Thông tin về bằng cấp của lãnh đạo Trường Đại học Chu Văn An:

Thanh tra Bộ GD&ĐT đang vào cuộc xác minh

Báo BVPL vừa qua có bài viết về trường đại học Chu Văn An, phản ánh việc lãnh đạo nhà trường bị nhiều cổ đông “tố” sử dụng bằng tiến sĩ lệch chuẩn. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có thông tin đa chiều gửi tới bạn đọc.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đang vào cuộc xác minh
Ông Dương Phan Cường (trái) trong cuộc làm việc với phóng viên báo chí tại trường Đại học Chu Văn An

Quan điểm của người bị tố sử dụng bằng tiến sĩ “lệch” chuẩn

Về bằng tiến sĩ của mình bị tố “lệch chuẩn” của ông Dương Phan Cường chủ tịch HĐQT trường đại học Chu Văn An cho rằng có phải là bằng tiến sĩ mạo danh hay không, làm việc với phóng viên báo chí tại trường Đại học Chu Văn An, ông Cường cho biết: Bằng cấp của tôi là mồ hôi nước mắt mà tôi làm ra.  Đề tài làm luận văn của tôi là: “Làm sạch nước nhiễm bẩn dầu mỡ”. Tuy nhiên, bằng cấp đó của tôi có được công nhận tại Việt Nam hay không còn đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xem xét. Đồng thời trường đại học Chu Văn An đã có văn bản giải trình với Bộ GD&ĐT và thanh tra Bộ GD&ĐT như sau:

Hiện tại, ban giám hiệu trường đại học Chu Văn An có ba người là phó hiệu trưởng (chưa tìm được hiệu trưởng), gồm: TS. Dương Phan Cường – phó hiệu trưởng phụ trách chung kiêm phó hiệu trưởng phụ trách tài chính, GS.TS Đỗ Minh Nghiệp – phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học, Thạc sĩ Trần Anh Tuấn – phó hiệu trưởng phụ trách xây dựng cơ bản. Từ năm 2006, TS. Dương Phan Cường xin thành lập trường Cao đẳng Bách khoa Hưng Yên và là thành viên sáng lập trường đại học Chu Văn An. Như vậy, hồ sơ cán bộ của TS. Dương Phan Cường được lưu tại Vụ tổ chức cán bộ của Bộ GD&ĐT và Văn phòng Chính phủ. Kính đề nghị cơ quan thanh tra xác minh tại các cơ quan nói trên.

Trường hợp thạc sĩ Trần Anh Tuấn là kỹ sư tốt nghiệp đại học vào ngày 24/6/1986 tại trường đại học kỹ thuật Praha – Cộng hòa  Séc. Đề nghị cơ quan thanh tra xác minh tại Bộ Giáo dục, thanh niên và thể thao của nước cộng hòa Séc.

Xung quanh việc rất nhiều sinh viên trường đại học Chu Văn An lo lắng về việc bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường không được công nhận ở Việt Nam, hay đó là bằng tiến sĩ mạo nhận, thì sẽ xử lý như thế nào đối với các bằng cấp mà ông Cường ký xác nhận ghi rõ là tiến sĩ tại các chứng chỉ và bằng cấp của họ? Ông Cường cho biết: Đó là việc của Bộ GD&ĐT, vì trường đại học Chu Văn An cấp bằng và các chứng chỉ, nhưng trên cơ sở  cho phép của Bộ GD&ĐT. Đây là điều lo lắng có cơ sở, thiệt thòi rất lớn cho các sinh viên trường đại học Chu Văn An, bởi lẽ họ học thật mà nếu bằng cấp của họ không phải tiến sĩ thật xác nhận thì sẽ xử lý ra sao?

Bằng Tiến sĩ lệch chuẩn và các căn cứ?   

Các cổ đông sở hữu hơn 40% vốn góp của trường Đại học Chu Văn An cho biết: Từ giữa tháng 5/2012, đã xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật giáo dục, tiếp tục thâu tóm trường bằng mọi thủ đoạn của một nhóm lợi ích đứng đầu là ông Dương Phan Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị , làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà trường. Việc này, đã có hàng trăm đơn thư khiếu nại tố cáo đến lãnh đạo trường, UBND tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy Hưng yên nhưng vẫn không giải quyết. Cực chẳng đã, chúng tôi mới phải làm đơn gửi  Bộ GD&ĐT.

Còn về bằng cấp của ông Cường, rõ ràng là  có sử dụng bằng tiến sỹ do cơ sở nước ngoài cấp nhưng chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Bởi lẽ, căn cứ điểm b, c Khoản 1 Điều 3 của Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp ban hành theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGD ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì các văn bằng thuộc đối tượng trên được công nhận trong các trường hợp sau đây:  Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên;  Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng”.

Theo Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga ngày 15/3/2010, “về việc công nhận và sự tương đương giữa các văn bằng về giáo dục và học vị khoa học” tại điều 1 nêu rõ: “Hiệp định này được áp dụng đối với các văn bằng chuẩn quốc gia về giáo dục” của hai nước. Một tấm bằng chuẩn ghi rất rõ: Số Quyết định của BAK (Hội đồng xét công nhận chức danh cao cấp); số Quyết định của Hội đồng bảo vệ luận án của cơ sở đào tạo; và gần đây trên văn bằng còn ghi rõ là văn bản của quốc gia.

