Thanh Hóa: Vì sao hồ sơ đăng ký dự thi giảm mạnh?

(Dân trí) - Năm nay, số lượng hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của Thanh Hóa giảm 20 - 30% so với những năm trước. Nhiều nguyên nhân dẫn đến lượng hồ sơ giảm, trong đó không ít học sinh hy vọng không thi mà vẫn có trường gọi nhập học.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại một số trường THPT trên địa bàn, số lượng thí sinh không dự thi ĐH, CĐ giảm xuống là nguyên nhân chính dẫn đến lượng hồ sơ thi ĐH năm nay tại Thanh Hóa giảm xuống. Tại trường THPT Lê Viết Tạo (huyện Hoằng Hóa), theo nhận định của thầy Chu Đình Hòa - Hiệu phó nhà trường thì lượng thí sinh nộp hồ sơ thì vào các trường ĐH, CĐ của nhà trường năm nay giảm hơn nhiều so với mọi năm.

“Nhà trường hiện có 402 học sinh khối 12, số lượng học sinh (HS) lớp 12 năm ngoái cũng không cao hơn năm nay. Trong đợt làm hồ sơ thi ĐH năm trước, nhà trường đã thống kê có hơn 1.000 hồ sơ. Năm nay, nhà trường chỉ có khoảng 700 bộ hồ sơ, số lượng HS làm hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm nay chỉ khoảng 30 - 40%, so với mọi năm thì thấp hơn nhiều”, thầy Hòa cho biết.

Số lượng hồ sơ dự thi ĐH năm nay của tỉnh Thanh Hóa giảm 30% so với năm trước.
Số lượng hồ sơ dự thi ĐH năm nay của tỉnh Thanh Hóa giảm 30% so với năm trước. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia thi ĐH năm 2012 tại Thanh Hóa.

Không chỉ các trường tại huyện Hoằng Hóa, mà tại các huyện khác như Quảng Xương, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc…, lượng hồ sơ nộp dự thi ĐH, CĐ của các em học sinh lớp 12 năm nay cũng giảm đáng kể. Tại trường THPT Tống Duy Tân, huyện Vĩnh Lộc, trong 300 HS khối 12 của trường thì có khoảng 500 bộ hồ sơ dự thi ĐH giảm hơn 10% so với mọi năm.

Lí do khiến các em HS khối 12 năm nay không nộp hồ sơ dự thi ĐH được thầy Hòa lý giải: “Số HS lớp 12 của nhà trường không nộp hồ sơ tham gia thi ĐH, CĐ năm nay là vì có một số em do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em không thể đi học tiếp được. Một số em thì do học lực yếu, biết mình nếu thi cũng không đậu được nên đã không làm hồ sơ đi thi. Đó là nguyên nhân chủ quan”.

“Nguyên nhân lớn nhất đó chính là trong những năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường bị thất nghiệp ngày càng nhiều khiến các bậc phụ huynh không mấy mặn mà cho con em mình đi thi ĐH, CĐ, tâm lý chung đều nghĩ rằng nếu có đi học về cũng không có việc làm nên phụ huynh hướng cho con em mình đi học nghề sau khi tốt nghiệp lớp 12”, thầy Hòa cho biết thêm về nguyên nhân khách quan khiến HS không làm hồ sơ.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến lượng HS làm hồ sơ thi ĐH giảm đáng kể đó là trong những năm gần đây, cứ đến mùa làm hồ sơ tuyển sinh thì tại các trường THPT lại có các đoàn từ các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp… về làm tư vấn tuyển sinh. Song song với việc tư vấn tuyển sinh, các trường này xin địa chỉ của các em HS lớp 12. Sau đó, chỉ cần biết các em thi đậu tốt nghiệp lớp 12 xong là các trường này đã gửi giấy báo nhập học về tận gia đình gọi nhập học.

Thầy Hòa cho biết: “Trong đợt tư vấn tuyến sinh năm nay, nhà trường có đến hàng chục đoàn về làm công tác tư vấn tuyến sinh. Các trường ĐH, CĐ rồi Trung cấp đều về tận trường. Mỗi mùa tư vấn tuyến sinh, nhà trường có cả chục đoàn về làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em HS”.

