Gia Lai

Thầy cô vất vả “năn nỉ” HS trở lại lớp sau Tết

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, sau những ngày nghỉ Tết nguyên đán, những giáo viên của Trường THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, Mang Yang, Gia Lai) lại phải đi vận động, “năn nỉ” những học trò của mình quay lại trường lớp.

Băng đèo đi vận động học sinh trở lại lớp

Dù đã họp với các trưởng thôn và chính quyền địa phương, để nhờ trưởng thôn về thông báo, vận động con em trong làng đi học đầy đủ. Nhưng buổi học đầu tiên của năm mới (ngày 30/1), cả trường THCS Lơ Pang có 268 học sinh (với hơn 98% là HS dân tộc Bahnar) thì mất đến gần 1 nửa vắng mặt. Và như mọi năm, các thầy cô lại mở “chiến dịch” vào làng, đến từng gia đình tìm đủ mọi cách vận động, thậm chí năn nỉ HS và phụ huynh để các em quay lại với con chữ.
Thầy cô vất vả “năn nỉ” HS trở lại lớp sau Tết - 1
Vừa thấy học trò của mình, cả 3 thầy đều xuống xe động viên các em đi học trở lại.

Để đến tiếp cận được các gia đình không phải là dễ khi đường xá đi lại khó khăn, hiểm trở, đặc biệt là làng Bờ Dầu nằm biệt lập hoàn toàn với bên ngoài với 4 xung quanh là núi cao. Nhưng đó không phải là điều làm cho các giáo viên (GV) nơi đây bận tâm, mà điều quan trọng nhất là làm sao khi vào làng thì có thể gặp được các “đối tượng”, bởi ban ngày hầu hết phụ huynh và HS đều đi làm rẫy nên làng luôn vắng tanh. Vì vậy, thời gian các thầy cô xuất phát đi vào làng là lúc ông mặt trời chuẩn bị khuất núi.

Khoảng 4 giờ chiều ngày 30/1, PV Dân trí cùng thầy Hiệu phó Nguyễn Thương, thầy A Nương và thầy La Văn Dũng, vượt gần 20km đường đồi núi đi vào làng Bờ Dầu. Vào đến đầu làng là một không gian vắng tanh không một bóng người, tiến sâu đến giữa làng, đoàn chúng tôi bắt gặp một số em nam đang chơi đá bóng. Nhận ra đó là HS của mình, cả 3 thầy đều dừng xe và gọi học trò của mình đến hỏi vì sao hết Tết rồi mà vẫn chưa đi học và động viên các em ngày hôm sau đi học.
Thầy cô vất vả “năn nỉ” HS trở lại lớp sau Tết - 2
Vừa thấy học sinh của mình, thầy Thương liền lại tìm đủ mọi cách khuyên các em đi học, nhưng những cậu học trò này viện lý do làng đang kiêng cữ để nghỉ thêm 1 ngày nữa.

Tay vẫn dập bóng một hồi, rồi đứng tựa vào cây cột hàng rào, 3 cậu HS Bahnar lớn lên bên rừng núi chỉ giải thích với các thầy rằng “trong làng có đám ma nên chưa đi học”, và ậm ừ đồng ý ngày mai hoặc mốt sẽ vượt rừng đi học lại.

Đoàn chúng tôi tìm đến nhà thôn trưởng Vech, là người có tiếng nói “nặng kí” nhất làng thì thấy ông trưởng thôn đang ngất ngưởng say dưới sàn nhà do vừa đi đám ma về. Thầy Thương cũng đành dặn dò “Ngày mai chú Vech đi A lô thông báo cho các HS xuống trường đi học đầy đủ với nha”.
 
Lúc này, cả làng từ già đến bé đang tập trung ăn uống bên gia đình có người chết. Thầy Dũng và thầy Thương chần chừ, vào được làng để gặp được HS và phụ huynh không phải lúc nào cũng vào được. Nhưng bây giờ cả làng lại đang tập trung ăn uống, còn nếu vào thì kiểu gì cũng bị dân làng ép uống rượu. Sau một lúc đắn đo, cả đoàn quyết định vào. Thấy thầy giáo mình đến, Rờ Rô và một số HS khác định “làm ngơ” để phóng xe đi chỗ khác. Thầy Thương liền nhanh trí gọi 3 cậu học trò của mình lại. Nhưng cũng như các HS khác, 3 cậu học trò cũng nêu lý do “làng có đám ma nên nghỉ học”. Vậy là thầy hiệu phó đành khuyên các em ngày mai xuống trường đi học. Thì cả 3 đều lắc đầu, nói ngày mai vẫn chưa đi được vì còn kiêng cữ.

Sau một hồi thuyết phục, cả 3 thầy đều đồng ý cho các em nghỉ thêm 1 ngày nữa, và thứ 4 phải xuống trường đi học. Thế là 3 cậu học trò này gật đầu đồng ý, rồi chạy mất hút.
Các "chiêu" nghỉ học của học trò

Càng tiến gần vào nhà có đám ma, các thầy càng gặp nhiều học trò nhiều hơn. Gặp HS nào, các thầy cũng ra sức khuyên nhủ các em quay trở lại trường. Em thì đồng ý ngày mai trở lại trường, em thì lấy cớ kiêng cữ để nghỉ thêm một ngày nữa.
 
