Thanh Hóa hỗ trợ thiết bị thí điểm học trực tuyến

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ mỗi khối lớp của mỗi trường bộ thiết bị phục vụ giảng dạy trực tuyến. Trong thời gian thực hiện thí điểm không tính phí các trường học.

Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm học tập trực tuyến của UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm mục đích xây dựng mô hình dạy học trực tuyến bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với một số thiết bị, phần mềm hỗ trợ dạy học; góp phần đa dạng hóa phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng dạy học và công tác quản lý trong ngành giáo dục.

Thanh Hóa hỗ trợ thiết bị thí điểm học trực tuyến - 1
Thí điểm dạy học trực tuyến tại Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.

Trên cơ sở kết quả việc dạy học thí điểm, làm cơ sở nhân rộng mô hình dạy học trực tuyến, triển khai xây dựng và thực hiện mô hình “trường học thông minh” trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thực hiện được việc tổ chức dạy học trong tình huống ứng phó với thiên tai, dịch bệnh phải cho học sinh nghỉ học dài ngày.

Theo kế hoạch thì phần mềm E-Learning của VNPT Thanh Hóa triển khai tại các trường: THPT Hàm Rồng, THCS Trần Mai Ninh (TP Thanh Hóa); phần mềm ViettelStudy của Viettel Thanh Hóa triển khai tại các trường: THPT Đào Duy Từ, THCS Điện Biên (TP Thanh Hóa).

Từ ngày 30/3 - 25/4/2020, triển khai thí điểm dạy học ôn tập kiến thức học kỳ I đối với một số môn học lựa chọn. Từ tháng 5/2020, trên cơ sở kết qủa triển khai của giai đoạn thí điểm, nếu có tính khả thi và hiệu quả, đề xuất kế hoạch triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị doanh nghiệp không tính phí các trường học trong thời gian thực hiện thí điểm và hỗ trợ dịch vụ 3G/4G truy cập vào các hệ thống ViettelStudy và E-learning.

Ngân sách tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ mỗi khối lớp của mỗi trường 1 bộ thiết bị phục vụ giảng dạy gồm: camera, micro không dây, giá 3 chân máy ảnh để triển khai thực hiện thí điểm học tập trực tuyến; hỗ trợ giáo viên chuẩn bị bài giảng và lên lớp theo quy định.

Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng giải pháp này không chỉ để phòng, chống dịch bệnh mà còn để hướng tới xây dựng trường học thông minh trên địa bàn trong giai đoạn tới.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các trường được chọn dạy thí điểm trực tuyến rà soát những nội dung ôn tập, chương trình học kỳ I phù hợp với triển khai dạy học trực tuyến.

Các trường phân công tổ/nhóm chuyên môn giới thiệu giáo viên có năng lực tổ chức triển khai thực hiện chọn bài ôn tập, kiểm tra phù hợp tổ chức thực hiện, giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học qua hình thức trực tuyến.

Phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh, nhận xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh. Không giao bài quá nhiều, quá khó tạo áp lực nặng nề đối với học sinh…

Theo kế hoạch, lớp 9 dạy 3 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh; lớp 6, 7, 8 dạy các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh; lớp 12 dạy 9 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân; lớp 10, 11 dạy 3 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.

Nhà trường, tổ/nhóm bộ môn chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung củng cố, hệ thống, ôn tập chương trình học kì I (không dạy bài mới). Trực tiếp tổ chức dạy học trực tuyến là các giáo viên có năng lực chuyên môn, trình độ sư phạm, khả năng sử dụng CNTT.

Giáo viên tổ chức dạy học trên lớp học, học sinh học tại nhà, học sinh có thể tương tác trực tiếp với giáo viên giảng dạy hoặc gửi thông tin về nhà trường để được trao đổi, giải đáp.

Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ngoài các đơn vị chọn thí điểm, các trường THCS, THPT nếu có điều kiện, chủ động tổ chức dạy học trực tuyến.

Thầy Lê Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng cho biết, lâu nay nhà trường vẫn triển khai dạy trực tuyến theo từng nhóm nhỏ; hiện nay triển khai dạy toàn trường.

Hiện nay, đang chờ trang bị phương tiện; các tổ đang tập huấn phương pháp dạy. Buổi sáng học bình thường trên lớp, buổi ôn tập cho các cháu, theo từng nhóm, từng lớp, đặc biệt ưu tiên cho khối lớp 12 trước.

Duy Tuyên