Tuy nhiên, cũng từ các đợt tư vấn tuyển sinh mà các trường có địa chỉ của các em HS sau đó gửi giấy báo nhập học về tận gia đình. Một em HS lớp 12 cho biết: “Năm trước em thấy một anh hàng xóm ở bên nhà em không đi thi ĐH nhưng vẫn có 3 - 5 giấy báo nhập học gửi về. Chẳng cần nộp hồ sơ đi thi mà vẫn được báo để đi học bình thường, chính vì điều này mà năm nay em cũng không làm hồ sơ đi thi ĐH, ở nhà chờ giấy báo để đi học để đỡ tốn kém tiền đi thi không thì em đi học nghề”.

Trong số những HS không nộp hồ sơ thi ĐH, có em Nguyễn Thị Trang (học sinh lớp 12K Trường THPT Lê Viết Tạo quê ở xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa) vì hoàn cảnh gia đình mà em tham gia thi ĐH năm nay. Trang tâm sự: “Em rất muốn được dự thi ĐH để đi học tiếp nhưng vì điều kiện gia đình hoàn cảnh khó khăn nên em không nộp hồ sơ dự thi. Học xong lớp 12 em về đi làm giúp đỡ mẹ em vì bố mất sớm mà chỉ có một mình mẹ phải nuôi 3 chị em cùng với bà nữa. Nếu được đi thi thì em sẽ nộp hồ sơ thi khối B và thi trường Y. Em ước mơ trở thành một bác sĩ”.

Để được rõ hơn về tỉ lệ học sinh dự thi ĐH giảm tại các vùng quê, chúng tôi đã về xã Hoằng Lộc, đây là xã được xem là “đất học” của huyện Hoằng Hóa. Cả xã hàng năm có đến vài chục em đỗ ĐH, tỉ lệ đỗ ĐH của xã có năm cao nhất lên đến 90%.

Chính nơi đây, nhiều phụ huynh khi được nhắc tới chuyện thi ĐH giờ cũng ngán ngẩm và cho biết, thời gian qua xem báo đài, ti vi mới biết lượng sinh viên ra trường thất nghiệp hàng năm quá lớn. Chỉ ở Thanh Hóa mà lên đến cả vài chục nghìn sinh viên. Điều này khiến cho các bậc phụ huynh liên tưởng đến con em mình cũng sẽ phải thất nghiệp khi ra trường.

Ông Trần Văn Nghĩa, xóm 5 cho biết: “Hàng năm có nhiều sinh viên ra trường nhưng rồi các em đều phải làm trái nghề kiếm sống. Có em ở gần nhà tôi đi học 4 năm giờ ra không xin được việc đang phải ở nhà đi xách hồ. Điều này làm cho chúng tôi không dám hướng cho con em đi thi ĐH, thi đậu rồi phải mất ít nhất 4 năm ăn học, sau ra trường chịu cảnh thất nghiệp thì khổ hơn đi học nghề”.

Cũng chung tâm trạng như ông Nghĩa, anh Thìn có con đang theo học lớp 12 ở xã Hoằng Thịnh cũng không hướng cho con làm hồ sơ đi thi ĐH. Anh Thìn giải thích: “Tôi thấy đi học ĐH về giờ thất nghiệp nhiều quá nên không khuyến khích con đi thi ĐH. Cháu tốt nghiệp lớp 12 xong gia đình hướng cho đi học nghề sau dễ xin việc hơn. Nhiều người học nghề giờ lại thu nhập ổn định hơn đi học”.

Chia sẻ về tỉ lệ HS của trường đỗ ĐH sau khi ra trường có việc làm, thầy Hòa cho biết: “Hầu hết các em thi đỗ ĐH hay CĐ ra trường đều phải làm trái nghề mình học. Số lượng các em HS của trường không thi ĐH mà chọn đi học nghề thì lại có việc làm ổn định hơn”.

Số lượng hồ sơ đăng kí dự thi ĐH, CĐ hàng năm của tỉnh Thanh Hóa đang giảm dần theo từng năm. Từ năm 2011, số lượng hồ sơ đã giảm đáng kể, theo thống kê mới nhất từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa thì năm 2011 tỉnh có 90 nghìn hồ sơ, năm 2012 có 79 nghìn hồ sơ, nhưng đến năm 2013 chỉ còn 63 nghìn hồ sơ, giảm hơn nhiều so với mọi năm.

Thái Bá - Duy Tuyên