiển cho hay.

Nhận thấy việc xách nước từ suối xa về trường vất vả, mặt khác lượng nước xách được quá ít so với nhu cầu của học trò, các thầy giáo của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy đã quyết định cùng nhau đào giếng giữa lòng suối gần trường để tìm nước ngầm.

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn - 5

Những dòng nước từ giếng được lắp máy bơm đưa thẳng về bể của học sinh như xoa dịu cơn khát cháy bỏng bấy lâu nay.

Để có giếng nước, các giáo viên ra suối chọn chỗ đất trũng, ít đá lộ thiên với hy vọng có mạch nước hoặc nước từ những vũng nước còn sót lại sẽ ngấm vào, đất đá xung quanh giếng sẽ lọc bỏ đi phần nào những chất bẩn.

Qua nhiều ngày căng mình giữa nắng nóng liên tục đào bới, lắp vòi, cuối cùng niềm vui cũng đã đến với thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy khi đào được mạch nước ngầm. Những dòng nước từ giếng được lắp máy bơm đưa thẳng về bể của học sinh như xoa dịu cơn khát cháy bỏng bấy lâu nay.

Nước được bơm về bể của trường với dung tích gần 50m3 để sử dụng. Để đảm bảo nguồn nước được sử dụng một cách hợp lý, thầy cô giáo đã phổ biến, tuyên truyền với các em học sinh việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn - 6
Thầy trò vùng cao chật vật tìm nước sinh hoạt giữa mùa hạn - 7

Giếng đào giữa lòng suối phần nào giải quyết được tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt cho học sinh bán trú.

“Trong cái khó, ló cái khôn”, cách làm của giáo viên trường Lâm Thủy sẽ là giải pháp cho các hộ dân ở xã Lâm Hóa và nhiều nơi khác trước tình trạng thiếu nước đang diễn ra.

Ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho biết, địa phương này hiện có gần 400 hộ với trên 1.600 nhân khẩu, tất cả nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc vào gần 10 khe, suối trên địa bàn. Tuy nhiên hiện giờ nước khe, suối đã cạn. Về lâu dài UBND xã Lâm Thủy cũng như nhà trường rất mong muốn lãnh đạo cấp trên quan tâm nguồn nước cho bà con cũng như là học sinh trên địa bàn.

Tiến Thành