Câu chuyện giáo dục:

Thằng bé "ăn cắp"

(Dân trí) - Thằng bé lấy trộm tiền trong ví bố mẹ. Không phải lần đầu mà đây là lần thứ ba…

Lần đầu tiên, khi phát hiện mất tiền trong ví, vợ chồng chị không thể tin cậu trai học lớp 4 của mình là “thủ phạm”. Khi thằng bé gật đầu thừa nhận, chị như lên cơn đau tim, nhìn con với vẻ bàng hoàng sửng sốt. Người bố kéo con vào giường, mỗi roi đánh xuống kèm những tiếng bực tức: “Thằng ăn cắp!”, “Đánh cho mày chừa cái thói ăn cắp!”.

Nhưng thằng bé chưa chừa! Không lâu sau, sự việc lại tiếp diễn. Lý do thằng bé lấy tiền chỉ được hỏi qua loa là để mua đồ chơi cho bạn và mua đồ ăn vặt gì đó. Lại đánh! Không chỉ vậy, ông bà hai bên nội ngoại cũng được báo tin “có đứa cháu ăn cắp”. Cả gia đình nhìn thằng bé với vẻ buồn bã, e dè.

Trong mắt tất cả mọi người, đứa bé 9 tuổi - vốn rất ngoan, học giỏi, được cưng chiều - giờ được mặc định với tội danh “ăn cắp”.

Thằng bé ăn cắp

Người mẹ lại phát hiện mất tiền trong ví và nhìn thấy tờ tiền đó nằm cuối đáy cặp sách của con. Chị rụng rời đến mức không còn đủ sức la toáng lên để chồng xuống "xử" như trước. Trong lúc mọi thứ như sụp đổ, chị nhận ra những trận đòn, những lời mắng chửi, đe nẹt của bố mẹ đã không giúp cháu bỏ được thói xấu như anh chị nghĩ.

Chẳng lẽ lại đánh, lại chửi, lại dọa… vài rồi ai biết cháu sẽ còn lặp lại việc lấy tiền bao nhiêu lần nữa?

Chị quyết định nói chuyện với con. Không còn sợ sệt, lo lắng mà cháu tỏ ra hằm hè, bất cần như thể sẵn sàng ăn đòn cho việc lấy tiền để đóng vào quỹ từ thiện phát động ở trường. Chị cầm tay con, nói chân thành nhất có thể: “Mẹ xin lỗi vì có những lúc con cần tiền mà mẹ không biết. Mẹ cũng sai khi con muốn xin tiền nhưng không dám nói với mẹ”.

Cậu con trai ngước mắt lên nhìn mẹ. Chị nói tiếp: “Mẹ đã sai. Và mẹ rất xin lỗi khi đã gọi con là thằng ăn cắp!”. Chị không ngờ tới phản ứng của con. Đứa bé òa khóc nức nở như thể được tuôn hết những dồn nén, uất ức lâu nay.

Khi con đã cởi mở hơn, chị mới nói đến cái sai của cháu. Lần này chị gọi đúng tên hành vi của con: “Con đã sai khi lấy - tiền - trong - ví của mẹ mà chưa nói với mẹ”, chị tránh tuyệt đối hai từ “ăn cắp”. Con chị gật đầu nhận lỗi. Từ đó, cháu không còn lặp lại sai lầm. Người mẹ đã hướng dẫn con cách chi tiêu và quản lý những khoản tiền nhỏ và khi cần tiền, cháu đều chia sẻ với mẹ.

Từ chuyện con “ăn cắp” của một đứa trẻ, có thể thấy còn nhiều lỗ hổng trong việc giáo dục con. Nhiều gia đình không cho con một đồng nào, trong khi cháu đã có những nhu cầu chi tiêu nhất định đúng với lứa tuổi. Khi con mắc lỗi, bố mẹ chỉ đánh cho chừa mà quên đi điều cần thiết hơn là tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết khó khăn cho con. Nguy hiểm nhất là việc bị phán xét, dán mác là “thằng ăn cắp!” từ chính những người thân có thể làm đứa bé trở nên chai lì và mặc định rằng mình là kẻ ăn cắp.

Thật may, người mẹ kể trên đã nhận ra khi chưa quá muộn!

Hoài Nam