Thầy cô “xả” áp lực xuống học trò: Nếu chờ, khó gỡ!

(Dân trí) - Một khi áp lực trong công việc, cuộc sống chưa thể thay đổi càng đòi hỏi người thầy chủ động tìm cách giải tỏa những áp lực thay vì trút "uất ức" lên đầu học trò.

Có tâm lý đợi chờ…

Việc người thầy xử phạt học trò bằng các biện pháp phản giáo dục như đánh mắng, chửi bới... thường vẫn được giải thích bởi các áp lực mà họ đang gồng gánh như thu nhập, công việc gò bó, học trò hư.

Có những giáo viên (GV) khi “ra đòn” với học trò nặng suy nghĩ nếu các em ngoan; rồi nếu thu nhập khác đi hay giá như cấp trên, phụ huynh thông cảm hơn… chúng tôi đã không phải làm vậy. Tâm lý chờ đợi các điều kiện nhằm đáp ứng cho việc ứng xử mô phạm của mình… tồn tại trong không ít nhà giáo.

Áp lực còn nhiều, niềm vui gần và dễ tìm nhất của người thầy chính là học trò
Áp lực còn nhiều, niềm vui gần và dễ tìm nhất của người thầy chính là học trò.

“Là người thầy rất khó để đặt ra điều kiện học trò không hư tôi đã không đánh, bố mẹ đã dạy con tốt chưa trước khi đòi hỏi thầy cô… Người thầy khác phụ huynh, với học sinh là chúng ta được đào tạo sư phạm. Tôi luôn tự nhắc nhở mình nếu nóng giận trút lên học trò cũng không thay đổi được gì, mọi việc chỉ xấu hơn”, một GV tiểu học ở Q.5, TPHCM chia sẻ.

Một trong những lời sẻ chia với nhà giáo chúng ta thường nghe: “Ở nhà 1, 2 đứa con bố mẹ đã quản không nổi, nói chi thầy cô vài chục em”. Nhưng phải nhìn thẳng thắn, trước khi chọn nghề giáo, không thầy cô nào không biết điều này, nhất là khi việc thiếu trường thiếu lớp, sĩ số quá tải rất phổ biến.

Rồi chuyện thu nhập, theo lời GS Vũ Gia Hiền, đã theo nghiệp nhà giáo nghĩa là người thầy lường trước cái nghèo bởi thực tế dân mình còn nghèo. Nếu dạy học mà muốn giàu thì người dân lấy tiền đâu cho con em đi học.

Thay đổi từ người thầy

Có những khó khăn đối với nhà giáo như lương, sĩ số lớp học… là điều chưa thể thay đổi ngày một ngày hai và nằm ngoài khả năng của người thầy. Nhưng điều đó không có nghĩa là người thầy phải chịu cảnh “sống chung” với những áp lực và hành xử theo cách… vì áp lực. Trước khi chờ đợi những thay đổi mang tính vĩ mô, không ai khác chính GV cần chủ động tháo gỡ, giải toả áp lực cho mình theo hướng tích cực nhất. Có thể nói, niềm vui lớn nhất của người thầy có thể tìm lấy là chính từ học trò của mình.

ThS Phạm Thị Thuý, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM cho rằng, người thầy rất cần các phương pháp sư phạm tích cực và các kỹ năng quản lý cảm xúc. Điều này giúp thầy trò thân thiện hơn, việc học trở nên vui vẻ và sáng tạo hơn… Khi người thầy có phương pháp, thân thiện với học trò cũng là cách để họ tìm niềm vui trong công việc, giảm đi các áp lực khác cho mình.

Ngoài ra, GV có thể giải toả áp lực cho mình bằng những cách giúp mình tĩnh tâm, có thể bình tĩnh trước mọi tình huống như tập thiền, Yoga, đọc sách…

Thầy và trò cùng tham gia một hoạt động ngoại khoá
Thầy và trò cùng tham gia một hoạt động ngoại khoá.

Trong lần trao đổi tại một buổi toạ đàm ở TPHCM, TS Vũ Thị Phương Anh bảy tỏ, điều nguy hại nhất là nhiều GV là có suy nghĩ không thể thay đổi nên họ mất đi động lực để thay đổi. Điều cần nhất là mỗi người phải tự thay đổi theo hướng tích cực thì mới hy vọng tháo gỡ được những khó khăn.

“Nhiều trường học ở nước ngoài có quầy bar, phòng hát hò thư giãn, để những lúc cần thiết, giáo viên vào đó xả stress, tránh việc mang căng thẳng vào lớp học. Chúng ta cần quan tâm đến mô hình này” - ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng tiểu học Sở GD- ĐT TPHCM

Bà Phương Anh cho rằng, nếu người thầy không chịu được áp lực, thấy mình không phù hợp với môi trường giáo dục công lập hoàn toàn có thể chuyển ra trường tư công tác để làm mới mình. Điều đó có thể tốt hơn cho mình và tốt cho cả học trò.

Còn hiện nay, có đó những GV xem công việc, học trò là sự “đày đọa” bản thân. Ngoài những khó khăn chung, họ làm mình khổ thêm bởi thái độ và cách cư xử hậm hực, thiếu vị tha. Một khi nhìn công việc của mình chỉ toàn một màu xám, người thầy vô tình bỏ qua những giá trị, niềm vui, cái đẹp của nghề nghiệp trồng người.

Theo nhà giáo dục Giản Tư Trung, thay đổi lớn nhất chính là thay đổi bên trong con người mình, trong mỗi người thầy. Mỗi người thầy hãy tập trung vào những chỗ nhiều hy vọng và bớt quan tâm tới những chỗ nhiều tuyệt vọng thì mọi điều sẽ tốt đẹp hơn.

Hoài Nam
 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!