Thầy đánh trò: Do giận nhiều hơn thương!

(Dân trí) - Việc thầy cô sử dụng đòn roi để dạy con trẻ ngày nay chủ yếu là “giận” chứ không phải thương. Đánh vì tức giận của lòng mình, vì những ức chế, áp lực mình đang gồng gánh.

Đúng là thế hệ trước lớn lên bằng đòn roi của thầy cô và bố mẹ. Cứ mỗi một chữ viết, một con số của thế hệ cha ông cũng có thể đổi bằng một cái vụt của ông giáo, bố mẹ.

Còn nhiều người lập luận và tin rằng mình trưởng thành, thành đạt vì roi vọt của người lớn nên có thêm “động lực” để dùng với con trẻ.

Trên thực tế, có sự khác biệt rất lớn giữa đòn roi của người lớn ngày trước và đòn roi ngày nay. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải, các cụ đồ nho cho trẻ “ăn roi” vì quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Có điều, họ dùng biện pháp cứng rắn để đưa trẻ vào khuôn phép – đó là vì đứa trẻ. Còn ngày ngay nhiều khi người lớn “mạnh tay” với trẻ nhỏ chủ yếu vì cơn giận của lòng mình – chứ không phải vì trẻ.

Người thầy đang gánh rất nhiều áp lực ngoài bục giảng (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Người thầy đang gánh rất nhiều áp lực ngoài bục giảng (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Thầy nho đánh trò trong sự bình tĩnh, điềm đạm, còn phần lớn nhà giáo bây giờ đánh trẻ lúc căng thẳng, ức chế, tức giận và ra tay bột phát. Cùng là đánh đòn nhưng “xuất phát điểm” khác nhau, thầy giáo ngày nay chịu nhiều áp lực hơn so với nghề “gõ đầu trẻ” thời cũ.

Trước hết là áp lực trong đời sống xã hội với nhiều bộn bề, con người ai cũng căng như dây đàn. Thạc sỹ Phạm Phúc Thịnh cho rằng, áp lực của nghề giáo nhiều vô kể khi đòi hỏi từ xã hội, gia đình ngày càng cao trong khi tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, sĩ số đông, áp lực từ chương trình, thành tích, từ quản lý mà họ lại không có chỗ nào để “xả” ngoài học sinh.

Chưa kể đến mối lo mưu sinh khi lương nghề giáo nghe hứa hẹn mãi vẫn khó… nuôi thân.

Một nhà giáo thâm niên ở TPHCM thừa nhận, các cô đánh học sinh chính vì bị chi phối bởi những áp lực mà mình đang gồng gánh, áp lực thi đua, thành tích. Họ chọn đòn roi để giải quyết vấn đề trước mắt một các nhanh nhất dù nhiều người biết rõ hậu quả lâu dài.

Trong những giây phút nóng giận, nếu kiềm chế hơn chắc chắc nhiều thầy cô sẽ không “ra tay” với học sinh. Rồi nếu không như những áp lực trong công việc được giảm bớt thầy cô cũng sẽ thân thiện hơn, gần gũi hơn cũng như có thêm thời gian, động lực để quan tâm, sẻ chia với học trò thay vì vụt cho nhanh.

Trường học thân thiện không thể chỉ hô hào bằng lời. Ngành nghề nào cũng áp lực nhưng riêng nghề giáo hiện lại có quá nhiều áp lực không đáng có cản trở sự phát triển giáo dục, cản trở sự cống hiến của nhà giáo. Họ cần được tháo gỡ những áp lực để có một trạng thái tinh thần tốt nhất khi tiếp xúc với học trò.

Khi áp lực vẫn còn, nhà giáo thiếu phương pháp dục tích cực thì sẽ còn những cơn nóng giận. Thật khó để ai nói hoa nói bướm sẽ không đánh đòn học sinh. Có những vụ việc không cần phải bên thứ ba, hay thứ tư ráo riết vào cuộc để kỷ luật, để xử lý, răn đe và gây áp lực dư luận với nhà giáo mà hãy để thầy trò có những khoảng lặng tự giải quyết vấn đề của mình.

Đánh trò trong bất kỳ hoàn cảnh nào là sai. Những giọt nước mắt, sự hối lỗi của thầy cô – nếu có – thì chỉ dành riêng cho đứa trẻ chứ không phải dành cho hội đồng kỷ luật hay dư luận.

Học sinh cần một lời xin lỗi chân thành, thiện chí hơn là một lời xin lỗi chỉ vì áp lực, chỉ vì để tránh bị kỷ luật. Âu đó cũng là cách dạy các em về sự bao dung luôn giá trị hơn việc chờ đợi người khác bị trừng phạt.

Nhưng đó là khi sự đã rồi. Hơn ai hết, chính người thầy cần tìm tòi cho mình những phương pháp giáo dục tích cực, học cách kiềm chế để tránh tối đa việc xem học trò là “cái thớt”. Có phương pháp giáo dục tích cực cũng là cách người thầy giải tỏa áp lực cho mình.

Học trò ngày nay đang sống trong môi trường bao trùm bạo lực. Từ trò chơi bạo lực, phim ảnh bạo lực cho đến cách con người cũng cư xử với nhau bằng bạo lực. Gia đình, nhà trường với trách nhiệm giáo dục phải là nơi đi đầu với việc nói không với bạo lực.

Đừng để đòn roi, bạo lực trở thành tính “kế thừa”!

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)