Thanh Hóa chi trả tiền chính sách hỗ trợ cho học sinh

(Dân trí) - UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt danh sách học sinh học tại trường THPT, THCS và THPT được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ năm học 2016 - 2017.

Đối tượng được thụ hưởng là học sinh đang học tại các trường THPT, THCS và THPT công lập của tỉnh Thanh Hóa là người dân tộc thiểu số; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhiều trường học gặp khó khăn do chính sách hỗ trợ thực hiện chậm
Nhiều trường học gặp khó khăn do chính sách hỗ trợ thực hiện chậm

Điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ được thực hiện theo quy định tại Điều 4, Nghị định 116 của Chính phủ. Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng học sinh được hưởng bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Về hỗ trợ gạo, mỗi học sinh được hỗ trợ 15kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Theo đó, học sinh có khoảng cách từ nhà đến trường từ 10km trở lên đối với học sinh THPT và từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS đã được thẩm định, phê duyệt thuộc đối tượng được hỗ trợ từ chính sách. Cụ thể có 41 trường THPT, trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với tổng số học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ là 6.940 học sinh. Trong đó, học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở là 6.446 học sinh, học sinh được hỗ trợ tiền ăn là 494 học sinh.

Học sinh ở địa bàn cách trở, giao thông đi lại khó khăn có khoảng cách từ nhà đến trường dưới 10km đối với học sinh THPT, THCS và THPT, dưới 7km đối với học sinh THCS có 14 trường, có tổng số 890 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ...

Ngoài ra, theo phân cấp quản lý, trong đợt này, các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai cấp tiền cho hàng chục nghìn học sinh cấp Tiểu học và THCS nằm trong diện được hỗ trợ chính sách nêu trên theo các quy định của Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD-ĐT Thanh Hóa thông báo danh sách chi tiết học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ để các nhà trường công khai kết quả và tổ chức thực hiện. Sở Tài chính phân bổ kinh phí được giao, tổ chức thực hiện việc chi trả chế độ hỗ trợ cho học sinh.

Trước đó, báo Dân trí đã có bài phản ánh về việc cấp gạo, tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ là chậm, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà trường và sinh hoạt, học tập của học sinh.

Nhiều trường học ở khu vực miền núi phải tìm đủ mọi cách để lo cho học sinh bán trú trong thời gian chờ chính sách hỗ trợ. Việc cấp gạo được thực hiện ngay sát thời điểm nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017, khi mà học sinh đã về nghỉ Tết. Có trường đã phải vận động giáo viên chậm một phần tiền lương để mua thực phẩm cho học sinh ăn và nợ tiền gạo của các đại lý để giải quyết trong thời gian chờ hỗ trợ.

Điều 4 (Nghị định 116/NĐ-CP). Điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ

1. Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải bảo đảm một trong các Điều kiện sau:

a) Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú;

b) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;

c) Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

2. Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các Điều kiện sau:

a) Đang học tại trường trung học phổ thông hoặc cấp trung học phổ thông tại trường phổ thông có nhiều cấp học;

b) Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.

3. Đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, ngoài các Điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.

Duy Tuyên