Thầy cô vất vả “năn nỉ” HS trở lại lớp sau Tết - 3
Dù có từ chối như thế nào thì các thầy cũng không "thoát" được lệ làng với những ghè rượu cần.
 
Vừa vào đến đám đông, như đã đoán trước, đoàn chúng tôi liền bị một số người kéo tay, nắm áo bắt ngồi xuống uống rượu cần. Biết không thể "trốn" được, nhưng trước khi đồng ý uống rượu với dân làng, các thầy đã tranh thủ khuyên nhủ phụ huynh bảo các con mình xuống trường để học con chữ.

Thầy Dũng vừa mới dứt lời, thì mẹ của HS Cờ Rô liền lấy lý do con mình đang bị sốt, nói tiếng Bahnar sợ thầy giáo không hiểu hết, phụ huynh này còn dùng tay liên tục chỉ lên đầu ra hiệu con mình bị sốt, đang nghỉ ở nhà chưa đi học được, và cũng không quên ép thầy uống rượu cho bằng được. Vừa mới khuyên nhủ Cờ Rô ở ngoài đầu ngõ, nên thầy Dũng biết được phụ huynh này nói dối để con mình ở nhà đi làm rẫy. Nhưng bằng kinh nghiệm 6 năm đi vận động của mình, thầy Dũng đã thuyết phục được bà mẹ này tiếp tục để con đến trường.

Thầy Dũng cho biết, làng Bờ Dầu có 46 HS đang theo học ở trường, 6 năm nay không chỉ truyền tải kiến thức cho các em mà thầy còn phải đảm nhận nhiệm vụ vào làng vận động tất cả các HS trong làng đi học đầy đủ. 6 năm không phải là dài nhưng cũng thừa đủ để khiến người “đưa đò” này trải qua những gian truân, vất vả với những kỉ niệm buồn vui của người thầy khi phải đi vận động HS quay trở lại trường.
 
Thầy cô vất vả “năn nỉ” HS trở lại lớp sau Tết - 4
Trước khi đồng ý uống 1 cang rượu, thầy Thương vận động các ông bố, bà mẹ khuyên con quay trở lại trường đi học.

Thầy kể, may mắn năm nay con đường vào làng Bờ Dầu đã được làm “phẳng” hơn nên chạy xe được, chứ các năm trước phải băng rừng để vào làng: “Có năm chúng tôi phải băng rừng, trèo núi để vào làng vận động. Mới đi được một lúc, một cô giáo mệt không đi tiếp được, ngồi khóc và xin quay về. Nhưng khổ nhất là vào mùa mưa, có lúc 5, 6 thầy chúng tôi phải khiêng xe máy để đi vì đường lầy lội, lại đèo dốc nên xe không chạy được”, thầy Dũng tâm sự.

Nhưng đó chỉ là những thử thách đầu tiên trong “công cuộc” đi vận động. Đối với các thầy, khó khăn nhất là làm sao để giúp các HS của mình quay lại trường. Bởi, phần lớn các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn, trình độ nhận thức của phụ huynh có hạn, cái ăn vào bụng còn chưa no thì làm sao mà có điều kiện để các em đi học được. Trong khi trường lại quá xa nhà, đường đi rất khó khăn, các em phải nhịn đói để ngồi học, các em lại có thể đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình được rồi… chính vì vậy, nó đã rất cản trở con đường tìm đến cái chữ với các em.

Thầy A Nương, phụ trách 42 học sinh làng A Lao cho biết, do thầy mới đi vận động 1 năm nên vẫn còn “thiếu kinh nghiệm” và gặp nhiều khó khăn. Vì đây cũng là làng rất nghèo, lại xa, một số phụ huynh muốn con nghỉ học ở nhà đi làm. Nên họ bày ra đủ “chiêu” để đối phó với thầy: “Có phụ huynh khi mình đến vận động thì ra điều kiện, nếu các thầy chuyển trường về thôn thì sẽ cho con đi học, còn nếu phải xuống xã đi học thì không cho con đi vì xa quá. Còn có phụ huynh khi mình đến vận động lại la mình, nói con đi làm rẫy hết rồi. Có người dễ tính hơn thì gật đầu đồng ý, nói thầy cứ về đi rồi mai sẽ cho con đi học nhưng mai không thấy HS đi học….” - thầy Nương kể.
 
Còn thầy Nguyễn Thương chia sẻ: “Do phần lớn HS ở đây đều nghèo, các em lại biết lao động hết nên mùa màng là phải ở nhà đi làm rẫy. Nhiều em đi học phải nhịn đói… nên các em về nhà là ở nhà luôn, các thầy cô lại phải đi vận động các em quay trở lại trường”.
 
Trao đổi với Dân trí, thầy Phan Tân Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ Tết xong là các em lại nghỉ học, nên các thầy cô phải vào làng vận động. Năm nay, buổi học đầu tiên chỉ có hơn 50% các em HS đi học”.
 
Và dù có khó khăn đến đâu, nhưng với tấm lòng của người “đưa đò” những giáo viên nơi đây luôn quyết tâm vượt qua để giúp những học trò của mình đến được với con chữ.
 
Thiên Thư