Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ: Người neo chữ ở Trường Sa

(Dân trí) - Nhắc đến Trường Sa, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng xúc động, tự hào khi nghe những câu chuyện về mảnh đất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Và cũng chính tại nơi tiền tiêu này có những con người đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để neo chữ nơi đầu sóng cho những chủ nhân tương lai của Trường Sa, trong đó có thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ, đến từ trường Tiểu học Sinh Tồn (Trường Sa, Khánh Hòa).


Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ và học trò thân yêu của mình

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ và học trò thân yêu của mình

Hoài bão tuổi 20

Thấm thoát đã bước sang năm thứ tư công tác trên đảo Sinh Tồn, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ luôn suy nghĩ, được dạy học nơi đảo xa thì ý nghĩa của tuổi đôi mươi sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Sinh ra và lớn lên tại miền quê ven biển thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tuổi thơ của Hạ gắn liền với sóng gió, với cái nắng chói chang và mùi mặn nồng của biển cả.

Sau khi tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học của Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2012, anh được cô giáo cho biết Sở GD&ĐT Khánh Hòa đang tuyển hai giáo viên tiểu học cho Trường Sa. Anh đạp xe đến Sở ngay để tìm hiểu thông tin dù lúc bấy giờ thông báo tuyển giáo viên chưa chính thức công bố. “Ban đầu sở chỉ thông báo tuyển hai giáo viên nam, nhưng vào tháng 3-2013 thì có thông báo mới là tuyển sáu người, cơ hội rộng hơn. Tôi bây giờ giống như một thí sinh đi thi đang hồi hộp chờ kết quả” - Ngọc Hạ chia sẻ.

Để được ra Trường Sa dạy học, chàng trai trẻ đã phải giải thích, thuyết phục bố mẹ rất nhiều. Cười hiền, thầy giáo Hạ kể chuyện: “Lúc đầu, bố mẹ buồn nhưng dần dần cũng an tâm, ủng hộ và động viên tôi đi, điều này làm tôi rất vui. Mỗi năm dù chỉ được về thăm nhà một lần nhưng giờ ngoài đảo đã có điện, có sóng điện thoại nên tôi thường xuyên gọi điện về nhà. Mỗi lần nghe tiếng bố mẹ, tôi lại có cảm giác như mình ở bên cạnh họ vậy”.

Tâm sự về lý do chọn Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc làm đích đến, thầy giáo trẻ chia sẻ: “Cuộc đời là những chuyến đi và tuổi trẻ là quãng đời đẹp nhất để thực hiện chuyến đi cuộc đời đó. Đi để trải nghiệm, để cống hiến tuổi thanh xuân, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ tới những miền đất còn nhiều khó khăn trên mọi miền Tổ quốc”.

Ngày bước chân lên đảo, Ngọc Hạ không bao giờ quên được cảm xúc dâng trào trong lòng trước vẻ đẹp của dải đất hình chữ S. Một màu xanh tràn ngập khắp đảo, những mái ngói đỏ tươi nằm san sát, tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian tĩnh lặng,.. Những hình ảnh quá đỗi thân thuộc đã giúp anh nhanh chóng hòa nhịp với cuộc sống và công việc nơi đảo trẻ.

Xa đất liền nhưng không xa con chữ

Với đặc thù biển đảo, xa đất liền khoảng 300 hải lý (hơn 600km) nên trường tiểu học xã Sinh Tồn có hai cấp học: mầm non và tiểu học. Với những lớp học đặc biệt như vậy, giáo viên vừa là người thầy, vừa là người mẹ để chăm lo cho các em.

Công tác giảng dạy nơi đây còn gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, thường xuyên gặp những cơn bão. Môi trường xung quanh hạn hẹp cũng ảnh hưởng đến nhân sinh quan, thế giới quan và kỹ năng sống của các em. Số lượng học sinh ít nên việc tổ chức các hoạt động mô hình trường học mới VNEN còn gặp khó khăn…

Tuy nhiên bằng tình yêu thương dành cho học sinh, thầy Hạ và các đồng nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để vượt qua những trở ngại đó như: Thường xuyên cập nhật thông tin về giáo dục trên báo, đài; xem các tiết dạy mẫu thông qua băng, đĩa; tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn do Sở GD&ĐT tổ chức trong những lần về phép…

Thầy giáo trẻ cho biết: Trong quá trình dạy học, giáo viên vừa là người thầy, vừa là người bạn cùng các em thực hiện tốt các hoạt động giáo dục. Đặc biệt là việc sử dụng triệt để hình ảnh trực quan sinh động, tích hợp những kĩ năng sống, tình yêu quê hương đất nước, biển đảo vào từng tiết dạy để giúp các em hình thành nên nhân cách cũng như kĩ năng sống của mình.

Với những nỗ lực, cố gắng, thầy và trò Trường tiểu học xã Sinh Tồn đã gặt hái những thành tích đáng khích lệ. Tiêu biểu là em Nguyễn Trần Anh Luân, học sinh của trường đã nhận được học bổng từ quỹ Vừ A Dính để chuyển về đất liền, tiếp tục học tập tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là động lực để nhà trường tiếp tục phát huy trong các năm học tiếp theo.

Khi được hỏi về điều gì đã giúp bản thân trụ lại tại Trường Sa, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ bộc bạch: Gắn bó với hòn đảo này, ngày ngày nhìn những gương mặt ngây thơ, trong sáng của các em học sinh, sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau của mọi người trên đảo thì làm sao mà nản lòng được.

Những món quà nhỏ bé, đôi khi là bức tranh của học trò, có lúc là con cá, mớ rau của người dân đảo lại khiến thầy giáo trẻ ấm lòng đến lạ!

Nhớ nhung gia đình là thế nhưng thầy Hạ vẫn thủ thỉ: Nếu được ở ngoài đảo, tôi cũng sẽ ở lại đây. Hòn đảo là quê hương thứ hai của mình, bà con là người thân và học trò như những đứa con.

Dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ luôn tâm niệm: Dù bạn ở đâu trên mọi miền Tổ quốc, nơi biên cương hay hải đảo, dù bạn đang làm gì thì những việc bạn làm dù là nhỏ nhất cũng đã góp phần tạo nên cuộc sống muôn màu, tươi đẹp này.

Thầy Hạ cũng là một trong những giáo viên ít tuổi nhất được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và tập đoàn Thiên Long phốp hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay.

Thúy Hằng