Thành lập Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật xây dựng- Giao thông

(Dân trí) - Ngày 25/5, trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đã ra mắt Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật xây dựng- Giao thông. Đây là lĩnh vực nhu cầu xã hội đang cần về phát triển, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng và giao thông để duy trì phát triển đô thị bền vững.

Năm 2017, trường Đại học Công nghệ đã tuyển sinh đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng – Giao thông (mã ngành thí điểm). Năm 2018, ngành này đã có trong danh mục đào tạo của Bộ, tách ra thành ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng (mã ngành: 7510103) và Công nghệ kỹ thuật giao thông (mã ngành: 7510104).

Theo đó, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ PGS.TS Nguyễn Việt Hà đã ký quyết định số 252/QĐ-ĐHCN về việc thành lập Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông trực thuộc Trường Đại học Công nghệ trên cơ sở Phòng thí nghiệm Vật liệu linh kiện và kết cấu tiên tiến trực thuộc Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa.

Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc Trường ĐH Công nghệ (ĐHCN) và hoạt động theo quy chế tổ chức, hoạt động của Bộ môn trực thuộc trường. Về mặt hành chính, Bộ môn thuộc trường tương đương cấp Khoa.


GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông

Bộ môn có chức năng đào tạo các bậc đại học, sau đại học, ngắn hạn và chứng chỉ trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật xây dựng, giao thông; đào tạo chuyên ngành vật liệu và kết cấu tiên tiến kỹ sư cơ học kỹ thuật; đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cơ học kỹ thuật.

Đồng thời, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng công nghệ, chuyển giao tri thức, triển khai các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước, trong lĩnh vực xây dựng, giao thông...

Chương trình đào tạo được cung cấp nền tảng kiến thức của cả kỹ thuật và công nghệ xây dựng, được cập nhật so với chương trình đào tạo của các trường đại học danh tiếng trên thế giới trong lĩnh vực Civil Engineering như University of Tokyo (Nhật bản) và University of Melbourne (Úc).

Độc đáo của chương trình đào tạo là phát huy thế mạnh của trường Đại học Công nghệ như Công nghệ Thông tin, Điện tử và Vi cơ điện tử, Cơ học Kỹ thuật... trong các môn học đều mang tính thời sự như: Công nghệ mới trong xây dựng – giao thông; Thiết kế, thi công các công trình đặc biệt, Thiết kế hệ thống, Phát triển bền vững; Năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng; Quản lý và phát triển dự án; công trình xanh; Thích ứng với biến đổi khí hậu, phong thủy,...

Không chỉ gắn với nghiên cứu, chương trình đào tạo chú trọng đến các đồ án và các kỳ thực tập: 2 Đồ án bắt buộc (một đồ án sau khi kết thúc các môn cơ sở của ngành, đồ án 2 sau khi sinh viên đi vào các chuyên ngành), với 3 đợt thực tập: Thực tập tìm hiểu về nghề nghiệp, Thực tập kỹ thuật và Thực tập tốt nghiệp.

Các đợt thực tập này sẽ cung cấp cho sinh viên kỹ năng học đi đôi với hành, thông qua các bài tập và các bài tính toán thiết kế trong đồ án. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho sinh viên có điều kiện cho sinh viên thực hành thực tập ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cũng như trao đổi sinh viên với các trường đại học của nước ngoài trong quá trình học tập.

Nhà trường cam kết sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật xây dựng- Giao thông ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực Công nghệ - Kỹ thuật Xây dựng.

Hiệu trưởng trưởng trường ĐH Công nghệ đã bổ nhiệm GS.TSKH Nguyễn Đình Đức là Chủ nhiệm Bộ môn.

Hồng Hạnh