Thanh Hóa: Nhiều địa phương “trắng” nhân viên y tế trong trường mầm non

(Dân trí) - Hiện nay, nhiều trường ở bậc học Mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có nhân viên y tế tại chỗ. Thực trạng này khiến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ ở các trường Mầm non gặp nhiều khó khăn.

Đối với bậc học Mầm non, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều trường của bậc học này không có nhân viên y tế mà chủ yếu là cán bộ Trạm Y tế cấp xã kiêm nhiệm.

Nhiều trường Mầm non không có nhân viên y tế tại chỗ
Nhiều trường Mầm non không có nhân viên y tế tại chỗ

Việc bố trí nhân viên y tế tại trường Mầm non có vai trò quan trọng trong việc cân, đo theo dõi tình trạng phát triển của trẻ. Đồng thời, có thể khám sức khỏe định kỳ để phát hiện tình trạng bệnh tật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường học đường...

Thực tế, nhiều trường Mầm non không có nhân viên y tế tại chỗ, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và sơ cứu ban đầu cho trẻ mỗi khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Thanh Hóa, năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 655 trường Mầm non, nhưng mới chỉ có gần 200 trường có nhân viên y tế.

Đặc biệt, tại nhiều huyện miền núi, 100% số trường không có nhân viên y tế, như: Quan Hóa, Như Thanh, Ngọc Lặc, Lang Chánh... Ngay tại các huyện miền xuôi, nhiều địa phương như: Hà Trung, Hoằng Hóa, Yên Định... cũng chưa có trường Mầm non nào có nhân viên y tế tại chỗ.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Quan Hóa, địa phương này có 18 trường Mầm non, nhưng cũng chưa có đơn vị nào có cán bộ y tế tại chỗ. Các trường chủ yếu hợp đồng với Trạm Y tế xã.

Một số đơn vị có nhân viên y tế nhưng chỉ là hợp đồng công việc, không có kinh phí hỗ trợ, không hoạt động chuyên trách mà kiêm luôn việc nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, vì thế chất lượng chuyên môn chưa được như mong muốn.

Đặc biệt, tại các khu vực miền núi, xa trung tâm, việc không có nhân viên y tế tại chỗ khiến các nhà trường rất khó khăn
Đặc biệt, tại các khu vực miền núi, xa trung tâm, việc không có nhân viên y tế tại chỗ khiến các nhà trường rất khó khăn

Hàng năm, Sở GD-ĐT Thanh Hóa có tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường học cho cán bộ quản lý, giáo viên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, theo các giáo viên cần có sự đầu tư đồng bộ, cùng sự chung tay của các cấp, các ngành.

Đặc biệt, cần quan tâm bổ sung chỉ tiêu, biên chế nhân viên y tế hoạt động chuyên trách cho các trường Mầm non. Đồng thời, ngành y tế cần hỗ trợ tốt hơn cho các trường học, từ việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế, đến việc cung cấp các loại thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế để trẻ được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Cô Lê Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lâm Phú, huyện Lang Chánh, cho biết, năm học 2016-2017, nhà trường có 282 cháu, 97% là con em dân tộc Thái. Nhà trường có 3 khu nằm cách xa nhau.

Đối với các trường Mầm non thuộc địa bàn xã vùng núi cao, đặc biệt khó khăn thì công tác y tế trường học vô cùng quan trọng và cần thiết. Bởi vì xa trung tâm y tế huyện, điều kiện sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, sự hiểu biết về phòng, chống các bệnh mà trẻ hay mắc phải là hết sức hạn chế.

Cũng theo cô Ngọc, trẻ rất hiếu động, dễ xảy ra các tai nạn thương tích, nếu không có chuyên môn để sơ cứu kịp thời có thể gây nguy hại đến tính mạng trẻ.

Công tác y tế trường học vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt đối với các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn
Công tác y tế trường học vô cùng quan trọng và cần thiết, đặc biệt đối với các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

Hơn nữa, trẻ đến trường thường xuyên được cân, đo, khám sức khỏe định kỳ. Từ đó có biện pháp thích hợp giúp cho trẻ phát triển chiều hướng tốt nhất. Đồng thời, để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ một cách tốt nhất, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Ông Lê Minh Thư, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Lang Chánh, cho biết: “Huyện có 11 trường Mầm non, nhưng chưa có đơn vị nào có cán bộ y tế. Khi các cháu xảy ra ốm đau, vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của các cháu. Nếu có biên chế thì có thể cập nhật, chăm sóc thường xuyên về tình hình sức khỏe, theo dõi được khẩu phần ăn của các cháu”.

Theo ông Thư, ngoài giáo dục còn chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Các gia đình khi gửi con em vào luôn mong muốn con được chăm sóc tốt hơn. Đặc thù khu vực miền núi có các điểm lẻ ở xa, việc di chuyển của cán bộ y tế không thường xuyên được, vì chủ yếu là kiêm nhiệm. Hơn nữa, khi cán bộ y tế tế đến nơi thì các cháu cũng bị nguy hiểm trong việc sơ cứu ban đầu.

Duy Tuyên