Tặng cho con những chuyến “phượt” Tết

(Dân trí) - Cho dù ở Sài Gòn đang nóng như đổ lửa, vợ chồng anh Hậu vẫn liều mình đưa hai con nhỏ đi “phượt” ở Sa Pa lạnh giá trong dịp Tết. Anh Hậu cho biết muốn con có những kỷ niệm đẹp tuổi ấu thơ, những trải nghiệm ý nghĩa.

Trở về sau những ngày nghỉ Tết ở Sa Pa, dù hai con phải đi viện khám vì khò khè do thời tiết quá lạnh, anh Nguyễn Đức Hậu, ở P. Thạnh Lộc, Q.12, TPHCM vẫn mãn nguyện về kỳ nghỉ Tết của gia đình.

Anh Hậu chia sẻ, trước đây gia đình anh chỉ ăn Tết tại nhà, quanh quẩn ở thành phố hoặc về thăm hai bên nội ngoại. Tết quay đi quay lại toàn chuyện ăn uống, nhậu nhẹt, vui chơi đến mức sợ... Tết. Đặc biệt là hai đứa con, một lớp 10 và một lớp 6 thì ngày Tết trước đây rất rảnh rỗi, ăn rồi chỉ có vùi đầu vào mạng xã hội, cực kỳ phí phạm kỳ nghỉ quý giá.


Nhiều đứa trẻ được trải nghiệm Tết bằng những chuyến phượt. (Ảnh: Hoài Nam)

Nhiều đứa trẻ được trải nghiệm Tết bằng những chuyến "phượt". (Ảnh: Hoài Nam)

Hai năm nay đổ lại đây, vợ chồng anh cố gắng hoàn tất lễ nghĩa Tết với bố mẹ, họ hàng thật sớm rồi tìm đường để “phượt”. Năm rồi về sông nước Cà Mau, năm nay quyết định "Bắc tiến" dù ban đầu anh cũng lấn cấn vì thời tiết quá lạnh. Vậy mà hai con rất hào hứng, nói có chết cũng phải đi, thế là cả nhà liều mình chọn Sa Pa, bất chấp băng tuyết.

“Ra đến nơi, ông bà nội ngoại gọi điện khóc bảo tụi bây “hành” mấy đứa nhỏ vừa thôi mà đâu biết, chúng còn khoái hơn cả bố mẹ. Về đến nhà mới đổ bệnh thôi”, anh Hậu kể.

Ông bố cũng nói thêm, mình không đặt kỳ vọng dạy dỗ gì con qua những chuyến đi, chỉ đơn giản để con không phải trải qua kỳ nghỉ nhàm chán năm nào cũng như năm nào và để con có những kỷ niệm đẹp tuổi ấu thơ.

Cho dù hai con còi như que củi, lên xe là ói lên ói xuống nhưng không vì thế mà chị Thu Hà, một bà mẹ đơn thân ở TPHCM không ngần ngại với những chuyến đi. Tết năm nào mọi người cũng thấy ba mẹ con chị lúc tung tẩy lúc ở Ninh Chữ, lúc vùng vẫy ở Phú Quốc, năm ở Nha Trang.

Nhìn hành trang “lên đường” của mẹ con chị Hà, nhiều người phải sẽ sợ. Lúc nào cũng phải có quýt, gừng chống nôn ói, túi đựng ói… Người mẹ bất chấp để con được choáng ngợp trước đại dương mênh mông, rung động trước một cánh đồng xanh mướt hay hồi hộp nín thở trước những rặng núi hùng vĩ. Đi để con kết nối, yêu thương cũng như mỗi chuyến đi luôn phải chuẩn bị rất nhiều kỹ năng leo núi, lội ruộng, sơ cứu vết thương…

Và quan trọng nhất, với những chuyến đi mẹ con chị thuộc về nhau hoàn toàn bởi theo chị trẻ con bây giờ đâu thiếu ăn, thiếu mặc, chỉ thiếu được vui chơi trải nghiệm và thiếu… mẹ.

Từng bị bố mẹ chồng phản đối lên xuống vì Tết lại “cắp” hai đứa nhỏ đi lên rừng xuống biển, chị Trần Thùy Dung, ngụ ở Q.4, TPHCM vẫn giữ lập trường “Tết là lên đường” của mình.

Chị lên kế hoạch trước Tết cả tháng, đưa ra một số địa danh phù hợp với khả năng của mình để hai con đóng góp ý kiến. Kể cả những chuyến đi xa, không đặt được vé máy bay thì tàu hay ô tô, chị cũng chấp nhận hết dù biết con sẽ mất sức, sụt cân. Năm nay, gia đình chị làm một bước tiến, thay vì đi trong nước thì sang tận Thái Lan.

“Nhiều người nói, có nhiều tiền mới đi được nhưng quan trọng nhất mình muốn hay không. Nhà tôi không khá giả, tôi tiết kiệm các khoản tiền ăn tiêu, con cái rất ít mua quần áo, đồ chơi… để dành tiền đi. Đi để biết, để trải nghiệm nên không quá tốn, cũng chỉ bằng tiền ở nhà ăn nhậu ngày Tết”, chị Dung nói.

Không gì to tát, điều chị Dung thấy được từ con qua những chuyến đi là sự dạn dĩ, biết xử lý rất nhiều tình huống trong cuộc sống cũng như mê đời sống thực bên ngoài hơn… chiếc máy tính. Chị muốn trang bị cho con tâm thế dám đi, dám dấn thân, dám thay đổi mà chị hiểu không sách vở, thầy cô nào giúp được con mình.

Trẻ gặt hái được rất nhiều qua những chuyến đi (Ảnh: Hoài Nam)
Trẻ gặt hái được rất nhiều qua những chuyến đi (Ảnh: Hoài Nam)

Một giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, TPHCM bày tỏ, buổi học đầu tiên sau ngày Tết, thầy trò dành thời gian để hỏi han nhau. Nhiều em đón Tết theo cách truyền thống và nhiều em được đi đây đi đó trong nước, ngoài nước, kể rất hăng say, rất hứng thú về những ngày Tết trải nghiệm của mình.

“Không đơn thuần là đi du lịch, nhiều bố mẹ hướng con đi để trải nghiệm, đi để học hỏi. Nhiều em chỉ sau một chuyến đi thôi thay đổi rất nhiều, nói năng trôi chảy hơn, hiểu biết và thân thiện hơn. Nếu có cơ hội, hãy cho trẻ đi thật nhiều, đó là một trong những cách học tốt nhất hiện nay”, cô giáo bộc bạch.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đang được nhiều ông bố bà mẹ tận dụng triệt để như một cách giáo dục con trẻ. Việc có thể rời khỏi bốn bức tường ở trường học, ở nhà; rời khỏi sách vở, máy tính, tạm xa phố phường ngột ngạt đối với nhiều đứa trẻ thành phố là một niềm vui. Nhờ dũng khí dám buông tay của cha mẹ, các em được vùng vẫy với thiên nhiên đất trời, với đời sống thực muôn màu muôn sắc.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)