Trong khi đó, theo Luật liên bang về khoa học và công nghệ quốc gia số 168-ÔC ngày 29/12/2000 do Duma quốc gia Liên bang Nga thông qua thì chỉ có Hội đồng chứng nhận tối cao (BAK) là tổ chức duy nhất có quyền công nhận các giải thưởng khoa học, các học vị tiến sĩ và cấp các bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, những năm gần đây ở Liên bang Nga xuất hiện tổ chức có tên là “Liên minh các viện hàn lâm quốc tế”, (viết tắt là MMC) cũng cấp bằng phó tiến sĩ và tiến sĩ. Mặc dù  tổ chức MMC không được luật của Liên bang Nga cho phép.

Liên hệ với thực tế ở Trường Đại học Chu Văn An, các cổ đông phát hiện tấm bằng tiến sĩ của ông Dương Phan Cường là do MMC cấp chứ không phải quyết định của BAK và không chỉ ra cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh (NCS).  Mặt khác, hồ sơ lý lịch của ông Dương Phan Cường cho thấy, ông tốt nghiệp đại học ở Tiệp. Thời gian ông Cường làm nghiên cứu sinh từ năm 2002- 2005 ở  MACI  (là cơ sở phụ thuộc MMC), đồng thời làm Tổng giám đốc công ty TNHH Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Hưng Yên, kiêm chủ tịch HĐQT Trường Trung học dân lập Kỹ nghệ và Kinh tế Hưng Yên. Điều đó, khiến nhiều người cho rằng tấm bằng của ông Cường không phải văn bằng chuẩn của Liên bang Nga và thực chất ông Cường cũng không có điều kiện đến Liên bang Nga làm NCS và có dấu hiệu mua bằng.

Thông tấn nước ngoài về BMAK

Ngày 27/4/2013 Báo diễn đàn nhân dân, cộng hòa Komi – Liên bang Nga,  đăng một bài với tiêu đề: “Văn bằng không hợp lệ của sĩ quan cảnh sát”. Bài báo có nội dung như sau: Ông Nikolai Yershov, người đứng đầu bộ phận chống tội phạm có tổ chức ở thành phố Ukhta từ 1/1/2002 đã được hưởng phụ cấp 5%  lương tháng vì có học vị tiến sĩ. Viện kiểm soát Ukhta đã khởi tố vụ án hình sự theo điều 165 phần 1 bộ luật hình sự  "Gây thiệt hại tài sản bằng cách lừa dối hoặc lạm dụng lòng tin" đối với các quan chức Bộ Nội vụ Komi, những người đã quyết định cho ông Nikolai Yershov hưởng thêm 5% lương. Thông tin nêu rõ: ông Nikolai Yershov được công nhận là “Tiến sĩ” theo quyết định của “Hội đồng chứng nhận học viên cao cấp” BMAK (trực thuộc MMC), hội đồng này không phải là một tổ chức giáo dục, mà là một tổ chức phi chính phủ. Căn cứ vào Luật "Về chính sách khoa học kỹ thuật quốc  gia", bằng cấp và các chức danh tổ chức này cấp phát không mang lại quyền lợi cho các cá nhân vì những ưu đãi, tiền trả thêm chỉ áp dụng cho những người có văn bằng, chứng chỉ chuẩn mẫu quốc gia.

Tấm bằng tiến sĩ ông Dương Phan Cương sở hữu có chung nguồn gốc với các tấm bằng của và ông Nikolai Yershov nêu trên. Những tấm bằng đó do cơ sở nước ngoài cấp có thể thật 100%, với tên cơ sở và con dấu được đăng ký chính thức tại nước sở tại. Tuy nhiên nó lại rất đáng ngờ  vì nước sở tại không đưa văn bằng đó vào hệ thống văn bằng chuẩn quốc gia của họ. Mặt khác, theo Hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga ngày 15/3/2010, “về việc công nhận và sự tương đương giữa các văn bằng về giáo dục và học vị khoa học” tại Điều 1 nêu rõ: “Hiệp định này được áp dụng đối với các văn bằng chuẩn quốc gia về giáo dục”

Hiện nay Bộ GD&ĐT nước ta rất coi trọng công lao nghiên cứu của các nghiên cứu sinh, đồng thời cũng rất cương quyết ngăn chặn nạn “học giả bằng thật”. Vì vậy, trong quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở nước ngoài cấp ban hành theo quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT, tại khoản 3, điều 6 về hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng nêu rõ: “ Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1, điều này, người có văn bằng gửi kèm theo hồ sơ liên quan (nếu có) như: Xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; Luận án và giấy xác nhận đã nộp luận án vào thư viện quốc gia Việt Nam (đối với bằng tiến sĩ); bản sao hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; văn bản công nhận chương trình giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nơi cấp bằng đã được kiểm định chất lượng”. Tuy nhiên trường Đại học Chu Văn An, mà đại diện là ông Dương Phan Cường gửi thông điệp đến Bộ GD & ĐT là: Muốn biết hồ sơ của ông thì phải tự tìm ở Vụ Tổ chức của Bộ và Văn phòng Chính phủ. Như thế, có phải là làm khó cho Bộ GD&ĐT?

Được biết, hiện nay Thanh tra Bộ GD&ĐT đang vào cuộc kiểm tra xác minh một số hoạt động của trường Đại học Chu Văn An, với quan điểm sai phạm đến đâu xử lý đến đó, kiên quyết không bao che cho việc sai phạm.

Theo Nhóm PV

Báo Bảo vệ Pháp luật số 64 (345), ngày 31/8/2013