Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong thực hiện chế độ đối với học sinh dân tộc nội trú

(Dân trí) - Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện một số chế độ tài chính đối với học sinh các Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Địa phương này kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 109 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mới đây, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo kết qủa giám sát việc thực hiện một số chế độ tài chính đối với học sinh (HS) các Trường PTDTNT theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính - Bộ GD&ĐT trên địa bàn tỉnh trong năm học 2016-2017 và 2017-2018.

Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong thực hiện chế độ đối với học sinh dân tộc nội trú - 1
Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa có tổng 18 lớp/1.080 HS; tổng kinh phí thực hiện là gần 16 tỷ đồng.

Thông tư 109 là chủ trương, chính sách ưu việt, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với con em vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo cơ hội thuận lợi cho con em được đi học, nâng cao dân trí.

Qua giám sát, việc thực hiện các chế độ, chính sách cho HS DTNT được thực hiên công khai, minh bạch, đúng quy định; áp dụng các khoản chi, định mức chi cơ bản hợp lý, tiết kiệm, các khoản chi có sự bàn bạc thống nhất với phụ huynh HS...

Trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, tại Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa có tổng 18 lớp/1.080 HS; tổng kinh phí thực hiện là gần 16 tỷ đồng. Tại Trường THPT DTNT Ngọc Lặc có 6 lớp/170 HS; tổng kinh phí thực hiện hơn 3,2 tỷ đồng. Trường phổ thông cơ sở DTNT cấp huyện có tổng 88 lớp/5.210 lượt HS/11 trường; tổng kinh phí thực hiện là hơn 72 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc thực hiện một số chế độ tài chính đối với HS các Trường PTDTNT theo Thông tư 109.

Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong thực hiện chế độ đối với học sinh dân tộc nội trú - 2
Tại Trường THPT DTNT Ngọc Lặc có 6 lớp/170 HS; tổng kinh phí thực hiện hơn 3,2 tỷ đồng.

Cụ thể, một bộ phận cán bộ và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn tâm lý ỉ lại vào chính sách của Nhà nước; chưa phối hợp tốt trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dạy con em mình.

Bên cạnh đó, các ngành, các cấp chưa hướng dẫn việc thực hiện các chế độ, chính sách một cách đầy đủ, kịp thời.

Chi trang cấp hiện vật, chi học phẩm chưa có sự hướng dẫn nên mỗi huyện chi khác nhau, có huyện chi cao hơn so với thực tế; chi học bổng cho HS năm cuối cấp (lớp 9 và lớp 12) chưa có sự thống nhất, có trường chi 9 tháng, trường chi 10 tháng, trường chi 11 tháng.

Chi khen thưởng chưa đúng quy định, có trường chi 2 lần trong một năm học. Một số trường DTNT ở một số huyện còn để cho HS ở ngoại trú, bán trú nhiều chưa đúng với quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, nền nếp sinh hoạt chung của nhà trường.

Chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa đáp ứng được yêu cầu; một số địa phương tuyển sinh chưa đủ số lượng, khó khăn trong công tác tuyển sinh (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh).

Việc bố trí giáo viên, nhân viên cho các trường DTNT còn bất cập. Chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về nhân viên phục vụ trong trường DTNT. Hiện nay các trường DTNT ở huyện chủ yếu đang hợp đồng nhân viên nấu ăn theo thời vụ, tiền công thấp (2,1 triệu đồng/người/tháng); chưa đóng bảo hiểm cho người lao dộng.

Việc sắp xếp một số mục chi, định mức chi chưa phù hợp với thực tế, như chi định mức suất ăn cho HS 12.000 đồng/bữa ăn tại nhà bếp là thấp so với giá cả thị trường tăng như hiện nay.

Chưa quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, dạy nghề truyền thống và hướng nghiệp cho HS. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, ăn, ở nội trú chưa đáp ứng được yêu cầu của trường chuyên biệt; số phòng ở nội trú thiếu nên HS phải nằm ghép...

Theo ban Dân tộc Thanh Hóa, nguyên của thực trạng trên là Thông tư 109 ban hành thực hiện trên 10 năm, một số nội dung, quy định cứng nhắc; định mức hỗ trợ thấp, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Một số nội dung trang cấp đồ dùng học phẩm không còn phù hợp với khối THCS và THPT.

Các ngành, các cấp chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện Thông tư 109 thống nhất trên địa bàn.

Thanh Hóa: Nhiều bất cập trong thực hiện chế độ đối với học sinh dân tộc nội trú - 3

Theo ban Dân tộc Thanh Hóa, nguyên của thực trạng trên là Thông tư 109 ban hành thực hiện trên 10 năm, một số nội dung, quy định cứng nhắc; định mức hỗ trợ thấp, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức, để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách cho HS DTNT, coi đó là công việc của Nhà trường với các ngành; thiếu kiểm tra, đôn đốc.

Đội ngũ cán bộ kế toán của trường thiếu ổn định, năng lực, trình độ còn hạn chế. Kinh phí hỗ trợ ở huyện rất khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đất đai chưa đảm bảo quy định.

Qua đó đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 109 cho phù hợp với tình hình thực tế, nâng mức hưởng học bổng cho HS từ 80% lên 100% mức lương cơ bản, để đàm bảo mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho HS hiện nay.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung chi hỗ trợ cho HS như: Trang cấp hiện vật, tiền tàu xe, học phẩm...cho phù hợp với thực tế hiện nay và thực tế của từng cấp học...

Duy Tuyên