Thừa Thiên - Huế:

Thầy trò kêu cứu vì phải học trong ngôi trường chống kèo cột chờ thanh lý

(Dân trí) - Cơ sở 1 của Trường THCS Lăng Cô trên quốc lộ 1A (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) dù đã xuống cấp nghiêm trọng và đã được UBND tỉnh TT-Huế đưa vào diện thanh lý, nhưng do không có chỗ di dời mà thầy trò vẫn phải học nơi đây.

Năm 2013, cơ sở 1 của trường THCS Lăng Cô có quyết định thanh lý của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có nguồn để xây dựng mới. Cho nên hàng trăm thầy cô giáo, học sinh phải học trong cảnh phòng ốc xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng và rất nguy hiểm.

Được xây dựng từ năm 1968, đến nay dãy phòng học chính của trường rất thấp, bị hư hỏng nhiều khi tường nhà nứt toác nhiều nơi. Các trụ chính của dãy phòng học này được thầy cô lấy cây bạc hà “nẹp” vào cùng với thép vì sợ đổ sập. Một thầy giáo nói với chúng tôi, do trường rất dễ bị sập nên mỗi lần ra chơi, khi thấy các cháu tới gần các trụ đang nẹp cây gỗ thì thầy cô chúng tôi phải tới nhắc nhở học sinh ra chỗ khác chơi để đỡ nguy hiểm.

Thầy trò kêu cứu vì phải học trong ngôi trường chống kèo cột chờ thanh lý - 1
Hàng cột ở dãy phòng học chính phải đóng nẹp bằng các cây bạc hà
Hàng cột ở dãy phòng học chính phải đóng nẹp bằng các cây bạc hà

Ở ngoài là thế, thì ở trong cũng chẳng khá hơn là bao. Trong rất nhiều phòng học, mái ngói bị thủng, tường nứt nẻ, ẩm mốc, nền nhà thì vá lỗ chỗ. Cô giáo dạy văn Lê Thị Bích Thảo bùi ngùi: “22 năm trước khi mình là học sinh ở đây thì đến nay trường vẫn vậy và xuống cấp trầm trọng hơn. Mùa nắng thì nóng không chịu nổi, cả cô và trò mồ hôi ướt đẫm người. Còn mùa lạnh có mưa to gió lớn, đứng trong lớp dạy mà run run vì sợ trường có chuyện chi. Nhiều chỗ trong phòng bị nước mưa thấm từ mái xuống, học sinh phải dồn bàn sát lại có chỗ ráo mà học”.

Phía trong một lớp học
Phía trong một lớp học

Theo ý kiến của đa số phụ huynh có con học trường này thì nơi đây chẳng khác nào một “cái ổ” để các cháu có chỗ “chui ra chui vào” chứ không giống trường học vì đã quá xập xệ. Đã nhiều lần họp phụ huynh, đại diện ban cha mẹ học sinh lẫn các bậc phụ huynh phát biểu, trình ý kiến nhưng đến nay trường vẫn không được sửa cũng như dời đi học chỗ khác. Có nhiều học sinh trường này đã phải chuyển lên TP Huế hay vào Đà Nẵng để học do gia đình không an tâm trước tình trạng này.

Cô Trần Thị Quý Đông, Hiệu trưởng THCS Lăng Cô trao đổi, mới nhất đây vào giữa cuối năm 2015, do lo sợ tình trạng an toàn của thầy cô giáo và học sinh, ban giám hiệu đã làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc. Trong đơn ghi rõ, do cơ sở 1 của trường này được xây dựng trước năm 1968, nay đã xuống cấp trầm trọng, phần tường hỏng nặng, nguy hiểm trong mùa mưa bão sắp đến, để đảm bảo an toàn cho học sinh và đội ngũ giáo viên - nhân viên dạy học mong huyện xem xét nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Cơ sở 1 trường THCS Lăng Cô đã quá xập xệ và nguy hiểm nhưng chưa được di dời. Hàng trăm thầy cô vẫn đang dạy và học trong cảnh nguy hiểm chực chờ
Cơ sở 1 trường THCS Lăng Cô đã quá xập xệ và nguy hiểm nhưng chưa được di dời. Hàng trăm thầy cô vẫn đang dạy và học trong cảnh nguy hiểm chực chờ

Ngày 22/3, qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho hay, huyện vừa gửi đơn lên tỉnh Thừa Thiên Huế để trình kế hoạch xây dựng điểm trường mới cho cơ sở 1 THCS Lăng Cô. Do thời gian qua, huyện nhận đơn của trường, về quỹ đất thì đã có nhưng kinh phí xây dựng phải mất mấy tỷ đồng, vượt quá tầm của địa phương. Nay đang nghe tin có kế hoạch đã có ngân sách để xây trường nên huyện vừa gửi đơn cho tỉnh để xin.

Đại Dương