Tết trong con trẻ xưa và nay thật khác biệt

(Dân trí) - Những ngày xuân đầu tiên đang trôi qua, nhìn con trẻ quanh mình đón Tết, tôi bỗng thấy nhớ những cái Tết xưa của mình. Không khí rộn ràng, háo hức lúc nào cũng đầy nhưng phải chăng đã vơi đi ít nhiều những nét đẹp truyền thống xưa?

Khai bút ngày xuân không diễn ra thành “hội”, thành “lễ”, không tưng bừng cổ động như ngày nay. Vậy mà trẻ con chúng tôi đều tự nhủ phải “khai bút”. Đúng thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới, chúng tôi đều bày soạn sách vở ra, làm một bài toán, viết một câu văn hay tô vẽ một hình nào đấy. Chỉ chừng ấy thôi để lấy “hên”, tìm may mắn cho việc học trong cả năm. Trong suy nghĩ non nớt hồi ấy, chúng tôi đều nghĩ đơn giản rằng, việc học sẽ chăm chỉ hơn, suôn sẻ hơn và niềm tin trong chúng tôi cũng lớn dần.

Suốt mấy ngày Tết, chúng tôi được vui chơi thỏa thích và chỉ đến lúc sắp sửa đến trường, bố mẹ mới nhắc nhở con cái ôn bài. Mỗi người đều tự ý thức việc học của mình, lo lắng chuẩn bị bài vở đến lớp. Và niềm vui những ngày Tết đã qua đọng lại nguyên vẹn.

Trẻ con thời nay thật tội nghiệp, không ít gia đình quá coi trọng việc học. Tết là dịp để học, ôn bài, làm bài tập nâng cao, luyện bộ đề… Vui Tết đâu chẳng thấy, chỉ thấy các con cắm cúi vào sách vở. Các con được “ưu tiên” không phải tham gia dọn dẹp nhà cửa, không phải theo bố mẹ tay xách nách mang đi chợ Tết, không phải theo chân người lớn đi chúc Tết bà con hàng xóm và có lúc bị “gạch tên” khỏi danh sách về quê đón Tết.

Một điều dễ nhận thức là: Việc học là cả quá trình, không phải học thêm trong mấy ngày Tết đó thì các con sẽ giỏi hơn, cũng không phải cho con vui chơi Tết thì các con sẽ đuối sức không theo kịp bạn bè nữa. Và quan trong hơn, một cách vô tình, bố mẹ đã tước đoạt đi những niềm vui tuổi thơ của con trẻ. Tách con ra khỏi các hoạt động của gia đình, rồi đây các con sẽ dần vô tâm với mọi thứ xung quanh mình. Mà vô tâm thì rất gần với vô cảm!

Niềm vui ngày Tết xưa cũ ấy đơn giản lắm, đó là háo hức mặc một bộ quần áo mới, xúng xính chạy đi khoe với bạn bè,… Nhà nào khá giả mới có thể sắm quần áo mới cho con cái, nhà nào khó khăn thì “cũ người mới ta”. Vậy mà trẻ con đều trân trọng những tấm áo mới mà bố mẹ đã dành tặng mình. Thời nay cuộc sống quá no đủ, nhiều gia đình sẵn sàng chi ra vài triệu dành riêng cho khoản mua sắm áo quần Tết. Kiều này mốt nọ tha hồ lựa chọn mặc mấy ngày Tết, đó là còn chưa kể áo quần sắm đều trong năm chất đầy tủ. Và con trẻ nảy sinh tư tưởng coi thường công sức, tiền bạc của bố mẹ. Các con ì èo chê cái áo này không hợp mốt, cái quần kia quê mùa, mặc đâu vứt đấy chẳng biết giữ gìn, nâng niu gì cả.

Trò chơi ngày Tết xưa chắc chắn không thể nhiều như hôm nay. Quanh quẩn với chiếc ti vi, rồi sang nhà hàng xóm, kéo nhóm đi chúc tết bạn bè, theo bố mẹ đi xem hội, xem lễ. Và làm chân phụ bếp cho bố mẹ chuẩn bị mâm cỗ nữa chứ, nào là lặt rau, gọt khoai, lột hành…

Trẻ con thời nay chơi gì? Ngoài những lúc theo chân bố mẹ, các con được tự do chơi theo ý thích. Không ít trẻ nông thôn la cà bên những đám bầu cua, xóc đĩa dù các con chỉ mới học cấp một, cấp hai. Một hình thức tham gia đánh bạc của con trẻ mà người lớn thấy thì thường phớt lờ, cười cho qua rất nguy hại. Và một bộ phận rất lớn con trẻ thời nay được dịp chơi xả láng với những thiết bị điện tử hiện đại, hết điện thoại thông minh đến laptop, máy tính bảng. Nào trò chơi điện tử đầy sức thu hút, nào mạng xã hội hấp dẫn. Quĩ thời gian Tết bị chiếm dụng vào khoản này không hề nhỏ. Chơi rồi nghiền, thành nghiện và rất khó từ bỏ.

Cách con trẻ cảm nhận, ứng xử với Tết xưa và nay thật khác biệt. Nói là “xưa” nhưng chỉ cách đây khoảng hơn chục năm. Vậy mà, những khác biệt ấy thật xa vời và khó lấp đầy.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!