Tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới: Cách nào để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”?

(Dân trí) - Từ 6-10/8/2019, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo - Tập huấn “Dạy và học các chương trình bồi dưỡng thường xuyên tiếp cận theo năng lực”.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (ETEP),  hội thảo này là sự tiếp nối của các bước đã thực hiện trước đó để chuẩn bị bồi dưỡng đội ngũ cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Thưa PGS, Hội thảo - Tập huấn “Dạy và học các chương trình bồi dưỡng thường xuyên tiếp cận theo năng lực” đặt ra mục tiêu, yêu cầu như thế nào cho cán bộ, giảng viên tham gia?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền: Hội thảo tập huấn “Dạy và học các chương trình bồi dưỡng thường xuyên tiếp cận theo năng lực” có tham gia của gần 200 giảng viên chủ chốt của 4 trường là Đại học Vinh, trường Đại học Sư phạm-ĐH Huế, trường Đại học Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Đây sẽ là đội ngũ nòng cốt để tới đây bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán.

Trước hội thảo, các giảng viên của mỗi trường đại học đều đã được nhà trường tổ chức 3 ngày làm việc nhóm để trao đổi, nghiên cứu sâu học liệu về chương trình môn học, chương trình tổng thể, hướng dẫn thực hiện đi kèm… để có kiến thức cơ bản về chương trình GDPT mới.

Tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới: Cách nào để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”? - 1

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (ETEP).

Trong hội thảo lần này, các giảng viên sẽ tiếp tục nghiên cứu theo nhóm môn học và trả lời những câu hỏi phục vụ tìm hiểu chương trình mới. Một nhiệm vụ quan trọng các thầy cô cần làm là phân tích giáo án minh hoạ tức kế hoạch bài học minh họa đã được chủ biên các môn học gợi ý. Giáo án này chưa phải chuẩn mực nên thầy cô trước hết dựa trên hướng dẫn của công văn 5555 (năm 2018) của Bộ GD&ĐT Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để phân tích trên các tiêu chí về: tổ chức, đánh giá, thực hiện, hướng dẫn. Từ phân tích minh hoạ đó, các giảng viên xây dựng thêm một kế hoạch bài dạy trên một chủ đề nhất định để sử dụng làm ngữ liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán tới đây.

Hội thảo cũng đặt ra yêu cầu là các giảng viên xây dựng và thống kịch bản để tới đây sẽ bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán.

Nói ngắn gọn, hội thảo-tập huấn vừa giúp giảng viên nắm vững chuyên môn về chương trình GDPT mới, vừa giúp phát triển giáo án minh hoạ, thống nhất được kịch bản, phương thức bồi dưỡng giáo viên cốt cán sau này.

Với mục tiêu trên, phương thức thực hiện của hội thảo-tập huấn có gì mới, thưa ông?

Cách làm của hội thảo-tập huấn lần này được đổi mới hoàn toàn, không theo hình thức giảng viên đứng nói một chiều còn người học chỉ ngồi nghe. Ở đây, các giảng viên sẽ được trực tiếp tham gia thảo luận, làm bài tập theo nhóm.

Mỗi buổi làm việc, ban tổ chức có các yêu cầu bài tập cụ thể và cuối buổi các nhóm phải nộp bài làm lên trên hệ thống học online. Chúng tôi cũng khuyến nghị các thầy cô đánh giá các câu hỏi ban tổ chức đặt ra xem có câu nào khó quá, câu nào cần chỉnh sửa, bổ sung. Đồng thời các giảng viên sẽ xây dựng thêm câu hỏi trắc nghiệm để tới đây hướng dẫn giáo viên tìm hiểu chương trình. Số lượng giáo viên được tham gia tập huấn đại trà trên cả nước sẽ lên tới con số vài chục ngàn, nên hệ thống câu hỏi trắc nghiệm rất quan trọng, giúp thầy cô thuận tiện nắm bắt được các yêu cầu đặt ra.

Tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới: Cách nào để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”? - 2

Chỉ khi tham gia các hoạt động, thực hành, thực tập, người học mới hình thành và phát triển được các năng lực của bản thân. Việc ban tổ chức để các giảng viên trực tiếp làm việc thay vì chỉ ngồi nghe giảng, cũng vì lý do đó. Đây cũng là cách định hướng cho các thầy cô tới đây tập huấn cho giáo viên cốt cán của trường phổ thông có thể tổ chức theo hình thức tương tự, với trình tự các bước là: tự học, trao đổi thảo luận và cùng nhau xây dựng một sản phẩm nhất định nào đó. Cứ như thế sẽ tạo thành thói quen, cách làm việc khoa học cho giáo viên.

Ông có thể cho biết, tại hội thảo - tập huấn này, các giáo viên chủ yếu băn khoăn về vấn đề gì?

Qua trao đổi cụ thể, các giảng viên quan tâm nhất đến vấn đề là làm sao thiết kế được một bài dạy thực sự hấp dẫn, thuyết phục người học, đồng thời giáo án đó phải thể hiện được cách dạy và học đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Đây không chỉ là công việc truyền thụ kiến thức đơn chiều mà qua bài dạy đó phải giúp cho người học có được những kỹ năng, năng lực nhất định.

Trong chương trình GDPT mới có những môn học và hoạt động giáo dục chưa từng được đào tạo ở Việt Nam. Vậy chúng ta sẽ lấy các chuyên gia ở đâu để tập huấn cho thầy cô giáo?

Trong chương trình GDPT mới có một số môn học, hoạt động giáo dục lần đầu tiên được gọi tên chính thức, được xếp vào danh mục các môn học, hoạt động giáo dục trong quá trình đào tạo, ví du như Hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, đây không hẳn là hoạt động giáo dục mới bởi những năm qua, ở nhiều trường phổ thông đã manh nha những hoạt động tương tự nhưng chưa được gọi đích danh hay triển khai một cách có hệ thống.

Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã có những dự án hướng dẫn thầy cô thiết kế các hoạt động trải nghiệm trong giáo dục, các phương pháp dạy học tích cực... Đây có thể coi là bước đệm để sắp tới khi chương trình GDPT mới chính thức vận hành, thì lực lượng các thầy cô đã tham gia tổ chức hoạt động trải nghiệm này đã có những kỹ năng, kinh nghiệm nhất định với môn học lần đầu được gọi tên chính thức là Hoạt động trải nghiệm. Từ nền tảng này, khi được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các thầy cô sẽ có thêm kỹ năng, kiến thức mới, bài bản hơn, giúp họ tự tin tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất.

Tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới: Cách nào để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”? - 3

Thầy cô trao đổi nhóm tại tập huấn

Chương trình ETEP tập huấn cho giảng viên sư phạm chủ chốt rồi đội ngũ này tập huấn cho giáo viên phổ thông cốt cán. Giáo viên phổ thông cốt cán lại tham gia tập huấn cho giáo viên đại trà. Với lộ trình như vậy, ban tổ chức có cách nào để tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong truyền đạt nội dung thưa ông?

Nhận thức việc bồi dưỡng trực tiếp theo lộ trình: tập huấn cho F1 rồi F1 tập huấn cho F2, tương tự đến F3, thường suy giảm chất lượng. Bởi lẽ, khi F1 nghe giảng được 10 điều, đến lúc trao đổi lại cho F2 có thể chỉ còn 7 điều, đến F3 chỉ còn 5 điều được truyền thụ. Do vậy, Bộ GD&ĐT quyết định hình thức tập huấn/bồi dưỡng kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Cách làm này phần nào sẽ khắc phục được nhược điểm mô hình bồi dưỡng trực tiếp.

Với các video trao đổi gốc, tài liệu gốc được đưa lên mạng, các thầy cô dù ở thế hệ F1 hay F3 đều có thể tiếp cận để nghiên cứu, học tập được. Những nội dung đó sẽ tồn tại mãi trên hệ thống, giúp các thầy cô thoải mái đọc, học, nghiên cứu nhiều lần.

Trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến có diễn đàn để các thầy cô khi thấy khúc mắc, khó khăn có thể trao đổi ngay và giảng viên chủ chốt, giáo viên cốt cán sẽ giải đáp lại.

Mỹ Hà