Tặng bằng khen các thí sinh đoạt giải Intel ISEF 2014

(Dân trí) -Sau chuyến bay dài từ Hoa Kỳ, trưa nay, đoàn thí sinh Việt Nam tham dự hội thi Intel ISEF về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Bên cạnh những bó hoa của bạn bè, thầy cô và người thân, nhóm thí sinh còn được Bộ GD-ĐT trao bằng khen ngay tại sân bay.

Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế dành cho học sinh trung học (Intel ISEF) năm 2014 diễn ra từ ngày 11 - 16/5/2014 tại Los Angeles (California, Hoa Kỳ). Đăng ký 6 dự án tham dự hội thi, chung cuộc, đoàn học sinh Việt Nam đã có 2 dự án đạt giải Tư đó là: dự án “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị” của em Trần Thị Diệu Liên và Nguyễn Nam Du (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM); dự án “Nghiên cứu thu nhận Lipid từ sinh khối vi sinh vật lên men rơm rạ hướng tới nguyên liệu sản xuất Biodiesel” của nhóm thí sinh Đặng Yến Lan, Trần Tiến Đạt và Đặng Anh Tú (Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội).

Đặc biệt, dự án “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị" của nhóm thí sinh Trần Thị Diệu Liên và Nguyễn Nam Du (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM) còn được nhận giải Nhì thuộc nhóm giải đặc biệt do Tổ chức Trái tim mở (Open Hearts) trao tặng.

Tại buổi đón đoàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, thành tích của các thí sinh là niềm động viên to lớn tới thầy trò, các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu khoa học.

“Đặc biệt, thành tích trong các dự án đoạt giải đã phần nào khẳng định hướng đúng đắn trong đổi mới giáo dục, tăng cường công tác nghiên cứu thực hành bên cạnh đào tạo lý thuyết” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (ngoài cùng, bên phải) trao bằng khen cho 2 nhóm thí sinh đoạt giải Tư hội thi Intel ISEF 2014.
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chụp ảnh cùng đoàn thí sinh Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chụp ảnh cùng đoàn thí sinh Việt Nam.

Trưa nay ra đón đoàn có đông đảo các bậc phụ huynh, thầy cô và bạn bè của các thí sinh đoạt giải. Thầy Nguyễn Đình Vinh - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Asterdam tâm sự: “Nhà trường có 3 học sinh tham dự đoạt giải. Đây là kết quả quá trình say mê nghiên cứu khoa học của các em dưới sự dìu dắt của các thầy cô”. Thầy Vinh cho biết, ngay từ đầu năm 2014, nhà trường đã có kế hoạch đầu tư công tác nghiên cứu của học sinh theo hướng khả dụng và khả thi. Trong đó tính khả dụng nhiều hơn, nghiêng về hướng ám dụng thực tế hơn.

Em Đặng Yến Lan - nhóm trưởng Dự án “Nghiên cứu thu nhận Lipid từ sinh khối vi sinh vật lên men rơm rạ hướng tới nguyên liệu sản xuất Biodiesel” (Trường THPT chuyên Hà Nội - Asterdam) hào hứng: “Cảm xúc của em vinh dự vì đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi lớn, được giao lưu với nhiều bạn bè và ghi danh trên bảng vàng. Có được kết quả này là nỗ lực tìm tòi, học hỏi của cả đội với sự trợ giúp của các thầy cô. Đề tài của chúng em hướng tới việc xử lý rơm rạ sau vụ gặt, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại nông thôn Việt Nam”.

Em Yến Lan cũng chia sẻ bí quyết vượt qua khó khăn trong cuộc thi chính là việc tự rèn luyện tính kiên nhẫn, không nản chí.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chụp ảnh cùng đoàn thí sinh Việt Nam
Em Đặng Yến Lan - nhóm trưởng Dự án “Nghiên cứu thu nhận Lipid từ sinh khối vi sinh vật lên men rơm rạ hướng tới nguyên liệu sản xuất Biodiesel”.

Là trưởng đoàn thí sinh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thịnh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GD-ĐT - nhấn mạnh: “Dự án “Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị” ngoài ý nghĩa về mặt khoa học, còn tạo ra ý nghĩa xã hội lớn. Dự án hướng tới những người khuyết tật, hướng tới cộng đồng. Bên cạnh đó, dự án còn lại cũng đạt ra tính thực tiễn cao ở Việt Nam - quốc gia nông nghiệp với lượng rơm rạ phát sinh nhiều sau vụ thu hoạch”.

Theo TS Thịnh, Việt Nam tham dự hội thi Intel ISEF được vài năm nhưng đã có những giải thưởng lớn. Đề cập tới sự khác biệt trong đánh giá của Ban giám khảo và thí sinh trong đánh giá đề tài, TS Thịnh nói: “Ban giám khảo quan tâm nhiều tới ý nghĩa hướng tới cộng đồng, việc giải quyết các vấn đề liên quan tới cuộc sống thường ngày chứ không thiên về nghiên cứu có tính hàn lâm”.

Hoàng Mạnh